Phiên họp thứ Sáu của Ủy ban thường vụ Quốc hội

25/03/2012

* Cho ý kiến về việc bổ sung biên chế và số lượng Thẩm phán của Tòa án nhân dân địa phương năm 2012 - 2013: Cần có lộ trình phù hợp với khả năng tuyển dụng của từng địa phương * Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH: Nghiên cứu thành lập ủy ban Dân nguyện của QH * Phê chuẩn nhân sự Ủy viên Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, Thẩm phán Tòa án Quân sự Trung ương

Sáng 23.3, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về việc bổ sung biên chế, số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân địa phương năm 2012 – 2013.

 

Theo Báo cáo do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày, những năm qua, ngành Tòa án đã có nhiều cố gắng trong việc tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ ngành Tòa án. Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) đã kịp thời phân bổ chỉ tiêu biên chế và số lượng thẩm phán cho các Tòa án Nhân dân (TAND) địa phương, kịp thời chỉ đạo TAND các cấp có biện pháp cụ thể để thực hiện bổ sung biên chế và số lượng Thẩm phán, nhằm từng bước bảo đảm đủ số lượng biên chế và số lượng Thẩm phán. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết số 770/2009/UBTVQH12 do UBTVQH ban hành ngày 23.2.2009 vẫn còn một số hạn chế như: tính đến ngày 15.9.2011, ngành Tòa án vẫn chưa thực hiện đủ số chỉ tiêu biên chế được phân bổ trong năm 2009 và 2010; việc phân bổ cho Tòa án địa phương chưa khắc phục được bất hợp lý về cơ cấu chức danh cán bộ Tòa án; vẫn còn tình trạng đơn vị giải quyết việc nhiều lại ít biên chế hơn các đơn vị ít việc...

 

Cơ bản nhất trí về sự cần thiết bổ sung biên chế và số lượng Thẩm phán TAND địa phương trong năm 2012 và năm 2013, Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, việc phân bổ biên chế, số lượng Thẩm phán cho TAND địa phương cần phải tính đến yêu cầu trước mắt và lâu dài. Cần phải có lộ trình cụ thể và mang tính dự báo đối với việc tổ chức lại hệ thống Tòa án cũng như thẩm quyền của Tòa án các cấp theo tinh thần cải cách tư pháp. Mặt khác, việc bổ sung biên chế và số lượng Thẩm phán TAND địa phương phải bảo đảm các nguyên tắc phân bổ biên chế để bảo đảm giải quyết công việc. Ủy ban Tư pháp kiến nghị, không nên tăng đồng đều mang tính chất bình quân mà chỉ nên tăng biên chế và Thẩm phán ở các đơn vị đang gặp khó khăn trong việc giải quyết án do có nhiều án mà có ít Thẩm phán.

 

Với đa số tán thành, UBTVQH đã biểu quyết thông qua tổng số biên chế bổ sung cho các tòa án địa phương năm 2012 - 2013 là 1.713 biên chế. Các Ủy viên UBTVQH cũng lưu ý, hàng năm UBTVQH phê chuẩn chỉ tiêu biên chế cho các TAND địa phương, nhưng thực tế cho thấy ngành tòa án không thực hiện được đủ chỉ tiêu tuyển dụng này. Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh, việc bổ sung hàng nghìn biên chế trong khi công tác tuyển dụng lại có nhiều khó khăn sẽ tạo ra áp lực về chỉ tiêu tuyển dụng, dẫn tới tình trạng coi trọng số lượng, xem nhẹ chất lượng tuyển dụng. Thực tế, chất lượng Thẩm phán ở cấp địa phương và các tỉnh chưa tốt lắm và chất lượng xét xử của các vụ án bộc lộ ngay năng lực chuyên môn của các thẩm phán cũng như chất lượng tuyển dụng của ngành Tòa án. Do đó, bên cạnh việc bổ sung biên chế và số lượng lượng Thẩm phán, cần có giải pháp cụ thể, căn cơ để bảo đảm chất lượng tuyển dụng và số lượng Thẩm phán đáp ứng được nhu cầu công việc tại các tòa án địa phương.

 

Theo Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, để khắc phục thực trạng trên thì công tác tham mưu đề xuất về bổ sung biên chế và số lượng thẩm phán cho TAND địa phương cần phải sâu sát hơn với thực tiễn. Cần căn cứ vào nhu cầu tuyển dụng cũng như khả năng tuyển dụng của địa phương, tính đến các yếu tố khó khăn trong việc tuyển dụng cán bộ ngành Tòa án và những yếu tố ảnh hưởng tới việc thực hiện chỉ tiêu phân bổ đề ra. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, không nên gói gọn việc thực hiện chỉ tiêu phân bổ trong một, hai năm mà nên đề ra lộ trình dài hạn để bảo đảm chất lượng Thẩm phán, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn xét xử của các TAND tại từng địa phương. Cần tránh tình trạng đơn vị giải quyết việc nhiều lại ít biên chế hơn các đơn vị ít việc. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’Sor Phước đề nghị, ngay từ bây giờ, ngành tòa án cần xây dựng hệ thống chính sách bài bản bao gồm các chính sách đào tạo, tuyển dụng; chính sách lương thưởng, bồi dưỡng thỏa đáng nhằm thu hút nguồn nhân lực và bảo đảm số lượng thẩm phán tại những tòa án địa phương gặp khó khăn do thiếu cán bộ.

