Cân nhắc thẩm quyền hải quan phòng chống buôn lậu

16/08/2013

Trong khuôn khổ Phiên họp thứ 20, sáng 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Hải Quan (sửa đổi).

Dự án đã được Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp mở rộng để thẩm tra sơ bộ.

Luật Hải quan hiện hành được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2011, có hiệu lực từ 1/1/2002 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2006.

Từ ngày Luật Hải quan ban hành đến nay, có nhiều luật khác liên quan đòi hỏi Luật Hải quan phải sửa đổi để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất như: Luật Biển Việt Nam, Luật Thương mại, Luật Quản lý thuế…; đồng thời phải sửa đổi, bổ sung những quy định khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện hơn 10 năm qua.

Dự án Luật Hải quan (sửa đổi) gồm 106 Điều, được bố cục thành 8 Chương. Quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng Luật Hải quan (sửa đổi) là đổi mới toàn diện hoạt động hải quan thông qua tạo điều kiện áp dụng quản lý hải quan hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần bảo vệ lợi ích chủ quyền và an ninh quốc gia; góp phần thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao sức cạnh tranh trong nước và quốc tế của các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đáng chú ý, đáp ứng yêu cầu tăng cường hoạt động phòng chống buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của cơ quan Hải quan, tại Điều 91 dự thảo Luật quy định thẩm quyền của lực lượng kiểm soát hải quan được truy đuổi liên tục trong trường hợp có căn cứ xác định hàng hóa, phương tiện vận tải là hàng hóa, phương tiện vận tải buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới đang di chuyển từ địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan. Điều 92 dự thảo quy định rõ các biện pháp cụ thể áp dụng khi tiến hành tuần tra, kiểm soát, điều tra, xác minh để cơ quan hải quan có cơ sở thực hiện.

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với những lý do cần thiết phải sửa đổi Luật Hải quan; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến về bố cục của dự thảo cũng như những nội dung cơ bản và sửa đổi của dự án luật. Thường vụ Quốc hội cũng ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị tổng thể dự án luật, với đầy đủ nghiên cứu tác động, dự thảo nghị định kèm theo… Buổi làm việc ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau xung quanh quy định có hay không cho phép lực lượng hải quan thực hiện truy đuổi, điều tra, sử dụng vũ khí trấn áp các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.

Góp ý về nhóm các quy định trong dự thảo luật điều chỉnh hoạt động phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới của lực lượng hải quan, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện ủng hộ việc tăng cường các biện pháp nghiệp vụ của hải quan như truy đuổi đối tượng vì đây là hành vi phạm tội quả tang.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đồng ý với quan điểm nâng cao thẩm quyền áp dụng các biện pháp nghiệp vụ của hải quan trong việc được phép tiến hành một số hoạt động điều tra hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến xuất nhập khẩu. Ông Hiện cũng đề xuất Ban soạn thảo quy định trong dự án luật theo tiêu chí giảm thiểu các loại giấy tờ, thủ tục hành chính phiền hà cho doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu.

Cũng đề cập đến thẩm quyền trong phòng chống buôn lậu của hải quan, một số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn băn khoăn, đề nghị cân nhắc kỹ trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa và Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đề nghị ban soạn thảo lưu ý đến trường hợp trách nhiệm của lực lượng hải quan trong trường hợp xảy ra vụ việc có hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc quy định cho phép hải quan truy đuổi trên biển, cho rằng quy định như vậy là không khả thi; đề nghị ban soạn thảo xem xét lại quy định trang bị vũ khí cho lực lượng này trong thực thi nhiệm vụ, quy định rõ thẩm quyền cụ thể của hải quan. Chỉ nên quy định thẩm quyền xử lý, điều tra, trinh sát của hải quan trong địa bàn hải quan, ông Ksor Phước đề xuất.

Quan tâm đến công tác quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ của hải quan, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thị đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ việc tiến hành kiểm tra, thanh tra ngẫu nhiên để kịp thời cảnh báo, ngăn chặn những hành vi vi phạm, tiêu cực trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.

Đánh giá cao kết quả chuẩn bị tích cực cho Dự án Luật hải quan sửa đổi, song, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm, cần tiếp cận dự án luật một cách toàn diện hơn không đơn thuần chỉ ở khía cạnh thủ tục hành chính mà còn phải nâng cao hơn nữa vai trò của hải quan trong công tác quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, đồng thời đảm bảo hiệu quả, hiệu lực phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ, bổ sung quy định giảm tối đa chi phí hải quan cho doanh nghiệp; minh bạch hóa tối đa thủ tục hành chính về hải quan nhằm đảm bảo hiệu quả quản lý Nhà nước đi đôi với xây dựng hình ảnh tốt đẹp của hải quan trong cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Về những nội dung của dự án luật liên quan đến các biện pháp tố tụng của hải quan nhằm thực thi nhiệm vụ phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cần xây dựng phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật, đảm bảo quyền con người, quyền cơ bản của công dân./.

Quang Vũ (TTXVN)

(http://www.vietnamplus.vn/)

Các bài viết khác