Bế mạc Phiên họp thứ 22 của Ủy ban thường vụ Quốc hội: Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục: Chưa thuyết phục

16/08/2009

Sáng 15.8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã bế mạc Phiên họp thứ 22

Trước đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, UBTVQH đã cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

 

Dự án Luật Giáo dục được QH sửa đổi, ban hành năm 2005 và có hiệu lực thi hành từ 1.1.2006, đã tạo cơ sở pháp lý phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Luật đã nảy sinh một số điểm chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục lần này nhằm tiếp tục thực hiện phân cấp mạnh mẽ hơn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục.

 

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung 10 vấn đề liên quan đến 12 điều trong tổng số 120 điều của Luật Giáo dục hiện hành. Việc sửa đổi, bổ sung Luật giữ nguyên kết cấu, không tăng thêm điều, không bỏ điều, không sửa tên chương, mục. Nội dung sửa đổi liên quan đến 10 vấn đề: Về phổ cập giáo dục; giáo trình giáo dục nghề nghiệp và giáo trình giáo dục đại học; thời gian đào tạo trình độ tiến sỹ; đào tạo và cấp văn bằng trình độ tương đương với trình độ thạc sỹ, trình độ tiến sỹ ở một số ngành chuyên môn đặc biệt; thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ và thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập trường đại học; thành lập nhà trường; công khai tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; tên gọi của nhà giáo giảng dạy trong trường cao đẳng nghề; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý giáo dục và việc miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm.

 

Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi trình bày, khẳng định: Luật Giáo dục bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để tăng cường hiệu lực thi hành và để phù hợp hơn với thực tiễn. Song qua Dự thảo Luật kèm theo Tờ trình của Chính phủ, một số vấn đề vướng mắc trong thực tiễn khi thực hiện Luật Giáo dục năm 2005 chưa được tháo gỡ; một số vấn đề quan trọng đã từng được đưa vào Dự thảo ban đầu và được dư luận quan tâm, thảo luận nhưng đã bị rút ra khỏi Dự thảo do còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau. Bởi vậy, hầu hết các nội dung còn lại được đề cập trong Tờ trình của Chính phủ tuy rất đáng được sửa đổi, bổ sung nhưng chưa thực sự cấp thiết. Thường trực Ủy ban cho rằng, nếu không tích cực khảo sát, nghiên cứu để tiếp tục phát hiện, đánh giá, phân tích, chọn lọc để bổ sung thêm những nội dung quan trọng khác, thì sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục với Dự thảo hiện có là chưa thực sự thuyết phục. Về quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục lần này, báo cáo thẩm tra nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung Luật phải bảo đảm tính dự báo, phù hợp với xu thế phát triển của những quan hệ xã hội, tránh sửa đổi, bổ sung Luật nhiều lần. Phạm vi điều chỉnh của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục nên tập trung vào những vấn đề thật sự bức xúc mà thực tiễn đòi hỏi, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động giáo dục, nâng cao hiệu lực quản lý giáo dục.

 

Liên quan đến việc miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng đây là một vấn đề cần phải được thảo luận để làm rõ thêm. Bởi lẽ, chuyển cơ chế từ việc miễn học phí sang cơ chế thực hiện tín dụng ưu đãi, đây cũng là vấn đề rất lớn và sẽ tác động đến xã hội, không đơn giản, nếu làm không tốt sẽ rất khó thực thi được những điều khoản đã quy định trong Luật Giáo dục. Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận đề nghị tính toán kỹ xem có nên tiếp tục duy trì chính sách miễn học phí như hiện nay đối với sinh viên sư phạm hay thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi hay không.

 

Về điều kiện thành lập trường, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, phải phân biệt giữa điều kiện thành lập trường và điều kiện để đăng ký hoạt động giáo dục. Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền lập luận, trước đây chưa có quy định thành lập trường nên dẫn đến một hậu quả là chỉ có quyết định thành lập trường đại học của Thủ tướng là mở trường, sau đó người ta đi thuê cơ sở, thuê giáo viên thế là mở trường, cho nên bổ sung quy định này là đúng, nhưng giữa điều kiện thành lập trường và điều kiện đăng ký hoạt động giáo dục lẫn lộn.

 

 

 

Lâm Hiển

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác