Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7

06/08/2009

Trong hai ngày 4 và 5-8, tại Hà Nội, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7-2009, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tại Phiên họp, Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận các báo cáo: Tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và bảy tháng đầu năm 2009 (bao gồm công tác điều hành kinh tế vĩ mô, tình hình thực hiện Nghị quyết 30/2008/NQ-CP), dự báo tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, dự báo và các giải pháp chủ yếu trong năm tháng cuối năm; Tình hình thực hiện Nghị quyết Phiên họp Chính phủ tháng 6 và chương trình công tác của Chính phủ tháng 7-2009; Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tháng 7; Tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính tháng 7.

Về tình hình kinh tế-xã hội bảy tháng đầu năm, dự báo và các giải pháp chủ yếu trong năm tháng cuối năm 2009, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đánh giá: giá trị sản xuất công nghiệp tháng 7 ước đạt gần 59,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so tháng 6-2009 và tăng 7,6% so cùng kỳ năm trước. Như vậy, trừ tháng 1 có tốc độ tăng trưởng âm, giá trị sản xuất công nghiệp sáu tháng còn lại đều tăng qua từng tháng. Tính chung, bảy tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 382,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5,1% so cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bảy tháng đầu năm ước  đạt  643,6  nghìn  tỷ  đồng,tăng 18,3% so cùng kỳ năm 2008. Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 7 ước đạt 4,75 tỷ USD, tăng 0,3% so tháng 6. Bảy tháng đầu năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 32,35 tỷ USD, giảm 13,4% so cùng kỳ năm trước. Bảy tháng, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 35,374 tỷ USD, giảm 34% so cùng kỳ năm trước. Nhiều giải pháp về tiền tệ, tín dụng đã được ban hành và triển khai thực hiện trong tháng 7, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,52% so tháng trước. Giá mặt hàng lương thực, thực phẩm tương đối ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân bảy tháng đầu năm giảm xuống một con số, với mức tăng 9,25% so bảy tháng đầu năm 2008. Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong tháng 7 ước đạt 13,4 nghìn tỷ đồng, bảy tháng đầu năm đạt 70,9 nghìn tỷ đồng, bằng 49,3% kế hoạch năm, tăng 48,7% so cùng kỳ năm trước. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong bảy tháng đầu năm đã đăng ký mới và tăng vốn cho 510 dự án với tổng vốn là 10,1 tỷ USD, bằng 18,8% cùng kỳ trước, trong đó vốn đăng ký mới là 5,4 tỷ USD, vốn tăng thêm đạt 4,7 tỷ USD. Thực hiện vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 4,65 tỷ USD, giảm 22,5% so cùng kỳ năm 2008.

Ðánh giá chung, tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và bảy tháng đầu năm tuy còn nhiều khó khăn nhưng tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực, an ninh, chính trị được giữ vững, ổn định. Tuy nhiên, trong từng ngành, lĩnh vực còn nhiều khó khăn, nhất là kim ngạch xuất khẩu giảm nhiều so cùng kỳ năm trước. Các chỉ số tiền tệ, tín dụng đang cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ.

Kết luận về tình hình kinh tế - xã hội bảy tháng qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, ngay từ cuối năm 2008, đầu năm 2009, Chính phủ đã dự báo và đánh giá đúng tình hình thế giới và trong nước, từ đó đã đề ra các biện pháp điều hành thích hợp và linh hoạt. Nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương liên quan, kinh tế-xã hội đất nước đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nhiệm vụ năm tháng cuối năm rất nặng nề, do đó cần phải phấn đấu quyết liệt hơn nữa, nhất là ba lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ để đạt được chuyển biến tích cực, đồng đều. Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm hết sức nặng nề, mỗi quý phải đạt mức tăng trưởng GDP ít nhất 6% thì mức tăng trưởng chung của cả năm 2009 mới đạt mục tiêu hơn 5%. Trong các nhiệm vụ chủ yếu, xuất khẩu đóng vai trò hết sức quan trọng vào mức tăng trưởng GDP. Thời gian qua, mặc dù số lượng xuất khẩu tăng hơn, song do tình hình kinh tế thế giới khó khăn, nên giá các mặt hàng xuất khẩu giảm. Do đó, phải tiếp tục đẩy mạnh số lượng xuất khẩu để bù lại sự giảm giá. Thủ tướng nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong thời gian qua chứng tỏ các chính sách, giải pháp Chính phủ đề ra là đúng đắn. Do đó, thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kích cầu, phát triển kinh tế, bảo đảm mức tăng trưởng dự kiến, kiên quyết giữ ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó vẫn thực hiện các giải pháp tài chính, tiền tệ, đầu tư đã đề ra. Trong quá trình thực hiện những giải pháp trên, nếu xuất hiện những dấu hiệu ảnh hưởng nền kinh tế thì sẽ cân nhắc điều chỉnh. Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh công tác giải ngân vốn xây dựng cơ bản cả từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, Trái phiếu Chính phủ, nguồn ODA. Ðẩy nhanh tiến độ nhưng phải bảo đảm chất lượng công trình, đặc biệt là các công trình trọng điểm như thủy điện Sơn La, hầm Thủ Thiêm... Các bộ, ngành liên quan cần phải xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, nhất là kế hoạch vốn đầu tư năm 2010 và năm năm tới, đồng thời đề xuất cơ chế huy động nguồn vốn để bảo đảm huy động được mọi nguồn lực cho phát triển. Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo giúp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Chính phủ sẽ hỗ trợ để phát triển lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thông qua việc giúp tiêu thụ sản phẩm, giúp đỡ về kỹ thuật, xây dựng kho bãi... Chú trọng hỗ trợ nông dân nuôi trồng và chế biến cá tra, cá ba sa để tăng lượng xuất khẩu.

Ðối với vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, mặc dù tình hình còn nhiều khó khăn, song Chính phủ kiên quyết bảo đảm phúc lợi xã hội, tập trung các vấn đề y tế và giáo dục. Về phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch cúm A (H1N1), cần phải tuyên truyền để người dân không chủ quan, biết cách chủ động phòng tránh, nhưng không gây tâm lý hoảng loạn.  Về vấn đề cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương sớm hoàn thành và công bố bộ thủ tục hành chính. Tập trung cải cách hành chính, hiện đại hóa ngành hải quan để giảm bớt thủ tục phiền hà đối với doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu.

Cũng tại Phiên họp Chính phủ lần này, Chính phủ cũng nghe và cho ý kiến một số tờ trình: Dự thảo Nghị định quy định việc thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý đối với tập đoàn kinh tế do Bộ Kế hoạch và Ðầu tư trình; dự án Luật Thuế tài nguyên do Bộ Tài chính trình; dự án Luật Nuôi con nuôi do Bộ Tư pháp trình; dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Bộ Công thương trình; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục do Bộ Giáo dục và Ðào tạo trình; dự án Luật Tiếp cận thông tin do Bộ Tư pháp trình.

* Chiều 5-8, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Cùng tham dự họp báo còn có đại diện lãnh đạo các bộ: Kế hoạch và Ðầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Công thương và Ngân hàng Nhà nước.

Sau khi thông báo những nội dung chính Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2009, đại diện các bộ, ngành tham dự họp báo đã trả lời một số câu hỏi của các nhà báo về các vấn đề liên quan tình hình phát triển kinh tế-xã hội bảy tháng qua và những giải pháp phát triển kinh tế những tháng còn lại, trong đó tập trung những vấn đề: xuất khẩu, giá xăng dầu, cho vay hỗ trợ lãi suất, chỉ số giá tiêu dùng, thí điểm tập đoàn kinh tế...

 

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác