Tuyên truyền phòng chống tham nhũng năm 2010: Đi vào chiều sâu, thông tin chính xác, tránh hiểu nhầm

02/02/2010

(VOV) - Công tác phòng, chống tham nhũng là một quá trình kiên trì, bền bỉ, liên tục, nhưng trong năm nay cần được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa vì là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XI.

Năm qua, có hơn 40 cơ quan báo chí phản ánh về công tác phòng chống tham nhũng thông qua gần 4.000 tin, bài, tăng 1,5 lần so với năm 2008. Kết quả đó phần nào phản ánh công tác tuyên truyền phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh. Tuy nhiên, theo nhận định của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tình hình tham nhũng hiện nay còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, đòi hỏi công tác phòng chống tệ nạn này cần được tiến hành quyết liệt hơn. Theo đó, công tác tuyên truyền đặt lên hàng đầu, phải đi vào chiều sâu, thông tin chính xác, tránh hiểu nhầm.

 

Ông Vũ Tiến Chiến, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng cho biết, năm qua, công tác tuyên truyền phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhiều chủ đề được các cấp, các ngành lựa chọn tuyên truyền sâu, như: thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đề xuất hoàn thiện thể chế chính sách để phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả; đồng thời tuyên truyền về phát hiện và xử lý tham nhũng.

 

Hình thức tuyên truyền phòng chống tham nhũng cũng có sự đổi mới. Ngoài kênh thông tin báo chí, Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng các cấp còn phát động cuộc thi tìm hiểu về phòng chống tham nhũng và tổ chức gặp mặt, biểu dương các điển hình tích cực trong lĩnh vực này. Đặc biệt, Đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào trường học vừa được Chính phủ phê duyệt, dự kiến đến hết năm 2011 hoàn thành việc triển khai trong cả nước.

 

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền phòng chống tham nhũng ở nước ta thực hiện chưa thường xuyên và thiếu chiều sâu. Nhiều cơ quan báo chí mới chỉ quan tâm tới các vụ việc tham nhũng cụ thể, chưa chú trọng việc tuyên truyền các giải pháp phòng ngừa và các điển hình tốt trong phòng chống tham nhũng. Cá biệt, một số cơ quan báo chí còn đưa tin một chiều, suy đoán và chưa phản ánh đúng bản chất của vụ việc.

 

Ông Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng: nâng cao chất lượng tuyên truyền phòng chống tham nhũng sẽ tạo ra sẽ góp ngăn ngừa có hiệu quả tệ nạn tham nhũng và định hướng đúng cho dư luận xã hội. Ông Trần Văn Truyền nói: “Công tác tuyên truyền phải đi vào chiều sâu, vào từng lĩnh vực, từng đối tượng có mục tiêu, có trọng tâm trọng điểm, không hô hào phòng chống tham nhũng một cách chung chung. Nhất là trên các diễn đàn, cứ nói rằng tham nhũng ở đâu cũng có, ngày càng nghiêm trọng, nhưng không làm rõ ở từng lĩnh vực mức độ ra sao, giải pháp nào để khắc phục thì sẽ gây nhiễu loạn trong nhận thức cũng như tâm lý xã hội”.

 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp phân tích: việc phòng chống tham nhũng phải vừa tích cực, chủ động phòng ngừa, vừa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, trong đó phòng ngừa là cơ bản. Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định tuyên truyền, giáo dục, nhất là qua kênh thông tin là báo chí để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân về phòng, chống tham nhũng trở thành một giải pháp phòng ngừa hết sức quan trọng.

 

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết: “Định hướng tuyên truyền của báo chí trong công tác phòng chống tham nhũng trước hết là đưa chủ trương luật pháp cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước về phòng và chống tham nhũng. Trên cơ sở đó nâng nhận thức và đi đến hành động. Tuyên truyền gương người tốt trong thực hiện chủ trương: tiết kiệm, phòng chống tham nhũng để làm gương cho tổ chức khác học tập và noi theo; phê phán những người thực hiện chưa tốt phòng chống tham nhũng chưa tốt để răn đe. Qua thực tiễn các vụ án, tuyên truyền về kinh nghiệm để phòng chống tham nhũng tốt hơn”.

 

Công tác phòng, chống tham nhũng là một quá trình kiên trì, bền bỉ, liên tục, nhưng trong năm nay cần được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa vì là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XI. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng đã khẳng định như vậy tại phiên họp gần đây của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

 

Thủ tướng nêu rõ, phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Nhất là trong các lĩnh vực như: quản lý và sử dụng đất đai, thuế, hải quan, thu chi ngân sách, đầu tư xây dựng, cổ phần hóa doanh nghiệp... Trong đó, công tác tuyên truyền tiếp tục đặt lên hàng đầu gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

 

Về tuyên truyền phòng chống tham nhũng trên báo chí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Chúng ta khuyến khích báo chí phát hiện đưa tin công khai ra dư luận những người tham nhũng, nhưng cũng phải kiểm tra thông tin, nói cho chính xác, đủ chứng cứ. Nếu không sẽ thành “đầu voi, đuôi chuột”, chuyện lớn mà cuối cùng điều tra thì chẳng có kết quả!”.

 

Công tác tuyên truyền phòng chống tham nhũng được tiến hành quyết liệt, mạnh mẽ trong năm nay sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn này; vừa phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; vừa củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và góp phần xây dựng cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh./.

Đình Hiếu, Văn Hải

(http://vovnews.vn)

Các bài viết khác