Trong số 13 dự án Luật sẽ được Quốc hội thông qua có một số dự án luật được đông đảo cử tri, dư luận quan tâm, như: Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Giá, Luật Công đoàn, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Quản lý thuế, Luật Biển Việt Nam, Luật Giáo dục đại học…
Quốc hội cũng sẽ giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nghiên cứu và cho ý kiến về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội không xem xét việc giảm chỉ tiêu tăng trưởng trong năm nay, giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 6 đến 6,5%. Về nhân sự, Quốc hội sẽ xem xét việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của bà Đặng Thị Hoàng Yến- đại biểu Quôc hội tỉnh Long An, theo các quy định của pháp luật.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN… Quốc hội sẽ tăng số lượng các phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp với 15 phiên.
Ông Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh: “Ngoài các phiên khai mạc, bế mạc, chất vấn, kỳ họp còn truyền hình trực tiếp các phiên thảo luận về kinh tế- xã hội và các dự luật được nhiều người quan tâm như Bộ luật Lao động (sửa đổi) và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Thời gian trình bày tại hội trường cũng sẽ được rút ngắn, sắp xếp thời gian hợp lý hơn giữa thảo luận ở tổ và ở hội trường”.
Liên quan đến Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Quốc hội, trong kỳ họp này, các đại biểu sẽ cho ý kiến về nhiều nội dung, trong đó đáng chú ý là đề xuất cải tiến, đổi mới về tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn hàng năm./.