Theo Tờ trình Đề án tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH do Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, việc xây dựng đề án nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, bảo đảm QH thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Trong đó, các đề xuất đổi mới hoạt động lập pháp là phát huy vai trò của QH trong việc xem xét chuẩn bị dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Cơ quan chủ trì thẩm tra dành thời gian phối hợp ngay từ đầu với cơ quan soạn thảo để trao đổi, xử lý các vấn đề thuộc nội dung dự án, từ đó thu hẹp các vấn đề còn ý kiến khác nhau. Trong thời gian giữa hai kỳ họp QH, tăng cường tổ chức hội nghị trực tuyến, hội nghị ĐBQH chuyên trách để xin ý kiến ĐBQH về các dự án luật. Đối với hoạt động giám sát, hàng năm, sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Tiếp tục hoàn thiện thủ tục chất vấn theo nhóm vấn đề, dành toàn bộ thời gian tại hội trường cho việc hỏi và trả lời câu hỏi trực tiếp. Chương trình hoạt động giám sát của QH phải được thông qua tại kỳ họp đầu năm trước để có thời gian, điều kiện triển khai thực hiện...
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu nêu rõ, mục tiêu của Đề án là đổi mới phương thức, cách thức hoạt động của QH để vừa giảm tải được thời gian QH làm việc trong một kỳ họp, giảm chi phí nhưng vẫn bảo đảm được chất lượng và khối lượng công việc. Đề án không đi theo chủ thể của từng cơ quan QH, mà đi theo từng hoạt động của QH. Vì vậy, cần làm rõ việc đổi mới cách thức, phương thức hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, các điều kiện bảo đảm cho QH và các ĐBQH thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình. Đối với các chương trình xây dựng luật pháp, định hướng chung của Đề án là phải phát huy được trí tuệ, sự tham gia của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, đề cao trách nhiệm của các cơ quan của QH.
Các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các nội dung của Đề án. Về hoạt động lập pháp, nhiều ý kiến tán thành việc các cơ quan chủ trì thẩm tra cần tích cực tham gia với các cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật ngay từ đầu để kịp thời trao đổi, xử lý các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau. Song, một số ý kiến đề nghị, trong quá trình này, cơ quan chủ trì thẩm tra nên có ý kiến chính thức bằng văn bản, không nên dừng lại ở việc đóng góp ý kiến mang tính chất cá nhân hoặc không chính thức như vừa qua. Trong hoạt động chất vấn, một số ý kiến, nếu thấy cần thiết có thể kéo dài thời gian chất vấn nhằm giải quyết, đi đến tận cùng vấn đề, để tăng cường trao đổi đối thoại, làm rõ trách nhiệm của người được chất vấn. Với việc tổ chức hội nghị trực tuyến chỉ nên tổ chức đối với các dự án luật chuẩn bị trình QH để tiết kiệm thời gian và chi phí.