Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8: Đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng hàng Việt Nam

03/09/2009

Chiều 1/9, ngay sau khi kết thúc phiên họp Chính thường kỳ tháng 8, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức buổi họp báo dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhằm thông báo những nội dung quan trọng của phiên họp.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong phiên họp thường kỳ tháng 8 diễn ra trong hai ngày 31/8 và 1/9 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã nghe và đóng góp ý kiến vào các nội dung chủ yếu sau: Báo cáo tình hình kinh tế, xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2009, nghe và cho ý kiến báo cáo định hướng Quy hoạch phát triển điện hạt nhân của Việt Nam đến năm 2030; báo cáo về Quy hoạch phát triển sân gôn trên phạm vi cả nước đến năm 2020; Tờ trình một số Dự thảo Luật và Nghị định.

Tháng 8/2009, kinh tế tiếp tục phục hồi với tốc độ tăng cao hơn so với tháng trước: sản xuất công nghiệp tăng 10,6% so với cùng kỳ. Một số địa phương có giá trị sản xuất công nghiệp lớn, đạt mức tăng cao như: Đà Nẵng tăng 17,6%, Hà Nội tăng 16,8%, Thanh Hóa tăng 15,4%, TP. Hồ Chí Minh tăng 11,4%... Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng qua tăng 18,4%, xuất khẩu đạt 37,3 tỷ USD, nhập siêu 5,1 tỷ USD bằng 13,7% kim ngạch xuất khẩu. So với tháng 7/2009, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,24%, vốn FDI thực hiện 8 tháng đầu năm đạt 6,5 tỷ USD. Đồng thời, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo, khắc phục khó khăn do suy giảm kinh tế, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa đang được cải thiện rõ rệt; 100% các Bộ ngành và 61/63 địa phương (trừ Đồng Tháp và Hậu Giang) đã công bố bộ thủ tục hành chính, góp phần cắt giảm phiền hà, tạo thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Mặc dù, suy thoái kinh tế thế giới đã có dấu hiệu chững lại nhưng còn diễn biến phức tạp, đà tăng trưởng của các nền kinh tế thế giới không ổn định và còn rất nhiều khó khăn, thương mại toàn cầu vẫn bị thu hẹp. Kim ngạch xuất khẩu giảm nhiều so với năm 2008; tỷ lệ thất nghiệp, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động còn nhiều khó khăn…. Do đó, để thực hiện tốt các mục tiêu và định hướng phát triển năm 2009, phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP vượt mức 5% thì trong 4 tháng còn lại của năm 2009, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tổ chức thực hiện các giải pháp, chính sách đã được đề ra.

Đó là: Thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích kinh tế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả, thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư; khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư phát triển. Điều hành linh hoạt chính sách tài chính, tiền tệ, có các giải pháp kịp thời nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa tái lạm phát. Tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, phiên họp thường kỳ tháng 8 đưa ra thảo luận là việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại nước ta, trước mắt là xây dựng hai nhà máy tại tỉnh Ninh Thuận. Các thành viên Chính phủ đã nhất trí cho rằng, xây dựng nhà máy điện hạt nhân là một vấn đề lớn, liên quan đến vấn đề môi trường, an toàn hạt nhân và tâm lý người dân, vì thế vấn đề này cần tiếp tục được nghiên cứu một cách cụ thể, kỹ lưỡng. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, Bộ Kế hoạch Đầu tư đề nghị cắt giảm 51 dự án trong tổng số 166 dự án sân gold tại nước ta. Các thành viên Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch Đầu tư tiếp tục điều chỉnh Quy hoạch phát triển sân gold theo hướng tiếp tục cắt giảm số lượng dự án, đảm bảo tính hợp lý, phân bố đúng mức và tiết kiệm đất. Tuyệt đối không được lấy vào đất hai vụ lúa và với phương châm không để ảnh hưởng tới an ninh lương thực quốc gia.

Trả lời câu hỏi các phóng viên nhằm đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt", cần thúc đẩy việc nâng cao chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước, tạo được sự thay đổi trong nhận thức về tiêu dùng của nhân dân. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ phối hợp cùng các lực lượng chức năng đẩy mạnh việc kiểm tra, ngăn chặn gian lận thương mại qua biên giới; làm tốt công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu.

Liên quan đến sự cố xảy ra tại nhà máy lọc dầu Dung Quất, đại diện Bộ Công thương cho biết, hiện nay nhà máy lọc dầu Dung Quất đang giai đoạn chạy thử, chưa bàn giao chính thức, nên nhà thầu sẽ chịu mọi trách nhiệm về sự cố. Trong hai tuần qua, các đơn vị chức năng đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban nghiệm thu kỹ thuật nhà nước, yêu cầu nhà thầu tìm hiểu nguyên nhân sự cố để sớm trình Chính phủ phương án khắc phục.

 

 

Ánh Tuyết

(http://www.cpv.org.vn)

Các bài viết khác