Quốc hội Việt Nam được bầu làm Phó chủ tịch Đại hội đồng IPU: Ngoại giao nghị viện Việt Nam đã hài hòa với tầm vóc của ngoại giao Việt Nam

17/11/2010

Đầu tháng 10 vừa qua, tại Kỳ họp lần thứ 123 của Liên minh nghị viện thế giới (IPU), Việt Nam đã được bầu làm Phó chủ tịch Đại hội đồng IPU nhiệm kỳ 2010 – 2011.

 Trao đổi với PV Báo ĐBND về sự kiện quan trọng này, PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN ĐỐI NGOẠI NGÔ QUANG XUÂN – thành viên của Ban Chấp hành IPU, thay mặt cho QH Việt Nam, giữ chức vụ Phó chủ tịch Đại hội đồng IPU – cho rằng: việc QH Việt Nam được bầu làm Phó chủ tịch Đại hội đồng IPU đã một lần nữa cho thấy, sự đánh giá của quốc tế đối với ngoại giao Việt Nam, đặc biệt là sự ghi nhận của IPU đối với sự trưởng thành của ngoại giao nghị viện Việt Nam.

PV: Thưa Phó chủ nhiệm, tiếp nối vai trò là thành viên của Ban Chấp hành IPU, tại Kỳ họp lần thứ 123 của Đại hội đồng IPU được tổ chức tại Geneva, Thụy Sỹ từ 4 – 6.10.2010, QH Việt Nam đã vinh dự được bầu giữ chứác Phó chủ tịch Đại hội đồng IPU. Phó chủ nhiệm nhìn nhận như thế nào về sự kiện này?

PCN Ngô Quang Xuân: IPU là cơ chế đa phương có độ tuổi lâu đời, được thành lập từ những năm 1989. Thế giới hình dung IPU như một tổ chức mở đầu cho cơ chế nghị viện đa phương. Với bề dày hoạt động, IPU có vị trí khá đặc biệt và uy tín lớn trong đời sống chính trị quốc tế. Được đánh giá là một trong những thành viên tích cực của tổ chức này, Việt Nam tham gia tương đối toàn diện vào các hoạt động của IPU. Tháng 10.2007, tại Kỳ họp lần thứ 117 của Đại hội đồng IPU, lần đầu tiên Việt Nam được bầu làm thành viên Ban Chấp hành của IPU với sự tín nhiệm cao của các thành viên IPU. Điều này cho thấy, sự đánh giá của quốc tế đối với ngoại giao Việt Nam, đặc biệt là sự ghi nhận của IPU đối với sự trưởng thành của ngoại giao nghị viện Việt Nam. Chúng ta đã thực hiện nhiệm vụ thành viên Ban Chấp hành IPU một cách tích cực, đưa nhiều sáng kiến và được IPU chấp nhận. Gần đây nhất tại các khóa họp lần thứ 121 và 122, Việt Nam đưa ra sáng kiến nhằm củng cố vai trò của IPU trong quan hệ với Liên Hiệp Quốc và các cơ chế đa phương khác; sáng kiến về nội dung và phương thức mở cửa của IPU trong việc đón nhận các thành viên mới...

Với những nỗ lực này, tại Kỳ họp lần thứ 123 của Đại hội đồng IPU diễn ra tại tại Geneva, Thụy Sỹ, QH Việt Nam đã được bầu giữ chức Phó chủ tịch Đại hội đồng IPU. Là thành viên của Ban Chấp hành IPU, tôi vinh dự được thay mặt QH Việt Nam đảm nhận cương vị này.

Hiện nay, IPU có 5 Phó chủ tịch, đại diện cho nghị viện của 5 châu. QH Việt Nam là Phó chủ tịch đại diện cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cùng với đó, QH Việt Nam cũng đảm nhận cương vị Chủ tịch Nhóm ASEAN+3 theo cơ chế luân phiên của IPU và sẽ chủ trì các cuộc họp của Nhóm đến hết Đại hội đồng lần thứ 124 tại Panama.

