Diên hồng của kiều bào

24/11/2009

(VOV) - Mở rộng tình dân tộc, nghĩa đồng bào, kết nối sức mạnh Việt toàn cầu cho sự nghiệp phát triển đất nước… là thông điệp mà mọi người đều cảm nhận được từ Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất.

Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất, qui tụ gần 1.500 đại biểu, trong đó có trên 900 kiều bào ta từ khắp nơi trên thế giới về dự. Đây là hội nghị kiều bào lớn nhất kể từ ngày thống nhất đất nước.

 

Có thể hội nghị này diễn ra muộn hơn mong đợi của nhiều người nhưng nó đã đánh dấu bước tiến một qua trình hàn gắn lâu dài lòng người qua những éo le của lịch sử. Nó thể hiện thái độ rất rõ ràng quan điểm trước sau như một của Đảng, Nhà nước, đó là: Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

 

Không chỉ có thế, hội tụ về đây là 900 con người, đại diện cho một cộng đồng Việt kiều đang khẳng định được vị trí của mình ở nhiều nước phát triển. Đa số họ, bằng lao động và cống hiến của mình trong xã hội sở tại, ngẫu nhiên là những đại sứ giới thiệu văn hóa, cốt cách Việt Nam ra thế giới. Trong kháng chiến và kể cả thời kỳ hậu chiến cho đến hôm nay, Việt kiều luôn có đóng góp quan trọng cho đất nước về cả vật chất lẫn tinh thần. Không chỉ là những thống kê về lượng vốn đầu tư về nước hay nguồn kiều hối gửi về mỗi ngày một nhiều, hiện tại chúng ta còn có 300.000 kiều bào có trình độ từ đại học trở lên. Đây là nguồn nguyên khí quí giá có thể giúp ích rất nhiều cho đất nước trong hiện đại hóa và hội nhập sâu hơn vào thế giới.

 

Trong một bối cảnh như thế, có thể gọi hội nghị này là Diên hồng của bà con Việt kiều. 

 

Từ ý kiến tâm huyết của kiều bào, có hai việc ưu tiên cần làm tiếp sau hội nghị này, đó là: Thông tin và Thực thi chính sách.

 

Trong thời đại bùng nổ thông tin, việc chủ động thông tin thường xuyên, trực tiếp, liên tục, toàn diện, đầy đủ, đa dạng về đất nước chính là biện pháp hiệu quả nhất giúp cho đồng bào hiểu đúng tình hình, không bị ảnh hưởng bởi những luồng thông tin bóp méo sự thật, chia rẽ đoàn kết dân tộc của những người không muốn nhìn thấy sự đi lên của Việt Nam. Thông tin đúng đắn, khách quan cũng sẽ góp phần xóa bỏ dần hiềm khích, hận thù, mặc cảm, làm cho không chỉ người Việt ở nước ngoài hiểu hơn trong nước, mà còn làm cho cả người trong nước đồng cảm hơn với bà con Việt kiều.   

 

Thông tin, tuyên truyền cho đồng bào ở nước ngoài cũng không thể nói hay hơn thực tế. Có những chính sách (gồm cả chính sách đối với Việt kiều) rất tiến bộ của Đảng và Nhà nước nhưng thực tế triển khai lại còn khoảng cách khá xa vì nhiều lý do. Điều quan trọng là làm cho 4 triệu người Việt trên toàn cầu cùng hiểu, thông cảm với hiện thực của đất nước, qua đó, khơi dậy tình cảm, nhiệt huyết, tài lực, trí lực của đồng bào vào sự nghiệp hưng thịnh đất nước.

 

Chủ động thông tin, đối thoại trực tiếp ở những vùng có đông kiều bào sinh sống như Mỹ, Australia và một số nơi khác, trong đó nhiều người vẫn còn mặc cảm quá khứ nặng nề, là kế hoạch mà Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đang dự định. Bằng bất kỳ giá nào, chính sách đại đoàn kết dân tộc sáng ngời chính nghĩa và đạo lý cần phải đến được với từng người.

 

Vấn đề thứ hai là thực thi chính sách đối với Kiều bào. Một chính sách dù hay nhưng nếu thực thi dở thì cũng không thuyết phục được bà con. Hình ảnh và thái độ ứng xử của mỗi nhân viên công vụ chính là thông điệp về chính sách của Nhà nước đối với kiều bào. Hiện nay khâu triển khai thực thi chính sách vẫn còn nhiều yếu kém. Một cam kết cụ thể có thời hạn thực hiện rõ ràng có sức thuyết phục hơn nhiều những hứa hẹn, động viên chung chung.

 

Sẽ thật thú vị và mừng vui nếu được thấy thật nhiều Việt kiều (trong đó có cả những người con không mang mái tóc, màu da thuần Việt) làm việc trong các nhà máy, cơ sở nghiên cứu, thậm chí là cả bộ máy công quyền ở Việt Nam. Với tinh thần cởi mở, thông thoáng như hiện nay, điều đó sẽ diễn ra. Chẳng phải vì thế mà mỗi năm lại có nhiều hơn bà con ở phương xa muốn được về nhà./.

Phạm Mạnh Hùng

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác