Tổng kiểm tra, rà soát CT – SGK: "Mổ xẻ" những bất cập

24/05/2008

“Nếu cần thiết, có thể điều chỉnh cả chương trình. Nhưng phải chứng minh điều đó là cần thiết.” Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội thảo đánh giá chương trình – sách giáo khoa (CT – SGK) sau cuộc tổng kiểm tra có qui mô toàn quốc lần đầu tiên được Bộ GD – ĐT tổ chức với sự tham gia của nhiều thành phần; từ nhà giáo, cán bộ quản lý đang trực tiếp thực hiện chương trình đến các tổ chức có liên quan…

Chương trình nặng và SGK ôm đồm

Cuộc tổng kiểm tra, rà soát lại CT - SGK lần này được tiến hành nhằm mổ xẻ những bất cập, yếu kém của CT - SGK hiện nay để tìm ra giải pháp khắc phục…

Theo đánh giá của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý thì CT một số môn học còn tương đối nặng, hàn lâm đối với đa phần HS như: môn Ngữ Văn, Sinh học, Vật Lý, nghề phổ thông cấp trung học và đặc biệt quá tải đối với một bộ phận HS có  học lực yếu kém, thuộc dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Hội Liên hiệp KHKT Việt Nam, Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Hội Khuyến học còn cho rằng, một số nội dung ở CT một số môn học chưa thực sự cơ bản, làm cho khối lượng kiến thức gia tăng quá mức, nặng về lý thuyết hàn lâm, nhẹ về nội dung thực hành, luyện tập kỹ năng. Đặc biệt, CT không có độ mở cần thiết để GV có thể vận dụng linh hoạt, phù hợp với việc giảng dạy đối với các vùng miền, tương ứng với trình độ phát triển KT - XH và trình độ phát triển giáo dục khác nhau.

Hầu hết các ý kiến đều đánh giá rằng, nội dung trong SGK thể hiện nhiều bất cập, như: Thuật ngữ khoa học trình bày còn khó, trừu tượng, thậm chí chưa chuẩn xác, nhất quán trong ngay một lớp, giữa các lớp, giữa các cấp học. Chẳng hạn như, sách Toán lớp 2, lớp 3; Toán, Vật lý, Sinh học, Ngoại ngữ cấp THPT… Có những khác biệt về nội dung kiến thức giữa sách chuẩn và sách nâng cao không hợp lý, ví dụ như: yêu cầu sách chuẩn lại cao hơn yêu cầu ở sách nâng cao. Cá biệt, có những cuốn sách có những sai sót về kiến thức cơ bản…

Nếu cần thiết, có thể sửa cả CT và SGK

GS. Nguyễn Mậu Bành, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cho rằng: “Đánh giá CT và SGK là quá trình lâu dài và thường xuyên. Cần đánh giá CT và SGK theo quan điểm phân tích hệ thống mà đầu vào là CT. Khi SGK có vấn đề thì cần xem xét lại thiết kế hệ thống đầu vào. Trước mắt, Bộ cần tiếp tục nghiên cứu, thẩm định những ý kiến đánh giá chủ yếu, có trọng tâm. Đồng thời, có cơ chế huy động các cơ quan chuyên sâu tham gia đánh giá, tu chỉnh, sửa lỗi CT và SGK hiện hành. Không nhất thiết phải làm lại CT và viết lại SGK”. Bà Phan Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Đồng Tháp kiến nghị: “Thực tế, CT- SGK còn tham lam và ôm đồm quá khiến HS cảm thấy nặng nề còn GV thì không thực hiện đạt yêu cầu. Bộ nên khẩn trương điều chỉnh CT- SGK phù hợp với vùng miền, nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu chuẩn, đáp ứng nhu cầu xã hội. CT học phải đảm bảo tính hệ thống, học gì chắc nấy, chứ không phải cái gì cũng biết, nhưng không biết sâu cái gì cả…”. ý kiến của các chuyên gia và một số địa phương đề xuất, nên xây dựng nhiều bộ SGK khác nhau phù hợp vùng miền, đồng thời, Bộ cần có chương trình bồi dưỡng, hướng dẫn GV khi thực hiện điều chỉnh, tránh lúng túng.

Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót của CT - SGK, Bộ sẽ thực hiện các giải pháp trước mắt, đó là: tổ chức nghiên cứu với tinh thần thực sự cầu thị, tất cả các ý kiến nhận xét, đánh giá về CT - SGK; đồng thời sẽ rà soát lại một cách cẩn thận để phát hiện thêm những sai sót và kiên quyết sửa chữa những sai sót đã được phát hiện, kịp thời phục vụ cho năm học 2007-2008. Những giải pháp lâu dài đối với một số hạn thiếu sót của CT - SGK mà nguyên nhân là do những ràng buộc về hoàn cảnh, điều kiện hiện tại chưa thể vượt qua thì cần được tổ chức nghiên cứu thấu đáo đề chuẩn bị cho việc xây dựng CT giáo dục mới. Dựa trên CT chuẩn quốc gia, hướng dẫn thực hiện phù hợp với các vùng miền khác nhau, xây dựng các nội dung giáo dục phù hợp với nhu cầu và điều kiện các vùng, miền. Tổ chức biên soạn một số bộ SGK dựa trên CT quốc gia do Bộ GD - ĐT ban hành.

Sau khi lắng nghe những ý kiến góp ý, đề xuất, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận: Để đánh giá CT có quá tải hay không, cần phải có ví dụ cụ thể, ở vùng nào, điều kiện nào thì quá tải. Nếu không có thảo luận quy mô toàn quốc và không có đánh giá định lượng thì không kết luận được. Bộ sẽ tiến hành đánh giá sách hàng năm, từ nay đến năm 2010. Vấn đề SGK, rất nhiều điểm có thể điều chỉnh được. Với những nội dung SGK sai thì chắc chắn phải sửa, hoặc có những nội dung chưa phù hợp, hoặc trùng lắp thì sắp xếp lại..., chúng ta sẵn sàng điều chỉnh cả CT và SGK nếu chứng minh được điều đó là cần thiết./.

Một số ý kiến của các chuyên gia về giáo dục

Ông Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng: Nên tạo diễn đàn trên báo chí

Chúng ta nên trao đổi thẳng thắn, thành thật. Theo tôi, khi đánh giá quá tải cần xác định là quá tải về lượng hay về chất, nếu chỉ quá tải về lượng kiến thức thì sẽ dễ giải quyết hơn và Bộ cần có giải pháp cụ thể. Chúng tôi hy vọng, qua đợt này, Bộ sẽ có căn cứ để báo cáo Quốc hội, Chính phủ và tạo sự ổn định đồng thuận trong xã hội, phụ huynh, học sinh. Ngoài ra, cũng nên thông qua các phương tiện thông tin tạo diễn đàn trao đổi 2 chiều giữa học sinh, giáo viên với tác giả viết CT – SGK để có sự điều chỉnh kịp thời.

Ông Đào Văn Phúc, thành viên Hội đồng thẩm định SGK Vật Lý lớp 12: Phải giải quyết từ gốc!

Việc sửa lại CT – SGK là việc lớn, nhưng theo tôi việc sửa chữa hiện nay chỉ mới là phần ngọn, làm theo cách thủng chỗ nào, bịt chỗ đó thì khó lắm. Cần tìm cách giải quyết triệt để, tận gốc vấn đề. Theo tôi, Nhà nước phải quản thật chặt chẽ chương trình và dựa trên CT đó phải có nhiều bộ SGK khác nhau. Trên thế giới, hiếm có nước nào chỉ có một bộ SGK như Việt Nam. Bộ nên mời các chuyên gia nghiên cứu sâu từng lĩnh vực và lựa chọn ý kiến xác đáng, chứ nhiều ý kiến đại trà, tiểu tiết thì chỉ sửa được ngọn. Tuy nhiên, trong lúc sửa phải chú trọng sửa cái gốc như thế nào.

Ông Trần Trọng Hà, Chủ biên sách lớp 10 môn Địa Lý, nguyên chuyên viêc cao cấp Vụ phổ thông, Bộ GD- ĐT: Chọn người viết sách là cực kỳ quan trọng!

Trong quá trình bồi dưỡng sách, tôi thấy, có những câu hỏi giáo viên đưa ra thì ngay cả tác giả viết sách cũng thấy “bí” khi trả lời. Có những phần tôi đã góp ý nhưng tác giả viết sách cũng không sửa nổi vì chính họ cũng không hiểu sâu về vấn đề đó, lĩnh vực đó. Hiện nay, vấn đề này chưa giải quyết được ngay, do việc lựa chọn tác giả ngay từ đầu đã chưa chuẩn. Nếu cứ căn cứ vào học hàm, học vị tiến sĩ, giáo sư mà bắt họ viết thì không thể có CT - SGK tốt được. Vì vậy, theo tôi khâu chọn tác giá viết sách cực kỳ quan trọng./.

 

Thu Hằng

(http://www.vovnews.vn)