Hội nghị lấy ý kiến chuyên gia về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

09/04/2013

Sáng 5.4, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ tổ chức Hội nghị lấy ý kiến chuyên gia về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi chủ trì Hội nghị.

Về cơ bản, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đã thực hiện đúng quy định của Luật Giáo dục về mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục phổ thông; sách giáo khoa các môn học đã thực hiện đúng quy định về mục tiêu, nội dung, phương pháp của chương trình môn học. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, chương trình hiện hành chưa coi trọng đúng mức việc dạy người, nhất là yêu cầu phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo của người học; nặng tính hàn lâm, kinh viện; một số nội dung dạy học không phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh, nhất là học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn... Sách giáo khoa các môn học nhìn chung có tính hệ thống, nhưng tính tích hợp giữa các hợp phần càng lên lớp trên càng mờ nhạt. Vì thiếu tổng chủ biên của môn học ở ba cấp học nên một số nội dung dạy ở lớp dưới lặp lại ở lớp trên nhưng chưa thể hiện rõ nguyên tắc đồng tâm; thứ tự sắp xếp một số bài chưa hợp lý. Nhiều bài học trong sách giáo khoa, nhất là ở các lớp trên, nặng về lý thuyết, ít có tác dụng rèn luyện kỹ năng cho học sinh...

Về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015, ngoài việc khắc phục những hạn chế, bất cập trong chương trình, sách giáo khoa hiện hành, các đại biểu cho rằng, có thể có nhiều bộ sách giáo khoa trên cơ sở một chương trình chuẩn. Chương trình mới ngoài nội dung mang tính bắt buộc trong toàn quốc, có phần dành cho các địa phương chủ động vận dụng phù hợp với điều kiện và đặc điểm dạy học của địa phương, cũng như năng lực, trình độ của thầy và trò. Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới cũng phải kiên định với việc tích hợp và phân hóa. Bên cạnh đó, đổi mới chương trình, sách giáo khoa phải tiến hành đồng thời với cải thiện cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Bởi nếu chương trình, sách giáo khoa tốt, nhưng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên không đáp ứng được thì cũng không thể bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông.

Các ý kiến tại Hội nghị sẽ được tiếp thu, chuẩn bị luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, thay thế Nghị quyết 40, cũng như góp phần hoàn thiện Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.

 

Ng. Anh

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác