Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đo đạc và Bản đồ

20/11/2017

Chiều 20/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đo đạc và Bản đồ. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày 12/9/2017 và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tại Báo cáo số 516/BC-UBKHCNMT14, dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ được chỉnh lý có bố cục gồm 9 chương, 63 điều quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; đo đạc và bản đồ chuyên ngành; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý; điều kiện hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ. Việc xây dựng Luật bảo đảm quán triệt đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế; nhà nước thống nhất quản lý các hoạt động đo đạc và bản đồ, quy định hành lang pháp lý, chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật đo đạc và bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ quốc gia đồng bộ, hiện đại nhằm đảm bảo cung cấp thông tin địa lý đầy đủ, chính xác, kịp thời, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, quản lý, giám sát tài nguyên, môi trường; đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội phát triển dịch vụ đo đạc và bản đồ; tăng cường hội nhập quốc tế về đo đạc và bản đồ...

Theo Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật Đo đạc và bản đồ, trong quá trình xây dựng dự án Luật, Ban soạn thảo đã tiến hành rà soát các nội dung của dự án Luật với các luật có liên quan và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Các quy định của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở điều kiện thực tế của Việt Nam và phù hợp với xu hướng phát triển trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ của khu vực và trên thế giới, gắn liền với sự phát triển của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin. Vì vậy, các quy định của dự thảo Luật hoàn toàn có tính khả thi và đủ căn cứ, điều kiện để triển khai khi Luật có hiệu lực.

Cho ý kiến về dự án luật này tại phiên họp, các ý kiến đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự nhất trí cao với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Đo đạc và bản đồ, nhằm thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác đo đạc và bản đồ, đã bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ, từng bước khắc phục tình trạng chồng chéo, lãng phí; góp phần thúc đẩy thương mại hóa thông tin, dữ liệu, sản phẩm và xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy- tỉnh Bến Tre phát biểu ý kiến      Ảnh: Đình Nam

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy- tỉnh Bến Tre cho rằng, đã là kinh doanh dịch vụ thì phải có sản phẩm và phải cho phép kinh doanh sản phẩm để thu lợi nhuận. Vậy hoạt động mua bán, chuyển giao các sản phẩm về đo đạc bản đồ có được điều chỉnh theo luật không? Nếu có thì cần bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của luật? Bên cạnh đó, theo dự thảo luật, Luật Đo đạc và Bản đồ áp dụng cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ; khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ trong phạm vi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và công nhận bản đồ số trên mạng internet là xuất bản phẩm bản đồ. Ban soạn thảo cũng dự định bổ sung quy định "tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ bản đồ số phải đặt máy chủ trong lãnh thổ Việt Nam và tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn an ninh dữ liệu". Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy băn khoăn, trong trường hợp Yahoo và Google đưa bản đồ Việt Nam lên internet ở nước ngoài thì hai tổ chức này có thuộc đối tượng áp dụng của Luật Đo đạc và Bản đồ hay không.

Góp ý về nội dung này, đại biểu Quốc hội Lê Minh Chuẩn – tỉnh Quảng Ninh cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Đo đạc và bản đồ cơ bản đã bao trùm các nội dung. Tuy nhiên nếu bổ sung thêm những sản phẩm trong công tác đo đạc vào trong phạm vi điều chỉnh thì sẽ đầy đủ, phủ khắp hơn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Lâm- tỉnh An Giang phát biểu ý kiến

Đối với các quy định liên quan đến chính sách của nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ quy định tại Điều 5, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Lâm- tỉnh An Giang cho rằng, cần phải ưu tiên đầu tư phát triển hoạt động đo đạc, bản đồ phù hợp với việc ứng phó biến đổi khí hậu để kịp thời, phòng chống thiên tai thông qua việc lập các bản đồ hiện tại, bản đồ dự báo về tình hình bão lũ, hạn mặn, cứu hộ cứu nạn của từng địa phương và cả nước. Theo đại biểu, đây là nội dung rất quan trọng trong bối cảnh hiện tại của đất nước ta, tuy nhiên các bản đồ dự báo lại ít được chú trọng nên việc dự báo, ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai ở nước còn bị động, chưa kịp thời. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tách nội dung về phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn của cả nước và địa phương thành hẳn một khoản riêng trong Điều 5 của dự thảo luật.

Về các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đo đạc và bản đồ, đại biểu Quốc hội Lê Minh Thông - tỉnh Thanh Hóa đề nghị ngoài 05 nguyên tắc được đề cập trong dự thảo luật thì cần phải bổ sung thêm nguyên tắc các biện pháp đo đạc phải theo tuân thủ luật pháp quốc tế, đảm bảo tính kế thừa các sản phẩm đo đạc, bản đồ đã có trong lịch sử.

Đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang- tỉnh Cà Mau phát biểu ý kiến

Cũng quan tâm tới nội dung này, đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang- tỉnh Cà Mau cho rằng, mục đích của Dự thảo luật Đo đạc và bản đồ là từng bước khắc phục việc chồng chéo, lãng phí, góp phần thúc đẩy thương mại hóa thông tin, dữ liệu sản phẩm, xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và gắn với quốc phòng an ninh, do vậy dưới góc độ quốc phòng an ninh và đảm, để quy định của dự thảo luật được chặt chẽ, đảm bảo tính thống nhất của việc cấm và làm lộ các thông tin chưa được công bố liên quan đến số liệu đo đạc, bản đồ phục vụ quốc phòng, an ninh, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung thêm nguyên tắc đảm bảo bí mật nhà nước trong hoạt động đo đạc và bản đồ vào các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đo đạc và bản đồ.

Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cũng tập trung thảo luận về những nội dung liên quan đến các hành vi bị cấm trong hoạt động đo đạc và bản đồ; giải thích từ ngữ, cách sử dụng thuật ngữ; điều kiện cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; xã hội hóa trong công tác đo đạc và bản đồ; nội dung về đo đạc và bản đồ chuyên ngành...

Thu Phương

Các bài viết khác