Ủy ban Về các vấn đề xã hội nghe giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng

30/09/2012

Ngày 29.9, trong khuôn khổ Phiên họp toàn thể lần thứ 4, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tổ chức Phiên họp giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Trương Thị Mai chủ trì Phiên họp.

Theo Báo cáo về tình hình 8 năm thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng, các giải pháp khắc phục và định hướng công tác thi đua, khen thưởng, từ khi có Luật Thi đua, khen thưởng, công tác thi đua, khen thưởng dần đi vào nền nếp, các phong trào thi đua đã thực sự góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác khen thưởng đã kịp thời động viên, khích lệ, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích trong lao động, sản xuất, công tác. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ - cơ quan chủ trì soạn thảo Luật này – cũng chỉ rõ,  công tác tổ chức chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua hiện còn chưa đồng đều ở các vùng miền và các thành phần kinh tế; nhiều nơi thi đua còn hình thức, chưa tạo động lực thi đua từ cơ sở, từ quần chúng nhân dân. Mặt khác, Luật Thi đua, khen thưởng có đối tượng điều chỉnh khá rộng, tiêu chuẩn khen thưởng cho từng đối tượng còn mang tính khái quát, chưa cụ thể hóa, chủ yếu tập trung trong cán bộ, công chức, nhân viên nhà nước. Nguyên nhân của tình trạng này là do Luật Thi đua, khen thưởng chậm được đổi mới và chưa theo kịp sự phát triển của đất nước.

 

Cơ bản đồng tình với báo cáo của Bộ Nội vụ, song các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, báo cáo chưa nêu bật được tiêu chí đánh giá hiệu quả của công tác thi đua, khen thưởng trong 8 năm qua; chưa đánh giá được khó khăn, vướng mắc trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thi đua, khen thưởng. Các đại biểu đề nghị, Bộ Nội vụ tiếp tục giải trình, làm rõ hơn về tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng; xác định nguyên nhân thi đua khen thưởng theo thành tích do vướng từ Luật, văn bản hướng dẫn thi hành hay do công tác triển khai thực hiện; nêu rõ biện pháp khắc phục tình trạng chạy theo thành tích trong thi đua, khen thưởng; bổ sung đánh giá về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác thi đua, khen thưởng. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng theo hướng giải quyết vướng mắc về đối tượng khen thưởng, tiêu chuẩn khen thưởng; khắc phục bệnh thành tích trong thi đua, khen thưởng bằng cách thực hiện đến đâu khen đến đó; công khai, minh bạch kết quả thi đua, khen thưởng để người dân, cơ quan, tổ chức cùng thực hiện giám sát.

 

 

 

Hoàng Ngọc

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác