Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH, Phó trưởng Tiểu ban thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo chính trị ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XI Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại Quảng Trị

16/01/2010

Ngày 14 – 15.1, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã về thăm và làm việc tại Quảng Trị

Ngày 14 – 15.1, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH, Phó trưởng tiểu ban thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI Nguyễn Phú Trọng đã về thăm và làm việc tại Quảng Trị để tìm hiểu, nắm tình hình thực tiễn, phục vụ cho việc chuẩn bị các Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sắp tới.

 

 

 

Tham dự Đoàn Công tác có Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Tiểu ban, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam Đỗ Hoài Nam; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Hoàng Việt; Nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương, Ủy viên thường trực Tổ biên tập Tiểu ban Nguyễn Văn Đặng; Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Ủy viên Tổ biên tập Tiểu ban Nguyễn Minh Thuyết; Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Ủy viên thường trực Tổ biên tập Tiểu ban Hoàng Chí Bảo...

 

Tại cuộc làm việc với Ban thường vụ tỉnh ủy, sau khi nghe báo cáo về những thành tựu, khó khăn của Quảng Trị sau hơn 20 năm đổi mới và phát triển, Đoàn Công tác đã trao đổi và đề nghị Ban thường vụ tỉnh ủy làm rõ tình hình sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả của kinh tế nhà nước trên địa bàn, có gặp khó khó khăn, vướng mắc gì không? Vai trò và sự đóng góp thực sự của từng thành phần kinh tế đối với sự phát triển của Quảng Trị như thế nào? Đâu là lực cản lớn nhất trong việc phát huy vai trò đóng góp của từng thành phần kinh tế trên địa bàn? Vai trò của kinh tế nhà nước như thế nào để bảo đảm kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân? Tình hình thực hiện Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông thôn và nông dân như thế nào? Năm 1991 – thời điểm ra đời Cương lĩnh năm 1991 – kinh tế Quảng Trị là thuần nông với tỷ trọng nông nghiệp chiếm 64%, công nghiệp – xây dựng chỉ chiếm 11%. Qua hơn 20 năm, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch tích cực, đến nay, tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống còn 30%, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ cùng tăng lên mức gần 35%. Đây là kết quả đáng mừng, nhưng thực tế quan hệ giữa chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với xóa đói giảm nghèo trên địa bàn như thế nào? Chuyển dịch cơ cấu kinh tế có gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động hay không? Theo báo cáo của Lãnh đạo tỉnh, kinh tế tư nhân được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển, bảo đảm sự công bằng, bình đẳng trong sản xuất kinh doanh với kinh tế nhà nước và hiện là khu vực phát triển năng động nhất, nhưng thực tế tình hình phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn như thế nào, có khó khăn gì không? Quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng XHCN, vai trò quản lý của nhà nước đối với nền kinh tế thị trường ở Quảng Trị như thế nào? Để phát huy vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tỉnh kiến nghị cần tiếp tục làm rõ về lý luận đối với vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế phù hợp với nền kinh tế thị trường; loại bỏ tận gốc cơ chế quan liêu, bao cấp; cơ chế xin – cho... Từ thực tế ở Quảng Trị thì địa phương có loại bỏ tận gốc cơ chế quan liêu bao cấp, cơ chế xin – cho hay cần cả nỗ lực từ Trung ương?

 

Ban thường vụ tỉnh ủy nhấn mạnh đến những kết quả trong giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa – xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội của Quảng Trị trong thời gian qua. Đây là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, vậy, thực tế tình hình ở Quảng Trị như thế nào? Đối với lĩnh vực giáo dục – đào tạo, tỉnh nhận định, sự nghiệp giáo dục – đào tạo phát triển cả về quy mô, nội dung và chất lượng, cơ cấu đào tạo. Tỷ trọng vốn ngân sách đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục – đào tạo tăng từ 1,5% năm 1995 lên hơn 4% năm 2000 và phấn đấu tăng lên mức 7,8% vào năm 2010. Nhưng, thực tế mối quan hệ giữa quy mô và chất lượng giáo dục; quan hệ giữa hội nhập với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong lĩnh vực giáo dục ở Quảng Trị như thế nào, có sáng tạo hay khó khăn, kiến nghị gì không?

 

Về công tác xây dựng Đảng ở Quảng Trị như thế nào? Trong tổng kết, chúng ta đều đánh giá, 70 – 80% cơ sở Đảng đạt trong sạch, vững mạnh. Vậy tại sao thực tế vẫn còn tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí? Qua 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, Đảng mới quyết định được vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân? Thực tế 5 năm qua, Quảng Trị thực hiện chủ trương này như thế nào? Việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng ra sao? Là 1 trong 10 địa phương trên cả nước được chọn để thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, đến nay, kết quả bước đầu của việc thí điểm chủ trương này ở Quảng Trị như thế nào?...

 

Phát biểu tại cuộc làm việc với Ban thường vụ tỉnh ủy Quảng Trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng khẳng định, qua các cuộc làm việc và nắm tình hình thực tế tại Quảng Trị đã gợi mở cho Đoàn Công tác về nhiều vấn đề lớn, cơ bản đang còn khó và có nhiều ý kiến khác nhau trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho rằng, cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, Quảng Trị đã và đang thực hiện có hiệu quả tư tưởng, nội dung của Cương lĩnh năm 1991, đạt nhiều thành tựu quan trọng sau hơn 20 năm tiến hành công cuộc Đổi mới của Đảng và Nhà nước. So với năm 1991, quy mô nền kinh tế Quảng Trị đã tăng 4,2 lần. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch rõ nét đã kéo theo sự chuyển dịch về cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp. Hiện nay, tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp giảm xuống còn hơn 55%. Cơ giới hóa nông nghiệp đang diễn ra khá nhanh. Kinh tế hộ nông dân chuyển từ hình thức tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, có quy mô và hiệu quả cao hơn. Trên cơ sở phát triển sản xuất hàng hóa và hình thành các vùng sản xuất thâm canh, chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến, nhiều vùng sản xuất đã và đang được hình thành trên quê hương Quảng Trị anh hùng như vùng sản xuất cao su, vùng cà phê, vùng hồ tiêu... ở Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa... Cơ sở hạ tầng trên địa bàn đang được đầu tư phát triển nhanh, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế ngoài nhà nước phát triển nhanh và ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của tỉnh. Kinh tế nhà nước từ chỗ hơn 65% năm 1995, đến nay, đã tăng lên hơn 83%, tham gia tích cực vào các định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, đóng góp ngày càng lớn cho thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 14%. Tỷ lệ xã có đường ô tô vào trung tâm xã là 100% và 100% xã có điện... Những kết quả nêu trên là minh chứng cho việc đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước đã vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh Quảng Trị.

 

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng chia sẻ với những khó khăn của một tỉnh nghèo với xuất phát điểm thấp và tích lũy của nền kinh tế còn nhỏ bé; đề nghị Quảng Trị cần làm rõ vì sao lại có tình trạng nêu trên? Điều kiện khó khăn khách quan thì đã rõ, nhưng điều kiện chủ quan là gì? Tại sao cùng một điều kiện, hoàn cảnh, nhưng địa phương, đơn vị khác lại đang phát triển đi lên? Qua trao đổi với Ban thường vụ tỉnh ủy, Đoàn Công tác nhận thấy nổi lên vấn đề về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Và hình như kinh tế thị trường thì có, nhưng định hướng XHCN có chưa? Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng lưu ý, chúng ta phát triển nền kinh tế thị trường, nhưng là thị trường lành mạnh, ở đó có sự cân bằng trong phân phối, phân chia lợi ích. Hay, liên quan đến việc phát triển các thành phần kinh tế, chúng ta nói kinh tế nhà nước là chủ đạo, nhưng quan trọng là vai trò chủ đạo này thể hiện như thế nào? Quảng Trị nằm trên trục Hành lang kinh tế Đông – Tây, có Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo - một trong những khu kinh tế cửa khẩu quan trọng nhất của đất nước.... Vậy, công tác tổ chức chỉ đạo thực hiện và phát triển vùng kinh tế động lực trên địa bàn như thế nào để khai thác hết các lợi thế nêu trên? Thực tế cho thấy, một mặt địa phương phải tập trung phát triển vùng động lực, nhưng xử lý như thế nào mối quan hệ giữa phát triển vùng động lực với bảo đảm đời sống và các chính sách đầu tư cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, miền núi, vùng căn cứ cách mạng, kháng chiến trước đây?... Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đề nghị, nhân dịp chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Quảng Trị cần tập trung nghiên cứu, tổng kết và đánh giá những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế cũng như thấy hết được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Từ đó rút kinh nghiệm và đưa ra những phương hướng, giải pháp phát triển phù hợp với đặc thù của tỉnh; đồng thời đóng góp ý kiến cho Trung ương trong việc chuẩn bị nội dung các Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc sắp tới.

 

   + Trước đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH, Phó trưởng Tiểu ban thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI Nguyễn Phú Trọng đã thăm và nắm tình hình thực tế tại thị trấn Lao Bảo, Hướng Hóa; xã Gio Hải, Gio Linh và thành phố Đông Hà; thăm cơ sở sản xuất kinh doanh giỏi của hộ gia đình chị Lê Thị Hằng ở xã Tân Thành, Hướng Hóa và trang trại của anh Trần Ngọc Toàn ở xã Gio An, Gio Linh; Công ty TNHH Đoàn Luyến; thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Con tại xã Gio Quang, Gio Linh...  

 

Thị trấn miền núi Lao Bảo là địa bàn trung tâm của Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, một trong những nút quan trọng của Hành lang kinh tế Đông – Tây. Thực hiện chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, khai thác thế mạnh từ kinh tế cửa khẩu, đời sống của bà con dân tộc Pa Cô, Vân Kiều... nơi đây đang có những bước thay đổi rõ rệt. Năm 2009, thu nhập bình quân đầu người đạt 10,7 triệu đồng/ người/ năm. Tỷ trọng thương mại – dịch vụ đã đạt gần 64%; công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đạt 30% và tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống còn 6%... Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng ghi nhận những nỗ lực và thành tựu mà Lao Bảo nói riêng và huyện Hướng Hóa nói chung đã đạt được trong thời gian qua; khẳng định, dưới ánh sáng của đường lối Đổi mới của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm, đầu tư của Trung ương, của tỉnh, bà con các dân tộc nơi đây đang tận dụng lợi thế, phát triển đúng hướng, đóng góp tích cực cho sự phát triển của Quảng Trị, của cả nước. Chủ tịch QH mong muốn, Lao Bảo và Hướng Hóa không tự bằng lòng với kết quả đã đạt được mà cần tiếp tục chủ động, sáng tạo vươn lên, phát huy tối đa lợi thế của Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo; tập trung phát triển dân trí, đào tạo nguồn nhân lực; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là đối với đồng bào dân tộc, các gia đình có công với cách mạng, gia đình nghèo... phấn đấu xây dựng Hướng Hóa xứng đáng với vị trí là địa bàn chiến lược của tỉnh.

 

+ Thăm và làm việc tại Quảng Trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và Đoàn Công tác đã dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng Liệt sỹ tại khu di tích Thành cổ Quảng Trị; Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9 - là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hơn 10.000 Liệt sỹ đã chiến đấu và anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì nhiệm vụ quốc tế cao cả với nước bạn CHDCND Lào.

T. Tâm

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác