Kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột (10/3/1975 - 10/3/2010): Vóc dáng tương lai

10/03/2010

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Buôn Ma Thuột đang nỗ lực để xây dựng thành phố ngày càng hiện đại, văn minh, nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu của đô thị cấp vùng.

35 năm sau ngày giải phóng, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, vươn lên trở thành đô thị loại I. Hơn thế nữa, Bộ Chính trị đã có chủ trương xây dựng Buôn Ma Thuột thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Tây Nguyên vào năm 2020.

Từ thị xã nhỏ bé

Buôn Ma Thuột sau ngày giải phóng chỉ là một thị xã nhỏ bé, hoang tàn bởi chiến tranh. Cơ sở hạ tầng đô thị hầu như không có gì, nền tảng kinh tế của chế độ cũ để lại hết sức nghèo nàn. Cuộc sống người dân rất khó khăn, nạn đói hoành hành, dịch bệnh lan tràn khắp nơi.

Ông Nguyễn Đức Dũng, người dân phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột nhớ lại: “Thị xã Buôn Ma Thuột lúc mới giải phóng chỉ có 21 đường phố, khu vực trung tâm trong bán kính khoảng 1,5km là có điện. Ra khỏi thị xã, hai bên đường là cây cối um tùm, hoang vu, rất ít người ở”.

Mặc dù điểm xuất phát thấp, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp không có gì đáng kể, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần tự lực tự cường, 35 năm qua, nhân dân các dân tộc Buôn Ma Thuột đã giành được nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ quê hương. Năm 2009, dù bị tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng tốc độ tăng trưởng của TP. Buôn Ma Thuột vẫn đạt hơn 20%; thu nhập bình quân đầu người hơn 24.600.000 đồng, gấp đôi mức bình quân chung của tỉnh; thu ngân sách toàn thành phố chiếm gần 1/3 thu ngân sách toàn tỉnh, đạt hơn 710 tỷ đồng.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, diện mạo đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khang trang, hiện đại. Thị xã nhỏ bé ngày nào nay đã trở thành thành phố với hơn 260 con đường được đặt tên và trải nhựa, cùng hệ thống đèn chiếu sáng được lắp đặt hoàn chỉnh và gần 12.000 cây xanh được trồng dọc các tuyến phố. Năm 2009, Buôn Ma Thuột được bình chọn là 1 trong 10 đô thị sạch của cả nước.

Vươn lên đô thị cấp vùng Tây Nguyên

Vừa qua, TP. Buôn Ma Thuột đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 1 trong 12 đô thị cấp vùng trong cả nước và cũng được công nhận là đô thị loại 1. Đây là tin vui đối với toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Ý thức được trách nhiệm của mình, cán bộ và nhân dân các dân tộc TP. Buôn Ma Thuột càng nỗ lực để xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại.

Ông Hà Quang Viện, Chủ tịch UBMTTQ phường Tân Thành, cho biết: “Mặt trận phường tập hợp sự đoàn kết, thống nhất cao, xung quanh Đảng Cộng sản để xây đựng đất nước nói chung và xây dựng TP.Buôn Ma Thuột nói riêng ngày càng khang trang. Đặc biệt, chúng tôi đang xây dựng chương trình thực hiện nếp sống văn minh đô thị và đã triển khai xuống các tổ dân phố để thực hiện”.

Với chủ trương của Bộ Chính trị xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị vùng Tây Nguyên, công tác quy hoạch phát triển của thành phố đang được chính quyền và các ngành của địa phương đặc biệt quan tâm với mục tiêu là phải làm sao tạo được nét đặc trưng riêng. Đến năm 2020, khu vực nội thành Buôn Ma Thuột sẽ phát triển lên 10.000 ha (gấp đôi hiện nay).

Ông Trần Vĩnh Cảnh, Giám đốc Sở Xây dựng Đắk Lắk cho biết: “Quy hoạch xây dựng là vấn đề wợc quan tâm đầu tiên. Hiện nay, đồ án quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ cho phép thuê tư vấn nước ngoài để thực hiện. Hy vọng rằng, với sự tham gia của tư vấn nước ngoài kết hợp với tư vấn trong nước thì đồ án quy hoạch TP. Buôn Ma Thuột sẽ đáp ứng được các mục tiêu của đô thị cấp vùng Tây Nguyên”.

Song song với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thành phố sẽ chú trọng quy hoạch phát triển ngành nghề. Đối với công nghiệp, Buôn Ma Thuột chú trọng phát triển những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng, có hàm lượng chất xám cao, nhất là công nghiệp sạch, cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Trước hết, thành phố thực hiện nhiều chính sách để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Thị xã nhỏ bé ngày nào nay đã trở thành đô thị loại I với hơn 260 con đường được đặt tên và trải nhựa, cùng hệ thống đèn chiếu sáng được lắp đặt hoàn chỉnh và gần 12.000 cây xanh được trồng dọc các tuyến phố. Năm 2009, Buôn Ma Thuột được bình chọn là 1 trong 10 đô thị sạch của cả nước.

 Ông Huỳnh Ngọc Luân, Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột, cho biết: “Chúng tôi phải hoàn thành các quy hoạch, trên cơ sở quy hoạch đó bố trí xây dựng các nhà máy, đảm bảo cho yêu cầu phát triển twớc mắt và lâu dài, đảm bảo vệ sinh môi trường đô thị. Thứ hai, cố gắng giải quyết các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp trong thời gian nhanh nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp. Thứ ba, làm tốt hơn công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án triển khai nhanh chóng, sớm đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh”.

Chặng đường 35 năm qua là sự phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung. Những thành quả đã đạt được là động lực để thành phố tiếp tục phát triển, hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, đáp ứng các tiêu chuẩn của đô thị hạt nhân vùng Tây Nguyên vào năm 2020 như chủ trương của Bộ Chính trị và cũng là mong muốn của người dân nơi đây./.

 

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột

Chương trình nghệ thuật này có hơn 400 ca sỹ, diễn viên và các nghệ nhân dân gian tỉnh Đắk Lắk tham gia biểu diễn. Các tác phẩm trong nội dung này tập trung nêu bật truyền thống đoàn kết đấu tranh của các dân tộc tỉnh Đắk Lắk và quá trình xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 35 năm qua.

Tinh thần của chiến thắng Buôn Ma Thuột được thể hiện đặc biệt qua Lễ Diễu binh của gần 800 cán bộ, chiến sỹ thuộc các đơn vị vũ trang, trong đó có một số đơn vị tham gia trận đánh lịch sử giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975. 16 đoàn xe hoa đại diện cho các ban, ngành tỉnh Đắk Lắk cùng tham gia diễu hành góp phần làm cho lễ kỷ niệm hoành tráng hơn.

Bà Nguyễn Thị Hồng Xuân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh Đắk Lắk, Tổng Đạo diễn chương trình nghệ thuật biểu diễn và diễu hành của lễ kỷ niệm cho biết: So với các lần trước thì chương trình kỷ niệm lần này hoành tráng hơn, quy mô lớn hơn, huy động khoảng 4.600 người tham dự. Mỗi đoàn diễu hành có 105 người tượng trưng cho 105 năm hình thành và phát triển Buôn Ma Thuột. Sau khi diễu hành qua lễ đài, đoàn voi và 16 xe hoa sẽ diễu hành qua một số đường phố để giới thiệu về tiềm năng kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và giới thiệu về voi Đắk Lắk./.

 

 

Bích Tâm (báo TNVN)

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác