Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp kích cầu

05/03/2009

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Kinh tế vĩ mô trong hai tháng qua cơ bản ổn định. Tuy nhiên, trong thời gian tới cần tập trung triển khai quyết liệt các gói kích cầu.

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra từ ngày 2-3/3 tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, gói kích cầu đầu tư, tiêu dùng đi vào cuộc sống nhận được sự ủng hộ của xã hội và đã có tác dụng bước đầu.

Tham dự phiên họp có các cơ quan của Quốc hội, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam.

Phiên họp dành phần lớn thời gian đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm nay. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương trong điều hành, đôn đốc, kiểm tra quyết liệt các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Các giải pháp trong gói kích cầu đầu tư, tiêu dùng được các bộ, ngành và các địa phương triển khai quyết liệt, bắt đầu đi vào đời sống và tác động tích cực đến nền kinh tế. Đây là nhận định chung của các thành viên Chính phủ và các đại biểu đưa ra tại phiên họp. Rõ nhất là giá trị sản xuất công nghiệp tháng 2 tăng hơn 21,6 % , kim ngạch xuất khẩu tăng  15,6% so với tháng 1.

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa trong hai tháng đầu năm đạt gần 179,8 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hai tháng qua cũng tăng 31%, với số vốn đăng ký mới hơn 1,5tỷ USD; 10 lượt dự án tăng vốn thêm hơn 3,8 tỷ USD...

Chính phủ cũng nhận rõ nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ sự suy thoái của kinh tế thế giới. Trước hết là nhiều mặt hàng công nghiệp chủ lực đang tồn kho lớn, nhất là sắt, thép, xi măng; đa số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực cũng giảm sút; khách quốc tế đến Việt Nam cũng giảm hơn 10% so với cùng kỳ; Thu ngân sách cũng giảm tới 28%.

Đặc biệt, trong 2 tháng đầu năm nay ở 38 tỉnh, thành phố đã có 9 làng nghề bị phá sản, 124 làng nghề khác đang sản xuất cầm chừng, chiếm khoảng 10% tổng số các làng nghề cả nước. Nếu số làng nghề này ngừng sản xuất sẽ có ít nhất 1 triệu lao động mất việc làm. Chưa kể đến hàng vạn công nhân tại các khu công nghiệp đang không có việc làm phải quay trở về quê hương, gây sức ép rất lớn đối với địa phương….

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đề nghị tiếp tục mở rộng đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất vay vốn và thời gian hỗ trợ là hai năm; sớm hoàn thiện các thủ tục, quy định về quản lý sử dụng đất đai; quy định rõ trách nhiệm của địa phương trong giải phóng mặt bằng cho các dự án…

Tham gia ý kiến tại phiên họp Chính phủ, GS-TS Vũ Văn Hiền, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, cuộc khủng hoảng sẽ buộc nền kinh tế thế giới phải thay đổi cơ cấu, cơ chế vận hành tích cực hơn. Tuy có tác động trực tiếp đến nền kinh tế nước nhà nhưng đây chỉ là khó khăn nhất thời, không phải tất cả các ngành đều gặp khó khăn.

Trong bối cảnh này, chúng ta cần bình tĩnh, nhìn nhận và phát huy những thuận lợi, cơ hội của đất nước để khai thác, vượt qua khó khăn, duy trì tăng trưởng và từng bước phát triển. Quan trọng nhất là điều hành dựa trên quy luật, điều hành linh hoạt và kịp thời.

GS-TS Vũ Văn Hiền nhấn mạnh đến vai trò, vị trí nòng cốt của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế, đồng thời, đề nghị Chính phủ đặc biệt coi trọng đầu tư phát triển ngành nông nghiệp, nhất là tập trung về hạ tầng thiết yếu và giải quyết việc làm ở khu vực này. Ông cùng đại diện các cơ quan báo chí khác cũng đề nghị Chính phủ xây dựng chiến lược thông tin, tăng cường phối hợp tuyên truyền định hướng chủ trương chính sách để góp phần định hướng dư luận, thông tin kịp thời chủ trương, chính sách tới toàn xã hội và các tầng lớp nhân dân.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương các bộ, ngành và các địa phương trong hai tháng qua đã dồn sức thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và các biện pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Quan trọng nhất là chính trị xã hội của đất nước tiếp tục ổn định trên cơ sở đồng tình, ủng hộ của nhân dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Kinh tế vĩ mô trong hai tháng qua cơ bản ổn định. Gói kích cầu đầu tư, tiêu dùng đi vào cuộc sống nhận được sự ủng hộ của xã hội và đã có tác dụng bước đầu, nhất là chính sách miễn, giảm, hoãn thuế, bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn, hỗ trợ lãi suấy vay vốn cho các thành phần kinh tế với số vốn đã giải ngân lên tới 93.000 tỷ đồng….

Thủ tướng nêu rõ: tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp nên nước ta sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn. Do vậy cần phải đặc biệt chú ý tới điều hành kinh tế vĩ mô. Từng bộ trưởng và lãnh đạo các địa phương theo dõi sát diễn biến của tình hình kinh tế thế giới, tập trung điều hành, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các nhóm giải pháp mà Chính phủ đề ra nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Trên tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành và các địa phương tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt gói kích cầu đầu tư tiêu dùng, nhất là thực hiện bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn để duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm và đổi mới công nghệ; tiếp tục mở rộng đối tượng được hưởng hỗ trợ 4% lãi suất vay vốn.

Bộ Công thương tập trung rà soát và đẩy mạnh xuất khẩu từng mặt hàng, nhất là các sản phẩm cá ba sa, gạo, cà phê, điều, thuỷ sản…; sớm có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại gắn với kiểm soát chặt chẽ nhập siêu, đặc biệt là các sản phẩm tiêu dùng không thiết yếu.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo duy trì sản xuất nông nghiệp, nhất là đảm bảo diện tích và sản lượng lúa vụ Đông Xuân, quyết liệt thực hiện các biện pháp khống chế không để dịch bệnh bùng phát. Các bộ, ngành và các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nhất là trong thủ tục đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, phấn đấu giải ngân hết khoảng 300.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng các dự án trong năm nay, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các công trình dự án, nhất là các dự án mang tính xã hội cao.

Đối với lĩnh vực an sinh xã hội, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương đôn đốc thực hiện nghiêm các chính sách hiện có, dứt khoát phải đảm bảo thực hiện các chính sách liên quan đến y tế, giáo dục, chương trình hỗ trợ 61 huyện nghèo. Bộ Lao động thương binh và xã hội theo dõi, đốn đốc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động mất việc làm và tạo việc làm mới.

Các bộ, ngành và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng gắn với đề xuất cơ chế hạn chế tiêu cực khi triển khai các biện pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế. Bộ Công an, Bộ giao thông vận tải tăng cường công tác tuần tra kiểm soát đảm bảo an toàn giao thông. Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp quản lý, kiểm soát các website với nội dung tiêu cực, kích động.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chủ động cung cấp thông tin chính thống kịp thời cho báo chí. Báo chí phải đưa tin chính xác, trung thực, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội. Thủ tướng cũng đề nghị xem xét tổ chức họp trực tuyến các phiên họp Chính phủ với sự tham gia của lãnh đạo các địa phương….

Cũng tại phiên họp, Chính phủ cũng đã nghe báo cáo kết quả tổng kiểm tra việc thực hiện hỗ trợ tiền cho người nghèo trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu và các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội; báo cáo về công tác cải cách hành chính; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; một số dự án luật và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 của Chính phủ./.

Thành Chung

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác