Hội thảo góp ý kiến vào dự án Luật Bầu cử ĐBQH (sửa đổi)

08/09/2009

Ngày 7-8.9, tại thành phố Huế, Ban Công tác đại biểu của UBTVQH đã tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến vào dự án Luật Bầu cử ĐBQH (sửa đổi).

Dự thảo Luật Bầu cử ĐBQH (sửa đổi) do Ban Công tác đại biểu của UBTVQH chủ trì soạn thảo dự kiến sửa đổi, bổ sung 27 điều liên quan đến tiêu chuẩn của người ứng cử ĐBQH; số lượng ĐBQH, đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu; quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH...

Luật Bầu cử ĐBQH đã được ban hành năm 1997 và được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001. Với các nguyên tắc cơ bản là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín; không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo... Luật Bầu cử ĐBQH đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc lựa chọn những cá nhân ưu tú trong xã hội tham gia vào cơ quan quyền lực nhà nước tối cao; góp phần quan trọng nâng cao chất lượng ĐBQH. Tuy nhiên, Luật Bầu cử ĐBQH hiện hành cũng đã bộc lộ một số hạn chế như: tiêu chuẩn người ứng cử ĐBQH còn chung chung; chưa có quy định rõ ràng về mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu nên việc tổ chức bầu cử ở một số địa phương còn nặng về cơ cấu, xem nhẹ chất lượng người ứng cử ĐBQH; số lượng ĐBQH hay việc bảo đảm quyền bầu cử của công dân Việt Nam hiện đang sinh sống ở nước ngoài cũng không còn phù hợp với tình hình và các quy định pháp luật hiện hành. 

Các đại biểu tham dự Hội thảo nhất trí cao với việc sửa đổi toàn diện Luật Bầu cử ĐBQH và khẳng định: Luật Bầu cử ĐBQH là một trong những Luật quan trọng quy định về quyền chính trị cơ bản của công dân; những quyền này phải được Nhà nước bảo đảm thực hiện dân chủ và thực chất. Do đó, việc sửa đổi toàn diện Luật Bầu cử ĐBQH cần bảo đảm điều kiện thuận lợi nhất cho công dân thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Dự luật cần cụ thể hóa các tiêu chuẩn người ứng cử ĐBQH và người tự ứng cử ĐBQH; hài hòa giữa cơ cấu và chất lượng đại biểu, bảo đảm những người được lựa chọn phải là những cá nhân xuất sắc nhất, có đầy đủ các điều kiện về thời gian, trình độ, tâm huyết để mang được tiếng nói của cử tri đến nghị trường QH, từ đó tích cực tham gia vào việc hoạch định chính sách vĩ mô của cơ quan quyền lực nhà nước tối cao... Các đại biểu cũng đề nghị, cần sửa đổi đồng bộ Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND để thống nhất triển khai thực hiện bầu cử chung ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp từ nhiệm kỳ 2011-2015.

 

 

P.Thúy

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)

Các bài viết khác