Quốc kỳ Việt Nam tung bay trên Khải hoàn môn

09/05/2010

Paris, sáng 8/5/1995, những nhà báo Việt Nam rưng rưng nước mắt khi chứng kiến Quốc kỳ Việt Nam diễu qua Khải hoàn môn trong rừng cờ hoa. Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh xuất hiện đầu tiên trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, được Tùy viên quân sự Đại sứ quán nước ta tại Pháp, Trung tá Trần Việt Trung hộ tống.

Sáng 8/5/1995, Quốc kỳ Việt Nam diễu hành qua Khải hoàn môn ở Thủ đô Paris

Kỷ niệm lần thứ 65 ngày chiến thắng chủ nghĩa phát xít năm nay (9/5), Tổng thống Nga Medvedev mời Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết tới tham dự buổi lễ trọng thể tại Quảng trường Đỏ ở Thủ đô Moscow. Đây là lần thứ hai, Chủ tịch nước Việt Nam tham dự lễ kỷ niệm chiến thắng chủ nghĩa phát xít tại một trong những nước đồng minh chống phát xít năm xưa. Lần trước, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã dự buổi lễ trọng thể này ở Thủ đô Paris của Cộng hòa Pháp, kỷ niệm lần thứ 50 ngày chiến thắng.

 

Paris, sáng 8/5/1995, những nhà báo Việt Nam rưng rưng nước mắt khi chứng kiến Quốc kỳ Việt Nam diễu qua Khải hoàn môn trong rừng cờ hoa. Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh xuất hiện đầu tiên trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, được Tùy viên quân sự Đại sứ quán nước ta tại Pháp, Trung tá Trần Việt Trung hộ tống. Trước đó ít phút, cũng tại Khải hoàn môn, một lá Quốc kỳ Việt Nam khác được hai quân nhân Pháp hộ tống, đã được trang trọng kéo lên, phấp phới tung bay với quốc kỳ của 80 nước.

 

Không xúc động sao được khi nhớ lại ngay từ khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh và những người cách mạng Việt Nam đã tuyên bố đứng về phe Đồng minh chống phát xít, chìa cánh tay đoàn kết về những người Pháp chống phát xít. Vậy mà cũng phải 50 năm sau ngày chiến thắng phát xít Hítle, Quốc kỳ Việt Nam mới tung bay trên cổng khải hoàn của nước Pháp, trong một buổi lễ trọng thể đánh dấu sự vươn mình của nước Việt Nam mới trên trường quốc tế.

 

Chủ tịch Lê Đức Anh tới Paris dự lễ kỷ niệm Chiến thắng theo lời mời của Tổng thống Pháp. Trong các buổi tiếp Chủ tịch Lê Đức Anh, cả Tổng thống Pháp sắp mãn nhiệm, ngài Mitterrand và Tổng thống Pháp vừa đắc cử, ngài Jacques Chirac, đều dành những lời lẽ tốt đẹp để nói về Việt Nam, cũng như khẳng định nước Pháp mong muốn phát triển quan hệ tốt đẹp hơn nữa với Việt Nam.

 

Sau lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Lê Đức Anh còn nán lại nước Pháp, thăm thành phố Montreuil đang trân trọng lưu giữ những kỷ vật và kỷ niệm về Nguyễn Ái Quốc, thăm Marseille, thành phố Cảng bên bờ Địa Trung Hải, nơi có đông người Việt Nam sinh sống. Nước Pháp đã dành cho Chủ tịch nước Việt Nam nghi lễ đón tiếp cao nhất, dù cuộc đi thăm sau đó là không chính thức. Cung điện Nhà vua ở Marseille, sau 14 năm lại mở cửa đón Chủ tịch nước Việt Nam nghỉ lại.

 

Những người bạn Pháp và đại diện bà con người Việt tại Pháp xúc động khi nghe Chủ tịch Lê Đức Anh căn dặn: đối với các bạn Việt Nam ở Pháp, cần cùng một lúc chăm lo đến lợi ích của nước Việt Nam cũng như nước Pháp.

 

Từ Paris trở về, cuối tháng 5/1995, Chủ tịch nước Lê Đức Anh về thăm Pắc Pó, Cao Bằng, nơi Bác Hồ chọn làm điểm dừng chân đầu tiên khi trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước. Tại đây, cùng với việc chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8, đánh dấu sự chuyển hướng quan trọng của cách mạng Việt Nam, thành lập Mặt trận Việt Minh, Bác Hồ đã viết nhiều bài, nhiều thơ ca trên báo Việt Lập, ủng hộ Hồng quân Liên Xô và phong trào Đồng minh chống phát xít. Giữa lúc hàng chục sư đoàn quân phát xít tràn vào Liên Xô, Hồng quân phải tạm thời rút lui, Bác khẳng định: thế nào phát xít Đức cũng thua và Liên Xô sẽ thắng (*).

 

Chúng tôi thắp nén hương dâng lên Bác, lòng hứa với lòng suốt đời phấn đấu học tập và làm theo lời Bác dạy. Để nước Việt Nam ta có thêm nhiều “cổng Khải hoàn” trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu - nước mạnh”, “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”./.

 

 

(*)  (Theo “Từ nhân dân mà ra” - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 1994).

 

Trương Cộng Hòa

(http://vovnews.vn)

Các bài viết khác