Uỷ ban Về các vấn đề xã hội tổ chức Hội thảo Chính sách bảo hiểm xã hội và bảo trợ xã hội

06/11/2011

Ngày 5.11, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội và Ngân hàng Thế giới đã tổ chức Hội thảo Chính sách bảo hiểm xã hội và bảo trợ xã hội – thực trạng thách thức và định hướng phát triển. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đã tới dự và tham gia chủ trì.

 

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm Trương Thị Mai cho rằng: kinh nghiệm thế giới và thực tiễn ở nước ta cho thấy hệ thống an sinh xã hội tốt không những chỉ có vai trò quan trọng trong việc quản lý rủi ro đối với cá nhân, hộ gia đình, mà còn giúp đạt được các mục tiêu quan trọng khác như giảm bất bình đẳng xã hội, thúc đẩy sự phát triển toàn diện và tạo điều kiện để Nhà nước tiến hành các cuộc cải cách có lợi khác. Trên cơ sở đó, an sinh xã hội phải đảm nhận vai trò phân phối lại thu nhập cho người nghèo, người dễ bị tổn thương; tạo điều kiện cho các gia đình đầu tư tốt hơn cho tương lai ; giúp các gia đình quản lý được rủi ro và cho phép đưa ra lựa chọn hướng đến mục tiêu hiệu quả và tăng trưởng bền vững.

 

Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến phát triển hệ thống an sinh xã hội trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, trong giai đoạn đất nước đang chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, an sinh xã hội được xem như lưới đỡ hỗ trợ cho các đối tượng nghèo, các nhóm xã hội dễ bị tổn thương để có thể giảm bớt tác động tiêu cực của suy thoái, khủng hoảng kinh tế. Thực tiễn hệ thống cung cấp dịch vụ an sinh xã hội của chúng ta đang ngày càng phát triển, diện bao phủ ngày càng mở rộng. Tính đến ngày 30.9.2011 thì số lượng đối tượng tham gia BHYT là 55,1 triệu người, chiếm tỷ lệ  63 % tổng dân số Việt Nam và theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế thì đến năm 2014 sẽ là năm bước vào lộ trình cuối của chính sách bảo hiểm y tế toàn dân. Đến nay, chính sách an sinh xã hội đã chiếm khoảng 30-35% tổng chi ngân sách quốc gia hàng năm với nhiều hình thức đa dạng như trợ cấp, trợ giá, miễn một số dịch vụ cơ bản, cùng với các chương trình dành cho nông thôn, vùng kinh tế xã hội khó khăn, vùng dân tộc thiểu số... 

 

Các báo cáo, tham luận  tại Hội thảo đã cung cấp các thông tin, đánh giá về hệ thống chính sách an sinh xã hội hiện hành của Việt Nam dưới góc độ của một tổ chức quốc tế chuyên về tài chính và trình bày những kinh nghiệm về các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội tại một số nước châu Á. Đồng thời, các chuyên gia cũng đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam về việc phát triển một chính sách trợ cấp xã hội giúp cho giảm nghèo bền vững và tiến tới xây dựng một hệ thống an sinh xã hội hiện đại. Đây là một cơ hội để các vị đại biểu, các chuyên gia cùng nhau trao đổi, thảo luận và lựa chọn áp dụng các kinh nghiệm quốc tế cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

 

Hội thảo còn nhằm nghiên cứu, chuẩn bị tham gia góp ý vào các nghị quyết của Đảng về cải cách tiền lương giai đoạn 2011-2020, chính sách an sinh xã hội, chính sách người có công và chuẩn bị tiến tới thẩm tra việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội .

 

Hà An

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác