Tại phiên họp thứ sáu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Công đoàn chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động

23/03/2012

Hôm qua, ngày 22-3, tại Hà Nội, phiên họp thứ sáu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) tiếp tục làm việc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu.

Tại phiên họp, dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) đã thu hút nhiều thành viên thảo luận. Các ý kiến phát biểu đánh giá cao sự phối hợp của các cơ quan chức năng chuẩn bị dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) công phu, nội dung thể hiện toàn diện, sát thực tế; đồng thời cơ bản nhất trí báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) của Ủy ban TVQH. Các thành viên tập trung thảo luận về bốn vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau được nêu trong báo cáo. Trong đó, về địa vị pháp lý của công đoàn, đa số ý kiến phát biểu đều thống nhất khẳng định: Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác, cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động...

Về quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài, nhiều ý kiến phát biểu đều nhất trí như dự thảo Luật, cho rằng nên quy định quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của lao động là người nước ngoài, đồng thời, bổ sung điều kiện đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nơi người nước ngoài làm việc phải có tổ chức công đoàn cơ sở thì lao động là người nước ngoài mới được quyền gia nhập công đoàn. Ðiều đó góp phần tạo được sự bình đẳng, thể hiện thái độ cởi mở, đoàn kết trong cùng giai cấp công nhân, để người lao động nước ngoài hiểu được bản chất Công đoàn Việt Nam. Tuy nhiên, có một số ý kiến đề nghị nên cân nhắc kỹ quy định quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam đối với người lao động nước ngoài. Bởi vì, người lao động nước ngoài là đối tượng cần được quan tâm, quản lý; trong khi pháp luật nhiều nước không quy định quyền tham gia công đoàn của lao động là người nước ngoài. Bên cạnh đó, quy định cho phép lao động là người nước ngoài tham gia công đoàn còn đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết như rào cản về ngôn ngữ, văn hóa... Do vậy, Ủy ban Pháp luật QH và Công đoàn Việt Nam cần già soát, nắm chắc tình hình thực tế người lao động nước ngoài làm việc tại các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trong cả nước và báo cáo cấp trên trước khi quyết định về vấn đề này.

Về tài chính công đoàn, đa số các ý kiến đều tán thành như dự thảo Luật, cho rằng: Khác với tổ chức chính trị khác, tổ chức công đoàn luôn gắn với người lao động, gắn với doanh nghiệp, cho nên các doanh nghiệp cần phải quan tâm đến người lao động, tài chính công đoàn gồm các nguồn thu: Ðoàn phí công đoàn do đoàn viên đóng góp hằng tháng theo quy định của Ðiều lệ Công đoàn Việt Nam; kinh phí công đoàn do doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đóng góp tối đa bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; ngân sách Nhà nước hỗ trợ; kinh phí từ nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ của các tổ chức công đoàn quốc tế; tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước...

Cũng trong ngày làm việc, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề, ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục đại học; xem xét Tờ trình của Kiểm toán Nhà nước về việc chuyển Tạp chí Kiểm toán thành Báo Kiểm toán trực thuộc Kiểm toán Nhà nước.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác