Vinacomin được Thủ tướng quyết định thành lập từ cuối năm 2005, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - công ty con trên cơ sở hợp nhất Tập đoàn Than Việt Nam và Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam. Là tập đoàn kinh doanh đa ngành, tạo ra các chuỗi sản phẩm và giá trị gia tăng trên nền công nghiệp than - khoáng sản, bao gồm các hoạt động chính: khai khoáng, năng lượng, luyện kim, hóa chất, cơ khí, vật liệu xây dựng, xây lắp công trình, dịch vụ. Việc áp dụng mô hình tổ chức, chiến lược phát triển cùng với cơ chế quản lý phù hợp đã giúp Tập đoàn ngày càng phát triển, giải phóng năng lực sản xuất sẵn có, đồng thời phát triển các năng lực sản xuất mới đưa ngành than - khoáng sản nước ta bước vào thời kỳ phát triển cao. Tuy nhiên, tại cuộc làm việc, lãnh đạo Vinacomin cho rằng, những hạn chế, vướng mắc trong cơ chế, chính sách hiện nay khiến cho Tập đoàn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể, giá bán than trong nước thấp hơn nhiều so với giá xuất khẩu, giá bán cho ngành điện thấp hơn giá thành làm mất cân đối vốn đầu tư tái sản xuất và mở rộng của ngành than. Việc cấp phép thăm dò tài nguyên quá chậm ảnh hưởng đến tiến độ chuẩn bị tài nguyên cho đầu tư phát triển trong tương lai. Quy định hiện hành về thủ tục, trình tự thủ tục đầu tư các dự án khai thác mỏ than chưa phù hợp với tính chất đặc thù của các dự án cũng đã làm chậm tiến độ, ảnh hưởng đến việc nâng cao sản lượng than đáp ứng nhu cầu than ngày càng tăng của nền kinh tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu ghi nhận, những kết quả đạt được của Vinacomin thời gian qua đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung và việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia nói riêng. Về định hướng phát triển trong thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị, Vinacomin cần rà soát lại các lĩnh vực, ngành nghề sản suất - kinh doanh, vấn đề đầu tư, sản phẩm, thị trường, mô hình tổ chức trong chiến lược phát triển của ngành nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả việc tái cấu trúc doanh nghiệp. Đối với những khó khăn, vướng mắc của Tập đoàn, Chủ nhiệm đề nghị các cơ quan QH, Chính phủ quan tâm nghiên cứu, xem xét trên cơ sở đặc thù của ngành than, khoáng sản cũng như tình hình thực tiễn của đất nước, trong đó chú ý tới các cơ chế, chính sách về khai thác, quản lý tài nguyên, về thực hiện cơ chế giá than theo cơ chế giá thị trường, chế độ ưu đãi đối với người lao động.
Trước đó, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế đã đi khảo sát thực tế tại mỏ hầm lò của Công ty Cổ phần Than Vàng Danh, khai trương của Công ty Cổ phần Than Núi Béo và Công ty Cổ phần Than Hà Lầm.