Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng họp phiên toàn thể lần thứ 4

26/09/2017

Ngày 25- 26/9, tại thành phố Bắc Ninh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 4 dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình.

Trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu đã nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, Thể thao. Tổng kết 10 năm thi hành, có thể khẳng định Luật Thể dục, Thể thao đã thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực, thể hiện ở những kết quả nổi bật. Tuy nhiên, một số điều, khoản của Luật hiện đã có nội dung còn thiếu cụ thể dẫn đến việc khó thi hành trong thực tế. Một số hoạt động Thể dục, Thể thao phát sinh trong thực tiễn cần có sự quản lý trong khi Luật hiện hành chưa có quy định… Do vậy, việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, Thể thao là cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy Thể dục, Thể thao phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Thảo luận về Báo cáo thẩm tra dự án Luật, các thành viên Ủy ban cho rằng, nội dung Báo cáo đã phản ánh tương đối toàn diện, đầy đủ tình hình thực hiện Luật Thể dục, Thể thao trong thời gian qua. Tuy nhiên, một số thành viên lưu ý, Báo cáo cần đưa ra số liệu, dẫn chứng cụ thể nhằm tăng tính thuyết phục khi nêu những bất cập cần sửa đổi. Đồng thời, cần bổ sung một số vấn đề ở tầm chính sách trong lĩnh vực Luật Thể dục, Thể thao, như bình đẳng giới; chính sách phát hiện, bồi dưỡng nhân tài; chính sách đối với vận động viên thành tích cao, vận động viên chuyên nghiệp… Đa số thành viên băn khoăn về quan điểm xã hội hóa trong lĩnh vựcThể dục, Thể thao, đặt cược thể thao, vì đây là lĩnh vực có nhiều phức tạp, cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, song cũng nên sớm có quy định cụ thể.

Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đánh giá, Tờ trình và Báo cáo được xây dựng trên tinh thần nghiêm túc, cầu thị. Ủy ban cơ bản đồng ý với đề nghị của ban soạn thảo, tuy chưa thật sự vừa lòng. Nếu xét trên khía cạnh phục vụ cho việc quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực Thể dục, Thể thao thì tương đối tốt. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu đặt ra thì đây còn là một bài toán lớn. Và các ý kiến đóng góp tại Phiên họp lần này là cơ sở quan trọng, giúp cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các đại biểu quốc hội xem xét, tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp sắp tới.

Tại Phiên họp lần này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cũng nghe báo cáo của Bộ Giáo dục - Đào tạo về việc triển khai Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; thông tin về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Nghị quyết 40/2000/QH10; nghe Báo cáo kết quả hoạt động từ Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4 cũng như năm 2017 và dự kiến công tác năm 2018 của Ủy ban; Báo cáo phối hợp thẩm tra về tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2017 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 (đối với các lĩnh vực Ủy ban phụ trách).

Các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về các Báo cáo giám sát việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở (2001 - 2016); Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2010 - 2016; Báo cáo kết quả khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tự chủ đối với cơ sở giáo dục đại học; Báo cáo kết quả khảo sát việc thực hiện Luật Thể dục, Thể thao; Báo cáo kết quả giám sát về các lĩnh vực của Ủy ban phụ trách tại Lào Cai và Đắk Lắk.

(Theo ĐBND)