 

Tiếp đó, với 100% ý kiến tán thành, UBTVQH đã phê chuẩn đề xuất của Tòa án nhân dân Tối cao cử Thứ Trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn làm Ủy viên Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, Thẩm phán Tòa án Quân sự Trung ương thay ông Trần Hữu Thắng nghỉ chế độ.

 

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả  hoạt động của QH.

 

UBTVQH đã nghe Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH. Theo đó, Đề án đề xuất, trong hoạt động thẩm tra dự án luật, nội dung báo cáo thẩm tra cần phải có ý kiến chính thức của Ủy ban Pháp luật về việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự án luật với hệ thống pháp luật. Báo cáo thẩm tra tập trung phân tích, phản biện và đưa ra các kiến nghị thể hiện chính kiến của cơ quan thẩm tra về các chính sách pháp luật được xây dựng trong dự án; nêu rõ những vấn đề tán thành, không tán thành hay cần bổ sung, hoàn chỉnh với lý do cụ thể. Trong hoạt động giám sát, theo Đề án, hàng năm sẽ tổ chức ít nhất hai lần chất vấn tại Phiên họp của UBTVQH; hai lần báo cáo giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH; đồng thời, tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo do QH bầu hoặc phê chuẩn gồm: Chủ tịch Nước, Phó chủ tịch Nước, Chủ tịch QH, Phó chủ tịch QH, Ủy viên UBTVQH, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

 

Đối với tổ chức kỳ họp QH, Đề án đưa ra hai phương án. Phương án thứ nhất là tổ chức kỳ họp theo hướng rút ngắn xuống còn khoảng từ 20 - 25 ngày một kỳ họp, một năm hai kỳ QH họp khoảng 40 – 50 ngày. Để hoàn thành nội dung và bảo đảm chất lượng kỳ họp, sẽ chuyển một phần công việc tại kỳ họp sang hoạt động thường xuyên giữa hai kỳ họp của ĐBQH, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH. Cụ thể, sẽ chuyển việc xin ý kiến lần đầu về các dự án luật tại kỳ họp QH sang tổ chức xin ý kiến tại hội nghị trực tuyến với sự tham gia của tất cả các ĐBQH hoặc hội nghị trực tuyến các ĐBQH chuyên trách. Phương án thứ hai là tổ chức hàng năm ba kỳ họp QH, trong đó, kỳ họp thứ nhất chủ yếu về công tác xây dựng pháp luật và một số vấn đề KT - XH cấp bách. Hai kỳ họp tiếp theo chủ yếu để thảo luận, quyết định các vấn đề về KT - XH và một số nội dung khác theo thông lệ. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, những vấn đề thuộc về nguyên tắc thì không được chuyển sang hoạt động thường xuyên giữa hai kỳ họp. Trong đó, việc cho ý kiến lần đầu với dự án luật có vai trò quan trọng trong quá trình xem xét, thông qua dự thảo luật, là viên gạch đầu tiên của quá trình lập pháp. Vì vậy, việc trình dự án luật ra QH lần đầu tiên vẫn phải thực hiện tại một kỳ họp của QH, nhưng có thể tổ chức thảo luận về dự án luật trong thời gian giữa hai kỳ họp. Đến kỳ họp thứ hai, QH sẽ chỉ xem xét những vấn đề lớn của dự án luật và có thể quyết định thông qua hay không thông qua ngay tại kỳ họp này. Nhiều Ủy viên UBTVQH cho rằng, không nên đặt vấn đề giảm thời gian thực hiện kỳ họp, mà chủ yếu cần xem xét những công việc nào có thể thực hiện tốt hơn ở các cơ quan của QH. Bởi nếu mỗi công xưởng của QH hoạt động tốt thì các hoạt động tại kỳ họp sẽ được nâng cao chất lượng, hiệu quả.

 

Đề án cũng đề nghị tổ chức giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri theo hướng phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết; phân luồng đơn thư; tập trung về một đầu mối giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri gửi đến QH, các cơ quan của QH, các Đoàn ĐBQH, các ĐBQH và VPQH. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thành lập Ủy ban Dân nguyện của QH để đảm nhiệm chức năng giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri. Nhiều Ủy viên UBTVQH đồng tình với đề xuất này. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, cần thành lập Ủy ban Dân nguyện để thống nhất công tác giám sát việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri. Tại nhiều quốc gia, Ủy ban Dân nguyện là cơ quan của QH được hiến định.

 

 

 

P. Thủy – T. Chi

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác