Thông báo Kết luận của Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc giữa Lãnh đạo Quốc hội và Lãnh đạo Chính phủ về quan hệ phối hợp công tác

11/03/2009

Ngày 26.2.2009, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Thông báo số 351/TB-VPQH-VPCP của Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chính phủ Thông báo Kết luận của Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc giữa Lãnh đạo Quốc hội và Lãnh đạo Chính phủ về quan hệ phối hợp công tác.

Toàn văn như sau:

Ngày 21 tháng 02 năm 2009, Lãnh đạo Quốc hội và Lãnh đạo Chính phủ đã có cuộc làm việc để đánh giá kết quả phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trong thời gian qua, bàn phương hướng và các biện pháp phối hợp trong thời gian tới.

Sau khi nghe Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo, các đồng chí Lãnh đạo Quốc hội, Lãnh đạo Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thống nhất kết luận như sau:

1- Mối quan hệ phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi bên; góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ chung, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp. Vì vậy, việc tổ chức các cuộc làm việc giữa hai bên là rất cần thiết nhằm tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả của sự phối hợp này.

2- Cơ bản tán thành báo cáo của Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chính phủ về những nội dung chủ yếu trong quan hệ phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trong thời gian qua, phương hướng trong thời gian tới; đồng tình và hoan nghênh nhiều ý kiến đóng góp của các đồng chí dự cuộc làm việc. Đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:

Trong thời gian qua, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, việc phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ được tăng cường và ngày càng thực hiện có hiệu quả, thiết thực, cụ thể hơn, nhất là trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình công tác, xây dựng pháp luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của đất nước.   

Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, sự phối hợp công tác giữa hai cơ quan vẫn còn những hạn chế nhất định. Việc xây dựng chương trình công tác có lúc còn bị động; việc bố trí thời gian, nội dung chương trình phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ  có lúc chưa phù hợp với việc triển khai công việc của mỗi bên. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm và cả nhiệm kỳ chưa được đầu tư đúng mức để bảo đảm tính khả thi. Các kiến nghị qua giám sát và việc thực hiện các giải pháp đưa ra tại các phiên họp chất vấn chưa có sự phối hợp chỉ đạo thường xuyên để đạt hiệu quả cao hơn. Việc chuẩn bị trình Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng có lúc còn bị động, có vấn đề chất lượng chưa cao, quy trình chuẩn bị chưa được thực hiện đầy đủ…

Trong thời gian tới, trước mắt là năm 2009, nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi cần có sự phối hợp công tác chặt chẽ hơn nữa trong việc chuẩn bị và trình Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; sửa đổi, bổ sung, ban hành một số luật cần thiết; nghiên cứu xử lý linh hoạt, kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra, tạo cơ sở thuận lợi để Chính phủ chỉ đạo, điều hành có hiệu quả nền kinh tế - xã hội, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của khủng hoảng và suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội...

Để thực hiện tốt nhiệm vụ chung và nhiệm vụ của mỗi bên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm phối hợp trên một số mặt công tác sau đây:

2.1. Về xây dựng, triển khai thực hiện chương trình công tác, nhất là các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các phiên họp Chính phủ

Hai kỳ họp hàng năm của Quốc hội nên bắt đầu vào khoảng ngày 20 tháng 5 và ngày 20 tháng 10. Trước mỗi kỳ họp khoảng 1 tuần, Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ họp bàn thống nhất những vấn đề cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để kỳ họp đạt kết quả theo yêu cầu đề ra.

Bố trí thời gian tổ chức phiên họp hàng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phiên họp Chính phủ không trùng nhau. Cụ thể là tiến hành phiên họp định kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong khoảng từ ngày 16 đến ngày 26, của Chính phủ vào tuần cuối tháng. Đối với các nội dung Chính phủ dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho ý kiến trước phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội ít nhất một tháng.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được Chính phủ ủy nhiệm trình các nội dung tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong trường hợp Bộ trưởng đi công tác đột xuất theo chương trình của Chính phủ thì đồng chí Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực trực tiếp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chính phủ mời đại diện lãnh đạo Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội dự phiên họp Chính phủ thường kỳ về các nội dung có liên quan.

Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Quốc hội thường xuyên trao đổi, thông tin kịp thời, phối hợp chặt chẽ trong việc phục vụ xây dựng và triển khai chương trình công tác hàng năm, hàng quý, hàng tháng, chương trình các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các phiên họp Chính phủ; cử cán bộ tham dự đầy đủ các kỳ họp, phiên họp để kịp thời báo cáo, tham mưu xử lý các vấn đề liên quan.    

2.2. Về công tác xây dựng pháp luật

Việc chuẩn bị nội dung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để trình Quốc hội phải bảo đảm tính khả thi. Các dự án đưa vào chương trình phải được xác định rõ các nội dung cần thiết như đối tượng, phạm vi điều chỉnh, tư tưởng chính sách, dự báo tác động và kinh phí cần thiết cho việc thực hiện...

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cả nhiệm kỳ và hàng năm đã được Quốc hội thông qua cần được tập trung thực hiện để đạt hiệu quả cao nhất và bảo đảm chất lượng. Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh theo đúng tiến độ đã định; tăng cường cán bộ và dành thêm thời gian cho công tác xây dựng luật. Hồ sơ các dự án luật cần được gửi đầy đủ đến các cơ quan có trách nhiệm, các vị đại biểu Quốc hội đúng thời gian quy định của pháp luật. Trong trường hợp đặc biệt, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất báo cáo Quốc hội cho đưa dự án chưa bảo đảm chất lượng ra khỏi chương trình.

Cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo, Ban soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, trách nhiệm thẩm định của Bộ Tư pháp, trách nhiệm thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu tăng kinh phí cho công tác xây dựng pháp luật. Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ giúp Thủ tướng Chính phủ làm đầu mối trong việc tham mưu xây dựng, triển khai và kiểm tra việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

2.3. Về công tác giám sát

Cần tăng cường phối hợp trong việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó chú trọng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Chương trình các đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cần được thông báo sớm, đủ quỹ thời gian để Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ chuẩn bị. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành nghiêm túc thực hiện và trả lời các kiến nghị, kết luận của các Đoàn giám sát và thực hiện những nội dung đã nêu trong phiên trả lời chất vấn.

2.4. Về quyết định các vấn đề quan trọng

Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ động phối hợp chuẩn bị các vấn đề quan trọng trình Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm chất lượng, tiến độ, đúng quy trình, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Xử lý kịp thời, linh hoạt những vấn đề do thực tiễn đặt ra để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đồng thời hạn chế việc bổ sung đột xuất nội dung vào chương trình kỳ họp Quốc hội.

Để tạo điều kiện cho Chính phủ chỉ đạo, điều hành linh hoạt, có hiệu quả, thực hiện mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc chuẩn bị trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi hoặc ban hành những chính sách phù hợp với tình hình kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

2.5. Các vấn đề khác

- Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp chỉ đạo triển khai các dự án xây dựng Nhà Quốc hội và Trụ sở làm việc các cơ quan Quốc hội bảo đảm chất lượng và tiến độ. Nghiên cứu quy định và thực hiện các chính sách, chế độ phù hợp, bảo đảm điều kiện hoạt động của các cơ quan Quốc hội và đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu hoạt động chuyên trách.

- Tiếp tục chỉ đạo Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ trong việc tham mưu, tổ chức phục vụ hoạt động của Quốc hội, Chính phủ và giao hai Văn phòng phối hợp đề xuất các biện pháp cải tiến, tăng cường phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ để đạt được hiệu quả cao hơn.

Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chính phủ xin trân trọng gửi đến các đồng chí để báo cáo, phối hợp chỉ đạo và triển khai thực hiện.

 

   BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM                  CHỦ NHIỆM

    VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ         VĂN PHÒNG QUỐC HỘI

 

         Nguyễn Xuân Phúc                             Trần Đình Đàn

(Văn phòng Quốc hội)

Các bài viết khác