Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo xây dựng Ðề án lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HÐND bầu hoặc phê chuẩn

20/08/2012

Sáng 19-8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tới dự và chỉ đạo Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo xây dựng Ðề án quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HÐND) bầu hoặc phê chuẩn.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, việc xây dựng Ðề án quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HÐND bầu hoặc phê chuẩn là hết sức cần thiết, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay"; đồng thời, tham mưu, giúp Quốc hội, HÐND tìm ra các giải pháp khắc phục những điểm hạn chế, bất cập trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, góp phần thực hiện quy định của Hiến pháp và luật về bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HÐND bầu hoặc phê chuẩn. Việc xây dựng Ðề án cũng phù hợp với yêu cầu đã nêu trong Nghị quyết số 27/2012/QH13 về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong đó, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Quy chế về việc bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 vào cuối năm 2012.

Mục tiêu của Ðề án nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các đại biểu Quốc hội, đại biểu HÐND thay mặt cử tri đánh giá, thể hiện sự tín nhiệm của mình đối với người do Quốc hội, HÐND bầu hoặc phê chuẩn trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, qua đó, tăng cường trách nhiệm của những người này trước Quốc hội, HÐND nói riêng và cử tri cả nước nói chung.

Dự thảo Ðề án quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HÐND bầu hoặc phê chuẩn được thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm tính dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, chặt chẽ, thận trọng, có cơ sở pháp lý; đồng thời, ngăn ngừa việc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để gây khó khăn cho việc thực hiện công tác cán bộ. Ðề án cũng đưa ra các phương án trình Ban Chỉ đạo quyết định về các nội dung như: Ðối tượng được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm; thẩm quyền lấy phiếu tín nhiệm; tiêu chí đánh giá, thể hiện sự tín nhiệm; thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

(http://www.nhandan.com.vn)

Các bài viết khác