Cần “3 đột phá” trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế

22/05/2012

Các đột phá này bao gồm: thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.

Chiều nay (21/5), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo Tờ trình do Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trình bày, nền kinh tế nước ta hiện nay đã bộc lộ không ít yếu kém nội tại. Tăng trưởng GDP tuy vẫn ở mức tương đối cao nhưng đang có xu hướng chậm lại; chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Quy mô các  ngành  kinh tế còn nhỏ và phân tán; sản xuất công nghiệp phần lớn còn ở dạng gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng nội địa thấp. Đa số các sản phẩm có đóng góp lớn trong GDP và kim ngạch xuất khẩu đều là sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và khoáng sản, các sản phẩm công nghiệp sơ chế và dịch vụ phục vụ tiêu dùng thâm dụng nhiều lao động phổ thông. Số ngành, lĩnh vực có công nghệ tiên tiến, hiện đại còn ít; công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, còn mất cân đối lớn giữa các khâu trong chuỗi sản xuất và cung ứng. Cơ cấu thành phần kinh tế, cơ cấu đầu tư và cơ cấu lao động còn bất hợp lý; hiệu quả đầu tư và năng suất lao động còn thấp; chưa thu hẹp được khoảng cách về năng suất lao động so với các nước trong khu vực.

Báo cáo ý kiến về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày cho thấy, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế nhất trí với những đánh giá thực trạng cơ cấu kinh tế nước ta hiện nay, những tồn tại, yếu kém đã nêu trong Đề án. Tuy nhiên đề nghị cần phân tích làm rõ nguyên nhân do thể chế chưa phù hợp, chính sách chưa đúng, chưa đủ hay đã có chính sách nhưng công tác tổ chức thực hiện chưa tốt. Từ đó, làm cơ sở đề xuất các giải pháp mới phù hợp hơn, vì hầu hết các nguyên nhân nêu trong Đề án không mới, đã tồn tại trong nhiều năm, đã được nhận diện và đã áp dụng nhiều giải pháp để khắc phục nhưng chưa có chuyển biến toàn diện.

Ủy ban Kinh tế đề xuất xây dựng Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế như một hệ thống chính sách để tập trung thực hiện 3 đột phá: về thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Trên cơ sở đó, triển khai các đề án thành phần theo ngành, lĩnh vực, vùng, xác định rõ thứ tự ưu tiên, chủ thể thực hiện và lộ trình thực hiện tái cơ cấu bao gồm những ngành, lĩnh vực trọng điểm, cần thực hiện trước, những ngành, lĩnh vực thực hiện sau hoặc thực hiện đồng thời, có bước đi hợp lý tránh gây đột biến lớn với khung thời gian cụ thể là đến năm 2020.

Cần có các đề án thành phần

Theo ông Nguyễn Văn Giàu, một số ý kiến đề nghị định hướng nội dung Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế phải xác định bao gồm tất cả các đề án thành phần và đánh giá tác động toàn diện nền kinh tế trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Cụ thể, Đảng và Quốc hội đã xác định trong 5 năm tới tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm nhất bao gồm: (1) Tái cơ cấu lại đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; (2) Cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; (3) Tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế cho rằng, đối với những Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành do yêu cầu cấp thiết của quá trình tái cơ cấu, cần tiếp tục thực hiện và sẽ được điều chỉnh cần thiết sau khi Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế được thông qua để bảo đảm sự hài hòa, thống nhất trong khuôn khổ chung.

Ủy ban kinh tế cho rằng, với mục tiêu phát triển thị trường tài chính lành mạnh, khắc phục hậu quả của khủng hoảng và hạn chế mang tính hệ thống của thị trường tài chính, cần có Đề án chung về tái cơ cấu thị trường tài chính và lộ trình phù hợp, cụ thể: Trước mắt, tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người gửi tiền; quyền lợi và trách nhiệm của chủ sở hữu.

Làm rõ nguồn tài chính thực hiện việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính và phải có các biện pháp cụ thể để tránh thất thoát tài sản của nhà nước.Phát triển song song cả thị trường tiền tệ và thị trường vốn, trong đó tập trung phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu, giảm dần việc huy động vốn đầu tư chủ yếu từ tín dụng ngân hàng. Tái cơ cấu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để những dịch vụ này phát triển bền vững, phục vụ hiệu quả nhu cầu của người dân.

Tái cơ cấu ngân hàng thương mại Nhà nước cần gắn với tái cơ cấu DNNN; tăng cường năng lực giám sát thị trường tài chính; nâng cao vai trò, trị trí của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với tư cách là Ngân hàng Trung ương, nhất là trách nhiệm công bố mục tiêu chính sách, minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình. Từng bước xây dựng Ngân hàng Trung ương theo hướng độc lập thực thi chính sách tiền tệ nhằm ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng XHCN.

Cần xây dựng Chiến lược nợ Chính phủ và nợ quốc gia mang tính dài hạn, bảo đảm hiệu quả trong đầu tư và khả năng trả nợ hàng năm.

Bên cạnh các biện pháp nêu trên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Đề án cần tập trung làm rõ việc tái cấu trúc thị trường vốn để phục vụ đầu tư phát triển trong điều kiện đầu tư công giảm.

Quản lý minh bạch DNNN

Về nhóm giải pháp liên quan đến tái cơ cấu doanh nghiệp, Ủy ban Kinh tế đề nghị Đề án xây dựng hệ thống thể chế với ưu tiên đầu tiên là xây dựng cơ chế quản lý minh bạch của DNNN, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phải cạnh tranh bình đẳng. Sử dụng vốn và tài sản có hiệu quả, giảm dần và loại trừ các chi phí ngoài kinh doanh, công bố minh bạch thông tin định kỳ rộng rãi trước công chúng. Đối với doanh nghiệp khu vực tư nhân, việc tái cơ cấu cần chú trọng tăng năng lực quản trị doanh nghiệp, tăng tính minh bạch hoạt động, kết quả tài chính, tiến tới huy động vốn trên thị trường vốn để đầu tư mở rộng sản xuất-kinh doanh khi có nhu cầu, giảm phụ thuộc vào đầu tư công và vốn tín dụng thương mại ngân hàng.

Đối với trọng tâm là tái cơ cấu DNNN, hầu hết các thành viên Ủy ban Kinh tế  đề nghị không sử dụng DNNN là một công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô, bình ổn nền kinh tế mà DNNN có nhiệm vụ quan trọng là đi trước, mở đường ở những ngành, lĩnh vực mà các doanh nghiệp thuộc thành phần khác không đủ năng lực, những ngành đòi hỏi về vốn và công nghệ, tạo nền tảng cơ bản cho những ngành sản xuất công nghệ hiện đại có giá trị gia tăng cao. Việc thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ra khỏi các ngành kinh doanh không liên quan nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh chính, nhất là trong lĩnh vực tài chính liên quan chặt chẽ đến đề án tái cơ cấu thị trường tài chính, nên cần có lộ trình thực hiện một cách cẩn trọng để tránh gây đột biến lớn đối với nền kinh tế.

Ngoài ra, kiên quyết tách bạch nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận với các nhiệm vụ an sinh xã hội khác không vì mục tiêu lợi nhuận. Cần hạn chế tối đa trách nhiệm chính trị - xã hội đối với các DNNN, nhiệm vụ này do chính sách tài khóa và chính sách an sinh xã hội thực hiện.

Cải cách hệ thống quản trị đối với các DNNN và xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN. Nghiên cứu thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước tương đối độc lập và được trao đầy đủ thẩm quyền…/.

 

 

Vũ Hạnh-Ngọc Thành/ VOV online

(http://vov.vn/)

Các bài viết khác