Đồng hành, chia sẻ những thành quả và thách thức trong cuộc đấu tranh vì sự bình đẳng giới và phát triển của phụ nữ Việt Nam và phụ nữ trong khu vực Đông Nam Á

02/12/2009

Phát biểu của PHÓ CHỦ TỊCH QH VIỆT NAM TÒNG THỊ PHÓNG tại Lễ khai mạc Hội nghị chuyên đề AIPA về vai trò của nữ nghị sỹ trong quá trình xây dựng pháp luật

Kính thưa các quý bà, quý ông,

 

Kính thưa các vị đại biểu,

 

Thay mặt cho QH Nước CHXHCN Việt Nam và Chủ tịch AIPA Nguyễn Phú Trọng, tôi xin nhiệt liệt chào mừng bà giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Doan, Phó chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình, bà Hà Thị Khiết là những vị khách mời đặc biệt của Hội nghị, xin nhiệt liệt chào mừng các đoàn nghị viện các nước thành viên AIPA, các chuyên gia, các vị khách mời quốc tế và Việt Nam đã tới tham dự Hội nghị chuyên đề của AIPA về “Vai trò của nữ nghị sỹ trong quá trình xây dựng pháp luật” được tổ chức từ ngày 30.11 đến ngày 2.12.2009 tại Thủ đô Hà Nội.

 

Việt Nam rất vinh dự là nước chủ nhà tổ chức hội nghị chuyên đề lần này nhằm thực hiện Nghị quyết của Đại hội đồng AIPA lần thứ 29 tại Singapore (năm 2008) về vai trò của các nữ nghị sỹ trong công tác xây dựng pháp luật. Đây không chỉ là thực hiện nghĩa vụ của một thành viên AIPA, mà còn thể hiện cam kết của Việt Nam tham gia ngày càng hiệu quả và đóng góp thiết thực cho các hoạt động của AIPA, nhất là trong bối cảnh QH Việt Nam vừa tiếp nhận chức Chủ tịch AIPA nhiệm kỳ 2009 - 2010.

 

Thưa các quý bà, quý ông,

 

Việt Nam là một đất nước có truyền thống lịch sử lâu dài luôn gắn liền với tên tuổi và công lao của những vị nữ anh hùng, các bà, các chị là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trong suốt thời kỳ đấu tranh, giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước, trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đã ký kết và phê chuẩn Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW, ngày 18.12.1982) và nhiều Công ước quốc tế khác về quyền con người. Gần 30 năm qua, tuy trong hoàn cảnh kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn thực hiện các Công ước này với tinh thần trách nhiệm cao, thể hiện cụ thể trong việc xây dựng pháp luật, tổ chức thực thi pháp luật và chấp hành cơ chế giám sát quốc tế.

 

Dựa trên quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện Công ước CEDAW, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội. Điều này đã được thể hiện rõ qua tỷ lệ đại biểu nữ trong QH và cơ quan dân cử các cấp, tỷ lệ phụ nữ đi học đã tương đương với nam giới ở các cấp học; nhiều phụ nữ đã không ngừng học tập nâng cao trình độ pháp luật, quản lý kinh tế, quản lý doanh nghiệp và đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều nước khác trên thế giới và khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện nay cũng đang phải đối mặt với những thách thức trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là vấn đề hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh, trong lĩnh vực việc làm, bảo vệ chăm sóc sức khỏe, chế độ bảo hiểm xã hội mà AIPA đang rất quan tâm.

 

Thưa các quý bà ,quý ông,

 

Vấn đề nâng cao vai trò của nữ nghị sỹ trong quá trình xây dựng pháp luật là mục tiêu quan trọng của mọi quốc gia và luôn được đưa vào chương trình nghị sự của AIPA trong nhiều năm qua. Thông qua nhiều hoạt động, AIPA đã kêu gọi nghị viện các nước thành viên trong khu vực tăng cường hơn nữa vai trò và trách nhiệm của mình để góp phần vào nỗ lực chung vì sự tiến bộ của phụ nữ trong khu vực.

 

Trong nhiều năm qua, với sự đóng góp tích cực của nữ ĐBQH trong quá trình xây dựng pháp luật, QH Việt Nam đã có những nỗ lực không ngừng để xây dựng hệ thống pháp luật đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng, tất cả các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội đều được điều chỉnh bằng các bộ luật, các luật, phấn đấu để đến năm 2020 hệ thống pháp luật về cơ bản tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, phát huy mạnh mẽ vai trò là phương tiện đầy hiệu lực và hiệu quả trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội; trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng XHCN, trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, trong chủ động hội nhập và mở cửa, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Các chính sách đã góp phần nâng cao vị trí, vai trò phụ nữ của Việt Nam và đã được thể chế hóa bằng các đạo luật như Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật Thanh niên; Luật Lao động, Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Giáo dục. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các mục tiêu đầy tính nhân văn và thực tiễn của Chiến lược phát triển con người ở Việt Nam.

 

Thưa các quý bà, quý ông,

 

Nhân dịp này, tôi xin chân thành cám ơn các vị nghị sỹ các nước thành viên AIPA đã tới Hà Nội tham dự hội nghị lần này, cám ơn đại diện các tổ chức quốc tế như UNDP, UNICEF, Quỹ Phát triển phụ nữ của Liên Hiệp Quốc (UNIFEM) và các tổ chức quốc tế khác đã đồng hành cùng chúng tôi, cùng chia sẻ những thành quả và thách thức trong cuộc đấu tranh vì sự bình đẳng giới và phát triển của phụ nữ Việt Nam nói riêng và phụ nữ trong khu vực Đông Nam Á nói chung.

 

Tôi hy vọng rằng, hội nghị lần này sẽ là diễn đàn cho các đại biểu trao đổi ý kiến, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn về vai trò của nữ nghị sỹ trong quá trình xây dựng pháp luật của mỗi nước thành viên AIPA; thúc đẩy sự hiểu biết tin cậy lẫn nhau; cùng nhau khắc phục những vấn đề phụ nữ đang phải đối mặt hiện nay; thảo luận những định hướng hợp tác trong thời gian tới, từ đó góp phần nâng cao hơn nữa vai trò và vị trí của các nữ nghị sỹ trong hoạt động chính trị và kinh tế - xã hội. QH Việt Nam, Nhóm nữ nghị sỹ QH Việt Nam xin trân trọng lắng nghe, trao đổi kinh nghiệm với nghị viện các nước và coi đây là nội dung quan trọng góp phần tăng cường hợp tác hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau trong cộng đồng AIPA, góp phần thực hiện có hiệu quả Hiến chương ASEAN.

 

Trên tinh thần đó, tôi xin trân trọng tuyên bố khai mạc Hội nghị chuyên đề của AIPA về “Vai trò của nữ nghị sỹ trong quá trình xây dựng pháp luật”.

 

Chúc các đại biểu có những ngày công tác tại thành phố Hà Nội, Việt Nam vui, khỏe, hạnh phúc, bổ ích và lý thú!

 

Xin chúc hội nghị thành công tốt đẹp!

 

Xin chân thành cám ơn!

(http://nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác