Đề nghị quy định thời hạn bảo vệ bí mật dài hơn đối với bí mật nhà nước độ tuyệt mật

22/11/2017

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sáng 22/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội đã tiến hành thảo luận toàn thể tại hội trường về Dự thảo luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân phát biểu tại hội trường                                                          Ảnh: Đình Nam

Cần rà soát kỹ quy định danh mục bí mật nhà nước của 63 tỉnh thành

Đồng tình với một số nội dung về danh mục bí mật nhà nước được quy định tại Điều 10 dự thảo luật, tuy nhiên đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Thủy- Thanh Hóa phân tích, Hiến pháp năm 2013 quy định "công dân có quyền tiếp cận thông tin, có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của đất nước". Đồng thời, khoản 1 Điều 3 Luật Tiếp cận thông tin quy định "mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin". Như vậy, nếu thông tin bị mật hóa càng nhiều thì quyền tiếp cận thông tin càng ít. Do đó, nếu việc quy định về danh mục bí mật nhà nước, trách nhiệm của tập thể cá nhân trong việc quy định danh mục bí mật nhà nước, lập danh mục bí mật nhà nước không được xem xét một cách khoa học, khách quan, đánh giá đúng tác động sẽ dễ dẫn đến lạm dụng mật hóa, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Theo đại biểu, tại điểm b khoản 3 Điều 10 quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập danh mục bí mật nhà nước của địa phương như vậy sẽ có 63 danh mục bí mật nhà nước ở các tỉnh, thành phố. Việc quy định như dự thảo là đảm bảo sự phân cấp và nâng cao trách nhiệm của các địa phương. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi phù hợp với thực tiễn và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân, đề nghị dự thảo luật xem xét cân nhắc quy định rất cụ thể về trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước của Chính phủ, các cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và nhất thiết là phải căn cứ vào tiêu chí phân loại bí mật nhà nước.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân- tỉnh Đắk Lắk bày tỏ thống nhất với dự thảo luật tại khoản 1, khoản 2 và mục a khoản 3 của điều 10. Về mục b khoản 3, đại biểu cho rằng cần phải nghiên cứu lại bởi vì theo dự thảo luật quy định thì sẽ có 63 danh mục bí mật nhà nước của 63 tỉnh, thành phố. Như vậy, dễ dẫn đến lạm dụng danh mục bí mật nhà nước của từng địa phương, kể cả việc lợi dụng để bưng bít, che giấu thông tin, gây bất lợi cho người dân, các doanh nghiệp tiếp cận. Không thống nhất về danh mục bí mật nhà nước giữa các tỉnh, thành phố trong khi về cơ bản là các tỉnh, thành phố đều cùng một chức năng, nhiệm vụ, cùng tổ chức, bộ máy chính quyền địa phương theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và đều phải căn cứ theo phạm vi phân loại bí mật nhà nước để lập danh mục. Vậy, danh mục bí mật nhà nước của tỉnh này thì liệu có điểm gì khác với danh mục bí mật của tỉnh kia không. Do đó, theo đại biểu chỉ cần một danh mục tổng hợp chung cho 63 tỉnh thành là hợp lý nhất. Trên thực tế, hiện nay chúng ta cũng đang thực hiện như vậy và tôi đề nghị thì Ban soạn thảo cần nghiên cứu, cân nhắc vấn đề này.

Cho rằng cần phải quy định rõ hơn về danh mục bí mật nhà nước tại Điều 10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc- tỉnh Hưng Yên phân tích, khi danh mục bí mật nhà nước thể hiện không rõ sẽ ảnh hưởng đến việc soạn thảo phát hành văn bản và đặc biệt ảnh hưởng đến nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước. Theo báo cáo số 32 Bộ Công an đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước có hơn 80% tài liệu có nội dung bí mật nhà nước được xác định đúng độ mật. Như vậy, còn 20% tài liệu xác định không theo danh mục bí mật nhà nước. Do vậy, để các danh mục bí mật nhà nước được thể hiện cụ thể, xác định đúng độ mật, bảo đảm tính tập trung thống nhất trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước, đại biểu đề nghị chuyển 4 khoản đã được thể hiện tại Điều 9, 10 và tiếp tục nghiên cứu để thể hiện rõ hơn các danh mục bí mật nhà nước. Khoản 3 Điều 10 đề nghị thiết kế thành một điều riêng về trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước. Đồng thời, tại mục a khoản này việc liệt kê các đơn vị có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước còn đơn giản, không đúng thực tế, cần phải tiếp tục nghiên cứu để quy định phù hợp hơn.

Đề nghị quy định thời hạn bảo vệ bí mật dài hơn đối với bí mật nhà nước độ tuyệt mật

Cho ý kiến về vấn đề thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn- tỉnh Ninh Bình nhận định, theo dự thảo luật thì thời hạn 30 năm đối với bí mật độ tuyệt mật, 20 năm đối với bí mật độ tối mật và 10 năm đối với độ mật. Với quy định này thì có thể hiểu là tối đa 30 năm thì những bí mật sẽ được giải mật, được công khai. Vậy, quy định về việc gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước sẽ làm cho quy định thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước trở nên vô hiệu. Nếu việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc được quy định tại khoản 1 Điều 20 thì có thể gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước và mỗi lần gia hạn không quá thời hạn bảo vệ quy định ở khoản 2 Điều 19. Có thể chúng ta gia hạn rất nhiều lần, không có quy định cụ thể là gia hạn bao nhiêu lần. Như vậy sẽ mâu thuẫn giữa Điều 19 và Điều 20. Đồng thời luật cũng quy định, khi các bí mật nhà nước hết thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, theo quy định tại khoản 2 Điều 19 của luật này thì hiện nay có rất nhiều các loại văn bản, ví dụ thư mời hoặc kế hoạch đón tiếp lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm một tỉnh thì chúng ta đóng dấu mật. Sau khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước kết thúc chuyến thăm đó một ngày, quay về thì đến hôm sau báo, đài, tivi đưa. Nội dung đó người dân đều biết hết, vậy có ý nghĩa về mật nữa không?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn phát biểu tại hội trường

Cũng bày tỏ quan điểm về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân- tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nêu rõ, tại điểm a khoản 2 Điều 19 quy định về thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước đối với độ tuyệt mật là 30 năm. Theo đại biểu, đối với thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước độ tuyệt mật trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh 30 năm là hơi ngắn, vì trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh những tài liệu, vật liệu mang độ tuyệt mật là những tài liệu, vật liệu có nội dung đặc biệt quan trọng, chỉ phổ biến cho những người có trách nhiệm, nếu bị lộ, lọt sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đến chủ quyền an ninh quốc gia, lợi ích dân tộc. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu tăng thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, liên quan đến thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước là việc gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước. Khoản 2, Điều 20 quy định việc gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước phải được thực hiện trước khi hết thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, ít nhất 30 ngày, mỗi lần gia hạn không quá thời hạn bảo vệ quy định tại khoản 2 Điều 19 của luật này, tức là 30 năm đối với bí mật nhà nước độ tuyệt mật, 20 năm đối với bí mật độ tối mật và 10 năm đối với bí mật độ mật. Đặt vấn đề ngược lại, nếu những bí mật nhà nước khi giải mật sẽ gây nguy hại đến chủ quyền an ninh quốc gia, lợi ích dân tộc buộc phải gia hạn mà đã quá thời hạn và ít hơn 30 ngày quy định tại khoản 2 của điều này thì có được gia hạn hay không? Tương tự, nếu những bí mật nhà nước này cần gia hạn nhiều hơn thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 19 thì thực hiện như thế nào. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ thêm nội dung này theo hướng mở, linh hoạt theo từng thời kỳ.

Nhất trí với các quy định của thời hạn giải mật bí mật nhà nước như trong dự thảo luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Được- TP Hà Nội cho rằng quy định như vậy mới đáp ứng được yêu cầu công khai, minh bạch hóa thông tin trong thời kỳ hội nhập, đảm bảo thực thi quyền tiếp cận thông tin của công dân đã được Hiến pháp quy định. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị nghiên cứu thêm thời hạn giải mật, bí mật nhà nước quy định tại Điều 19 của dự thảo luật, cụ thể đề nghị đối với bí mật nhà nước độ tuyệt mật thì không nên xác định thời hạn giải mật hoặc cần quy định thời gian dài hơn 50 năm, vì những bí mật loại này liên quan đặc biệt đến an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia dân tộc phải được lưu trữ liên tục từ đời này sang đời khác, nếu để lộ có thể xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mặc dù thời gian ban hành hoặc tạo ra đã lâu.

Hồ Hương