Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế- xã hội năm 2011 và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2012 do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh trình bày đánh giá năm 2011, trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2011 đã đạt được những kết quả tích cực.
Các chỉ tiêu về kinh tế-xã hội về cơ bản đạt mức như đã báo cáo trước Quốc hội, một số chỉ tiêu đạt cao hơn. Tăng trưởng kinh tế đạt 5,89% là mức tăng khá trong điều kiện phải tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô…
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra so với kế hoạch còn một số chỉ tiêu chưa đạt, lạm phát còn ở mức cao, kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, chất lượng tăng trưởng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, một số vấn đề về xã hội, môi trường còn nhiều bức xúc chưa được giải quyết.
Tình hình kinh tế- xã hội 4 tháng đầu năm 2012 đã có chuyển biến, đạt được kết quả tích cực bước đầu, đúng hướng. Các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả. Lãi suất tín dụng giảm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng và dự trữ ngoại hối được cải thiện, tỷ giá ổn định, thị trường chứng khoán có dấu hiệu khởi sắc. Sản xuất, kinh doanh trong điều kiện khó khăn đã từng bước có chuyển biến. Nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế tập trung vào ba lĩnh vực trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu ngân hàng thương mại và tái cơ cấu doanh nhiệp nhà nước đang được triển khai tích cực.
Các thành viên của Ủy ban Kinh tế đã tập trung thảo luận về những kết quả đã đạt được trong năm 2011 và 4 tháng đầu năm 2012, đặc biệt đi sâu phân tích nguyên nhân của những mặt còn tồn tại, hạn chế và đề xuất nhưng giải pháp cần triển khai thực hiện để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong năm 2012. Trên cơ sở tán thành nhiều nội dung trong báo cáo, ý kiến của đại biểu đề nghị báo cáo của Chính phủ cần tập trung đi sâu phân tích những kết quả đã làm được, đặc biệt là những mặt còn tồn tại, hạn chế để tìm biện pháp khắc phục kịp thời.
Đại biểu Cao Sĩ Kiêm đề nghị cần có sự chỉ đạo đồng bộ, linh hoạt giữa các loại chính sách. Xung quanh việc hỗ trợ cho doanh nghiệp, đại biểu đề nghị cần tập trung tháo gỡ cho sản xuất, trong đó chú trọng vào hoạt động tháo gỡ đầu ra cho sản phẩm, tìm kiếm thị trường…
Chính phủ đưa ra các giải pháp cần triển khai trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, nhất là các chính sách lãi suất và lượng tiền cung ứng. Tiếp tục giảm lãi suất tín dụng xuống còn khoảng 15% năm phù hợp với kết quả kiềm chế lạm phát. Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và khuyến khích đầu tư của các thành phần kinh tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa gắn với tái cơ cấu nền kinh tế nhưng không làm bất ổn kinh kế vĩ mô và lạm phát trở lại. Bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an ninh quốc phòng, tăng cường phòng chống tham nhũng…
Thực hiện mạnh mẽ các biện pháp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt chú trọng đối với lao động mất việc làm từ các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, nhất là ở khu vực công nghiệp tập trung; tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…
Buổi chiều, Ủy ban Kinh tế thẩm tra dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế cơ bản của Luật Hợp tác xã năm 2003, góp phần thống nhất nhận thức về bản chất tổ chức hợp tác xã, vị trí và vai trò của khu vực hợp tác xã trong nền kinh tế Việt Nam.
Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm mục tiêu khuyến khích và phát triển mạnh mẽ mô hình hợp tác xã kiểu mới, đồng thời định hướng phát triển các hợp tác xã hiện có hoạt động theo đúng bản chất hợp tác xã; đưa khu vực hợp tác xã nói riêng và thành phần kinh tế tập thể nói chung trở thành lực lượng to lớn, phát triển rộng khắp và có vị trí quan trọng trong nền kinh tế nước ta; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thành viên, đặc biệt là kinh tế hộ nông dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ…
Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) gồm 9 chương, 66 Điều. Dự thảo Luật đã thể chế hóa rõ hơn bản chất tổ chức hợp tác xã, khác biệt so với tổ chức doanh nghiệp ở mục tiêu thành lập, quan hệ sở hữu, quan hệ kinh tế, quan hệ quản lý và quan hệ phân phối trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Cao Sĩ Kiêm đánh giá dự thảo Luật lần này đã xác định được mô hình hợp tác xã kiểu mới. Các quy định trong dự thảo Luật bắt đầu tiếp cận được với thông lệ quốc tế và phản ánh được tình hình của đất nước ta. Đại biểu tán thành với lập luận của Chính phủ ủng hộ dự thảo Luật cần thiết kế đầy đủ những quy định mang tính cơ bản, ổn định lâu dài về bản chất, tổ chức quản lý của hợp tác xã; quyền, nghĩa vụ của hợp tác xã, thành viên hợp tác xã, nhằm bảo đảm tính toàn diện của Luật. Nhiều ý kiến của đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ nội dung quản lý nhà nước đối với loại hình này; phân định rõ các loại hình hợp tác xã với những điều kiện khác nhau… Xung quanh sửa đổi, bổ sung để hợp tác xã được thành lập công ty, góp vốn, mua cổ phần, có ý kiến còn băn khoăn vì cho rằng có khả năng phát sinh sở hữu chéo sau này.
Các ý kiến của các đại biểu tại phiên họp sẽ được nghiên cứu, tiếp thu, thể hiện trong các báo cáo của Ủy ban Kinh tế tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII sắp tới./.