Việc được bầu giữ chức Phó chủ tịch Đại hội đồng IPU đã một lần nữa cho thấy, sự đánh giá cao của khu vực của quốc tế đối với những đóng góp của Việt Nam tại IPU. Sự kiện đối ngoại này không tách khỏi những thành công rất lớn của ngoại giao Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2010.

PV: Và với vị thế này đã khẳng định vị thế của Việt Nam tại IPU cũng như các cơ chế nghị viện đa phương khác, thưa Phó chủ nhiệm?

PCN Ngô Quang Xuân: Trong năm 2010, vị thế của Việt Nam đạt tới những điểm tương đối bước ngoặt. Với tư cách Chủ tịch ASEAN năm 2010 và Chủ tịch AIPA – 31, bạn bè nhìn nhận Việt Nam là một trong những thành viên rất trách nhiệm của cộng đồng khu vực và quốc tế. Việt Nam đã thể hiện được vai trò và sự tin cậy. Thành công của Việt Nam trên cả các mặt trận là đối ngoại của Đảng, đối ngoại của Nhà nước và đối ngoại nghị viện và đối ngoại nhân dân đã góp phần nâng vị thế của Việt Nam lên tầm cao mới. Rõ ràng, qua các hoạt động của năm 2010, cụ thể là sự tham gia của Việt Nam trong quan hệ song phương và cơ chế đa phương đã cho thấy một bức tranh tổng hợp, đánh dấu bước trưởng thành của ngoại giao Việt Nam.

Tôi cho rằng, hoạt động nghị viện đã hài hòa được với hoạt động chung của ngoại giao Việt Nam. Ngoài quan hệ với nghị viện các nước, QH Việt Nam chú trọng phát triển quan hệ hợp tác với các nghị viện lớn như nghị viện châu Âu, QH Mỹ... QH Việt Nam ngày nay không chỉ được bầu giữ chức Phó chủ tịch Đại hội đồng IPU mà đồng thời là Phó chủ tịch Đại hội đồng Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF); tham gia tích cực vào các diễn đàn nghị viện đa phương khác như APPF... Năm 2010, trên cương vị Chủ tịch AIPA – 31, chúng ta đã tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA – 31, được bạn bè khu vực và thế giới đánh giá cao. Đây là một trong những hoạt động thể hiện được tầm vóc của ngoại giao nghị viện Việt Nam nói riêng và ngoại giao Việt Nam nói chung. Trước đó, với tư cách Chủ tịch AIPA – 31, Chủ tịch QH Việt Nam đã được mời tham dự Hội nghị tham vấn cấp Chủ tịch QH/ Chủ tịch Thượng viện G20 do Nghị viện Canada đăng cai tổ chức. Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đã dẫn đầu Đoàn Đại biểu QH Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu

PV: Với tư cách là một trong năm Phó chủ tịch Đại hội đồng IPU, xin Phó chủ nhiệm cho biết, phương hướng hoạt động của IPU, đặc biệt là những đóng góp của QH Việt Nam đối với cơ chế nghị viện đa phương này? 

