Tọa đàm Tình hình khó khăn và kiến nghị của doanh nghiệp ngành công nghiệp, xây dựng từ đầu năm 2012 đến nay

07/09/2012

Sáng 5.9, tại Hà Nội, Tiểu ban Kinh tế ngành, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức Tọa đàm về tình hình khó khăn và kiến nghị của doanh nghiệp trong ngành công nghiệp từ đầu năm 2012 đến nay.

Theo Báo cáo của Tiểu ban Kinh tế ngành, cùng với quyết tâm của Chính phủ trong việc điều hành chính sách theo hướng thận trọng với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát (từ Nghị quyết 11, tháng 2.2011), 7 tháng năm nay, nền kinh tế đã đạt được một số thành tựu nhất định, lạm phát đã được kiểm soát, giá trị đồng nội tệ đã được nâng cao, tỷ giá ổn định tương đối vững chắc. Tuy nhiên, tác động không thuận lợi của Nghị quyết 11 và nền kinh tế thế giới đã khiến khu vực doanh nghiệp rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn, đặc biệt là trong những tháng đầu năm 2012. Số doanh nghiệp đăng ký giảm trong khi đó, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể tăng mạnh; sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng trưởng chậm, hiệu quả sản xuất giảm sút, lượng hàng tồn kho tăng cao. Tình hình này đã làm ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội... Nguyên nhân được các chuyên gia kinh tế chỉ ra là do: chính sách điều tiết kinh tế không ổn định, việc thực hiện chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ thắt chặt đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án, công trình. Sự giảm mạnh của tổng cầu trong nước và quốc tế được ghi nhận là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến các doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể. Cùng với đó là lãi suất cho vay trong 7 tháng năm nay, mặc dù đã giảm so với năm 2011 nhưng vẫn còn ở mức quá cao so với thực lực của các doanh nghiệp; khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vì thế cũng hết sức khó khăn.

Từ giữa năm 2011 đến những tháng đầu năm nay, QH, Chính phủ đã có những động thái hỗ trợ doanh nghiệp rất tích cực như ban hành các giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân; ban hành một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ thị trường. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của QH, Chính phủ. Song, theo ghi nhận của Tiểu ban Kinh tế ngành, các giải pháp này mới tập trung vào giải quyết nguồn vốn cho doanh nghiệp, dùng công cụ thuế để khuyến khích đầu tư sản xuất, trong khi các giải pháp về thị trường còn ít. Đây cũng là nhận định của một số chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tại cuộc Tọa đàm. Các ý kiến này nhấn mạnh rằng: khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là đầu ra của thị trường, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng hoặc đóng cửa, không sản xuất nữa vì sức mua của nền kinh tế quá thấp, hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được. Từ góc độ này, các ý kiến đề nghị: QH và Chính phủ cần tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng khơi thông thị trường, kích cầu tiêu dùng để doanh nghiệp giảm lượng hàng tồn kho.

Một số ý kiến cũng lưu ý rằng: các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cá nhân, sản xuất và kinh doanh vừa qua đã phát huy tác dụng ở mức độ nhất định, nhưng về lâu dài, dư địa chính sách không còn nhiều, nếu tiếp tục thực hiện nữa thì cũng chỉ có tác dụng trong ngắn hạn và lạm phát sẽ quay trở lại. Chính vì vậy, điều cần thiết hiện nay là phải tìm cho được giải pháp mang tính đột phá để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế hiện nay chứ không đơn thuần chỉ là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, giải pháp đột phá này nên như thế nào thì tại cuộc Tọa đàm, các chuyên gia kinh tế và đại diện các Hiệp hội ngành hàng chưa tìm được tiếng nói chung. Các ý kiến tại Tọa đàm sẽ được Tiểu ban Kinh tế ngành tiếp tục nghiên cứu để trình Ủy ban Kinh tế, UBTVQH và QH xem xét.

 

B. Long

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác