Đổi mới hoạt động Quốc hội: Tổ chức nhiều hình thức tiếp xúc cử tri

22/05/2012

Đề án đổi mới nhấn mạnh, cần đảm bảo mọi kiến nghị của cử tri dù được giải quyết hay chưa đều được trả lời công khai, đúng thời hạn.

Tiếp tục ngày làm việc đầu tiên, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 13, chiều 21/5, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. 

Tổ chức nhiều hình thức tiếp xúc cử tri

Về hoạt động tiếp xúc cử tri, Tờ trình đề xuất tổ chức nhiều hình thức tiếp xúc cử tri phù hợp, bảo đảm để đại biểu Quốc hội tiếp xúc với cử tri ở đơn vị bầu cử, nơi ứng cử, nơi cư trú, nơi công tác; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Gắn nội dung tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội với việc chuẩn bị kỳ họp Quốc hội, hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Thông báo công khai nội dung, chương trình, lịch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; bảo đảm để đại biểu Quốc hội trực tiếp gặp gỡ với cử tri; hạn chế thủ tục hành chính, tiếp xúc “đại cử tri”; Tăng cường tiếp xúc trực tiếp; phân định trách nhiệm giải quyết kiến nghị của từng cấp, từng cơ quan, tổ chức; thông báo công khai, kịp thời kết quả tiếp xúc cử tri trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương.

Có kế hoạch theo dõi, giám sát việc giải quyết kiến nghị và thông báo kết quả giải quyết đến cử tri, bảo đảm để mọi kiến nghị của cử tri dù được giải quyết hay chưa được giải quyết đều được trả lời công khai, đúng thời hạn luật định.

Nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp

Về hoạt động lập pháp, Tờ trình nhấn mạnh, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội hoặc Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm tham gia thẩm tra và có ý kiến bằng văn bản đối với các đề nghị, kiến nghị về luật, các chính sách pháp luật dự kiến đưa vào dự án thuộc chương trình theo lĩnh vực được phân công phụ trách.

Không đưa vào dự kiến Chương trình các dự án không đủ điều kiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cơ quan chủ trì thẩm tra, dành thời gian phối hợp từ đầu với cơ quan soạn thảo để trao đổi, xử lý các vấn đề thuộc nội dung dự án; thu hẹp các vấn đề có ý kiến khác nhau. Cơ quan tham gia thẩm tra có trách nhiệm thẩm tra phần nội dung liên quan đến lĩnh vực được phân công phụ trách và thể hiện rõ chính kiến của mình.

Tại kỳ họp Quốc hội, chỉ bố trí thảo luận tổ đối với một số dự án còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo đề nghị của cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận tại hội trường và thông báo trước để đại biểu Quốc hội chuẩn bị ý kiến.

Các dự án luật được bố trí trình đầu kỳ họp để có thời gian tập hợp, tổng hợp và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý. Tại phiên họp toàn thể, Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo trước Quốc hội dự kiến tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ hoặc ở địa phương. Quốc hội tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án luật.

Xem xét bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh

Về hoạt động giám sát, Tờ trình nêu rõ sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả bỏ phiếu được công bố công khai. Giao Ủy ban thường vụ Quốc hội xây dựng Quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm và việc xử lý kết quả bỏ phiếu tín nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4 (cuối năm 2012).

Về nội dung này, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho rằng, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc dùng khái niệm “bỏ phiếu tín nhiệm” hay “lấy phiếu tín nhiệm”, bởi vì bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn hiện đã được quy định trong Luật tổ chức Quốc hội, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội… Vấn đề mới đặt ra là Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI có nêu chủ trương “lấy phiếu tín nhiệm” đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Bố trí thời gian phù hợp

Tờ trình đề cập tiếp tục hoàn thiện thủ tục chất vấn theo nhóm vấn đề, dành toàn bộ thời gian tại Hội trường cho việc hỏi và trả lời câu hỏi trực tiếp. Bố trí phiên họp trả lời chất vấn vào cuối kỳ họp để đại biểu Quốc hội có thời gian cân nhắc, chuẩn bị câu hỏi chất vấn.

Ủy ban thường vụ Quốc hội lựa chọn một số nhóm vấn đề bức xúc, nổi cộm mà dư luận xã hội, cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm, dự kiến danh sách những người trả lời chất vấn gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Tại phiên chất vấn, sẽ tiến hành chất vấn từng nhóm vấn đề theo hướng đối thoại, tranh luận về từng vấn đề.

Về quyết định các vấn đề quan trọng: Xác định trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội hoặc Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội trong việc tham gia thẩm tra và có ý kiến bằng văn bản; bảo đảm để đại biểu Quốc hội có đầy đủ thông tin khi tham gia quyết định ngân sách.

Khi cần thiết, áp dụng quy trình xem xét tại 2 kỳ họp Quốc hội đối với dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Tờ trình cũng đề xuất tập trung nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị các dự án, đề án, báo cáo trình Quốc hội; Xem xét, thảo luận các báo cáo về kinh tế - xã hội, các dự án, đề án, báo cáo khác tại kỳ họp Quốc hội theo hướng rút ngắn thời gian trình bày văn bản xuống còn khoảng 15 đến 20 phút, trừ báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; tập trung thuyết trình, làm rõ những vấn đề cơ bản, quan trọng của nội dung trình.

Báo cáo Thẩm tra Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội do Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày tán thành với nhiều nội dung và đề nghị Quốc hội thông Nghị quyết này.

Báo cáo thẩm tra nhấn mạnh, Đề án và dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, phù hợp với chủ trương đổi mới hoạt động Quốc hội, phù hợp với yêu cầu hoàn thiện các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cho rằng, Đề án cần phân tích, đánh giá sâu đậm hơn về những mặt làm được, chưa làm được, đặc biệt là phải nêu bật được những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân cản trở việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội./.

Ngọc Thành- Vũ Hạnh/VOV online

(http://vov.vn/)

Các bài viết khác