PCN Ngô Quang Xuân: IPU ngày nay, trong hoạt động của mình, đã đề cập tương đối toàn diện các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội… xảy ra trên phạm vi toàn thế giới. Ưu tiên của IPU sắp tới tương đối rõ. Thứ nhất, IPU đang thảo luận để nâng vai trò của IPU lên cao hơn, đáp ứng các nhu cầu ngày càng lớn của không chỉ riêng cộng đồng nghị viện quốc tế mà còn thể hiện được vai trò và sự đóng góp của nghị viện trong việc đưa ra giải pháp cho các vấn đề của thế giới. Trong lĩnh vực kinh tế, các thành viên IPU cùng thảo luận để tìm ra giải pháp cho các vấn đề xảy ra sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. Trong lĩnh vực chính trị, IPU đề cập tới vai trò của nghị viện trong đời sống chính trị thế giới hiện nay trong bảo đảm nền dân chủ, ổn định, góp phần bảo vệ hòa bình, giảm bớt xung đột… Trong lĩnh vực xã hội, IPU có những chương trình lớn về HIV/ AIDS, bình đẳng giới… Các hoạt động này đòi hỏi IPU phải có sự cải tổ theo hướng nâng cao vai trò để giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Thứ hai là mở rộng và nâng cao vai trò của IPU trong quan hệ với Liên Hiệp Quốc. Trong chương trình năm 2011, IPU đã bàn thảo phương hướng hoạt động và đề ra các ưu tiên. Với tư cách là một trong năm Phó chủ tịch IPU, QH ta chắc chắn sẽ tham gia một cách đầy đủ, có trách nhiệm đối với các hoạt động của IPU; đưa ra các đề xuất đóng góp vào giải pháp chung của IPU trong thời gian tới.

Hoạt động ngoại giao đa phương và nghị viện đa phương ngày càng có vị trí đặc biệt. Với đặc thù mềm dẻo và sáng tạo, ngoại giao nghị viện đóng góp tích cực vào việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Và như đánh giá của Lãnh đạo cấp cao QH nước ta, trong nhiệm kỳ QH Khóa XII, đối ngoại đã trở thành một trong những nhiệm vụ cốt lõi của QH nước ta.

PV: QH Việt Nam được gì khi tham gia và có vị trí cao trong các cơ chế hợp tác nghị viện đa phương, thưa Phó chủ nhiệm?

PCN Ngô Quang Xuân: Hiện nay, Việt Nam đã trở thành thành viên của hầu hết các cơ chế đa phương trên thế giới, từ tiểu khu vực, khu vực đến liên khu vực và quốc tế như AIPA, APF, APPF... Trở thành Phó chủ tịch IPU, rõ ràng vị trí của QH Việt Nam tại các cơ chế đa phương khác cũng lớn hơn; trách nhiệm của chúng ta cũng lớn hơn. Qua những đóng góp cho các cơ chế này, QH Việt Nam có lợi ích thiết thực là triển khai được đường lối đối ngoại hòa bình, xây dựng môi trường hòa bình, cùng phát triển. Đặc biệt với tư cách là cơ quan đại biểu đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của người dân, ngoại giao nghị viện sẽ tác động vào việc ban hành và thực thi chính sách của cơ quan hành pháp các nước. Kết quả của ngoại giao nghị viện khó có thể định lượng bằng các giá trị cụ thể. Nhưng ở tầm vĩ mô, ngoại giao nghị viện sẽ tạo một lực đẩy hay động cơ để chính quyền các nước tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam.

Thực ra, trong nghị viện các nước hiện nay cũng có nhiều đảng phái chính trị khác nhau. Và không phải ai cũng hiểu hết về Việt Nam, thậm chí có những thông tin sai lệch, kể cả những vấn đề tế nhị như nhân quyền, dân chủ, tôn giáo... Thông qua hoạt động ngoại giao nghị viện, chúng ta làm cho họ hiểu hơn về Việt Nam, đưa thông tin chuẩn xác và hóa giải những hiểu biết chưa đúng về tình hình Việt Nam. Và phương hướng là đề xuất để mời nhiều Đoàn Đại biểu nghị viện các nước, nghị viện các cơ chế đa phương đến thăm Việt Nam. Với tư cách Phó chủ tịch IPU và Phó chủ tịch một số cơ chế nghị viện đa phương khác, chúng ta sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để mở rộng quan hệ với nghị sỹ các nước, các tổ chức nghị viện quốc tế. Qua đó, tận dụng cơ hội mới, thúc đẩy quan hệ với các nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội...

PV: Xin cám ơn Phó chủ nhiệm!

 

 

T. Bình thực hiện

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác