Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng dự Hội thảo quốc tế Nhóm Nữ ĐBQH với chiến lược quốc gia bình đẳng giới

30/07/2012

Ngày 27-28/7, tại Nha Trang, trong khuôn khổ của Dự án Tăng cường năng lực cho các cơ quan đại diện tại Việt Nam do Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc tài trợ, Ủy ban Về các vấn đề xã hội phối hợp với Nhóm Nữ ĐBQH Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế Nhóm Nữ ĐBQH với chiến lược quốc gia bình đẳng giới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Chủ tịch Nhóm Nữ ĐBQH Việt Nam Trương Thị Mai chủ trì Hội thảo.

Cùng dự còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc, Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương, các ĐBQH trong nước và quốc tế, các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng đại diện các cơ quan của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam... Hội thảo là sáng kiến của Nhóm Nữ ĐBQH Việt Nam, tiếp theo các Hội thảo QH của các Nhóm Nữ ĐBQH khu vực được tổ chức tại TP Đà Nẵng (9/2008) và tại Thừa Thiên Huế (12/2009). 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: tại Việt Nam, tư tưởng Hiến định về bình đẳng nam nữ đã được quy định từ Hiến pháp 1946, được kế thừa và phát triển trong các Hiến pháp tiếp theo và được cụ thể hóa trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Việt Nam là một trong các nước sớm ký kết và phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) và nội luật hóa các quy định của Công ước này. Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cũng nêu rõ: trong lịch sử 66 năm phát triển của QH Việt Nam đã trải qua 12 nhiệm kỳ, nữ ĐBQH đã thể hiện vai trò, tham gia tích cực các hoạt động QH và đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển của đất nước. Chất lượng nữ ĐBQH Việt Nam ngày một nâng lên.

Xuất phát từ nguyện vọng của các nữ ĐBQH, Nhóm nữ ĐBQH, Nhóm nữ ĐBQH Việt Nam đã được thành lập và đang thực sự trở thành diễn đàn góp phần đưa vấn đề bình đẳng giới thông qua các đạo luật, chính sách được ban hành, qua kết quả hoạt động giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần vào những thành tựu quan trọng về tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế phụ nữ mà Việt Nam đã đạt được. Nhóm cũng đã tích cực tham gia các hoạt động của Liên minh Nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA), Liên minh Nghị viện thế giới IPU, Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APE) bàn về các vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới... Nhóm nữ ĐBQH Việt Nam được QH và UBTVQH đánh giá cao.

Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng cũng chỉ ra rằng thực tiễn phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, quá trình phấn đấu đạt mục tiêu bình đẳng giới thực chất là một quá trình lâu dài và đòi hỏi các quốc gia phải có sự nỗ lực trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách và tìm ra các cơ chế thích hợp để phụ nữ, trẻ em gái được tham gia, thụ hưởng một cách công bằng các thành quả của sự phát triển KT - XH. Điều này đòi hỏi các quốc gia sẽ phải lựa chọn và xây dựng chính sách, cơ chế thích hợp để đạt được các mục tiêu bình đẳng giới đặt ra. Do vậy, việc trao đổi kinh nghiệm và học hỏi các sáng kiến về bình đẳng giới, về thực hiện Chiến lược về bình đẳng giới giữa các quốc gia có nhiều điểm tương đồng về các giá trị văn hóa, chính trị pháp lý hoặc có nhiều thành tựu về bình đẳng giới là rất quan trọng để chúng ta có thể vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh, điều kiện kinh tế văn hóa cụ thể của đất nước mình.

Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng mong rằng, thông qua Hội thảo này, các nữ ĐBQH sẽ cùng nhau trao đổi ý kiến, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn về vai trò của nữ nghị sỹ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới đặc biệt là việc thúc đẩy thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới; tăng cường sự hiểu biết tin cậy lẫn nhau và thảo luận những định hướng hợp tác trong thời gian tới.

 Tham dự Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các diễn giả trình bày về: tiến bộ và thách thức của lồng ghép giới trong hoạt động của nghị viện, QH Việt Nam và việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng, giám sát thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; kinh nghiệm quốc gia về nâng cao hiệu quả hoạt động của các ủy ban của nghị viện và Nhóm nữ ĐBQH trong quá trình ban hành chính sách; cách thức để các nữ ĐBQH duy trì mối liên hệ và mạng lưới trong khu vực và toàn cầu; kinh nghiệm quốc gia về khuôn khổ pháp lý và các chiến lược bình đẳng giới, kết quả thực hiện CEDAW và Mục tiêu Thiên niên kỷ, một số giải pháp thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới ở Việt Nam, điều kiện cần thiết để tạo thay đổi - lồng ghép giới tại Thái Lan; Nhóm Nữ ĐBQH Việt Nam với việc xây dựng các định hướng, chiến lược hoạt động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động QH...

Tại các Phiên thảo luận, các đại biểu mong muốn đạt được thỏa thuận về các chiến lược nhằm hoàn thiện hơn nữa hoạt động lồng ghép giới trong công tác lập pháp và việc giám sát của nghị viện đối với các chiến lược bình đẳng giới.

Hà An

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác