Chủ trì và phát biểu tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh: hoạt động này nhằm cung cấp, trao đổi thông tin và lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người tàn tật, khuyết tật để giúp xây dựng luật sát với yêu cầu thực tế. Đồng thời, qua việc tạo điều kiện cho người tàn tật, khuyết tật tham gia vào quá trình hoạch định chính sách sẽ giúp người tàn tật, khuyết tật chủ động hòa nhập cộng đồng và có cuộc sống tốt hơn.
Sau khi nghe giới thiệu khái quát kết quả thi hành Pháp lệnh về người tàn tật, gần 30 người tàn tật, khuyết tật đại diện cho hơn 100 người tàn tật, khuyết tật ở xã Thạnh Phú đã cơ bản nhất trí với nội dung dự án luật. Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị trong dự án luật nên có quy định chính sách đặc thù đối với người tàn tật và khuyết tật. Trong đó, người tàn tật, khuyết tật cần được hưởng những chính sách hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, giáo dục đào tạo, học nghề, giải quyết việc làm, tiếp cận sử dụng các công trình công cộng. Trong dự án luật nên quy định thành lập Quỹ hỗ trợ cho người khuyết tật, tàn tật và cần huy động sự hảo tâm của cả cộng đồng đóng góp xây dựng quỹ.
Phát biểu tổng kết Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Lương Phan Cừ đã ghi nhận, tiếp thu ý kiến đóng góp của những người tàn tật, khuyết tật để cơ quan chức năng sớm hoàn thiện Dự án Luật Người tàn tật, khuyết tật trình Quốc hội thông qua.