Hội thảo khoa học quốc tế "Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay"

13/05/2010

Hôm qua, 12-5, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay" do Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp tổ chức.

Hội thảo nhằm khẳng định những cống hiến to lớn và ý nghĩa thời đại sâu sắc của tư tưởng, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới, cũng như cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của loài người. Ðồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội dự và phát biểu ý kiến chào mừng. Dự hội thảo, có đồng chí Nguyễn Ðức Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; Phùng Hữu Phú, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư; Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư. Tham dự Hội thảo có gần 400 đại biểu là các nhà khoa học, nghiên cứu lý luận của các học viện, nhà trường; cán bộ lãnh đạo các bộ, ban, ngành và đoàn thể ở T.Ư; các tỉnh, thành phố trong cả nước và 55 đại biểu quốc tế là những nhà khoa học, nhà hoạt động chính trị- xã hội đến từ 19 nước, trong đó có Ủy viên Bộ Chính trị Ðảng Nhân dân Cách mạng Lào Xạ-mản Vi-nha-kệt, Trưởng đoàn đại biểu Ðảng và Nhà nước Lào; Trưởng Ban Thường trực Ban Thường vụ Ðảng Nhân dân Cam-pu-chia, Trưởng đoàn đại biểu Ðảng và Nhà nước Cam-pu-chia Say-chhum; Chủ tịch Ðảng Cộng sản Băng-la-đét, Trưởng đoàn đại biểu Ðảng Cộng sản Băng-la-đét Man-ru-run An-san Khan; Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Trưởng ban Ðối ngoại Ðảng Cộng sản Ấn Ðộ (Mác-xít) Si-ta-ram Y-ê-chu-ry; đại diện đại sứ quán một số nước tại Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo Ðảng và Nhà nước, đọc bài phát biểu chào mừng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh sự hiện diện của đông đảo các đại biểu trong nước và các nhà khoa học, nhà hoạt động chính trị - xã hội của các nước dự hội thảo là biểu thị sự kính yêu đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và tình cảm tốt đẹp đối với nhân dân Việt Nam. Bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài và người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, chiến sĩ cách mạng kiên cường và người bạn rất thân thiết của các dân tộc trên thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng phong phú, cao đẹp và đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Ðảng và dân tộc. Tên tuổi và sự nghiệp của Người sẽ còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta. Người đã để lại cho chúng ta một gia tài đồ sộ, một di sản hết sức quý báu, đó là: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Thời đại Hồ Chí Minh, và tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. (Toàn văn bài phát biểu đăng số báo ra hôm nay).

Bà Ka-tơ-rin Mu-lơ Ma-ranh, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội đã đọc bài phát biểu chào mừng, nêu rõ: "Tôi có mặt tại đây, ngày hôm nay, để hoàn thành sứ mệnh của nghị quyết được Ðại hội đồng UNESCO thông qua tại khóa họp lần thứ 24 của cơ quan này, tại Pa-ri, năm 1987, về việc kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Anh hùng dân tộc và nhà văn hóa lớn. Ðại hội đồng cho rằng việc thế giới kỷ niệm ngày sinh của những nhà văn hóa và trí thức kiệt xuất sẽ góp phần đạt được những mục tiêu của UNESCO và thúc đẩy sự hiểu biết giữa các quốc gia.

Ðại hội đồng coi Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng nổi bật về tinh thần quả cảm của dân tộc, bởi Người đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước và dân tộc Việt Nam, qua đó góp phần vào cuộc đấu tranh chung của toàn nhân loại vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. Ðại hội đồng cũng cho rằng, những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Người trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật, kết tinh truyền thống văn hóa của Việt Nam, một truyền thống có từ nhiều nghìn năm trước. Và những lý tưởng của Người tiêu biểu cho khát vọng của các dân tộc khác trên thế giới, bởi họ đấu tranh nhằm khẳng định bản sắc văn hóa của mình và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau".

Bà Ka-tơ-rin Mu-lơ Ma-ranh đã trân trọng điểm lại những cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các lĩnh vực hoạt động của UNESCO: Văn hóa, truyền thông- thông tin; bình đẳng giới, phát triển khoa học, giáo dục.

Ðồng chí Lê Hữu Nghĩa đọc báo cáo đề dẫn nêu rõ: Là sự kết tinh của truyền thống văn hóa tốt đẹp hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam và tinh hoa văn hóa nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vĩ nhân của thời đại chúng ta bởi vai trò thúc đẩy của Người đối với sự phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam và đóng góp vào tiến trình lịch sử nhân loại. Là biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm thay đổi vận mệnh dân tộc Việt Nam, từ thân phận nô lệ trở thành dân tộc tự do, độc lập. Là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người đầu tiên đã lãnh đạo nhân dân chúng ta thi hành Bản án chế độ thực dân ở Việt Nam mà còn cùng nhân dân các dân tộc thuộc địa thực hiện bản án đó, xóa đi sự áp bức, nô dịch của chủ nghĩa thực dân trên hành tinh của chúng ta. Là tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn dắt nhân dân Việt Nam thực hiện mục tiêu hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh cho đất nước của mình, đồng thời Người cũng góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Là Anh hùng giải phóng dân tộc, cuộc đời, sự nghiệp và di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị đối với dân tộc Việt Nam mà còn có ý nghĩa đối với nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới ở thời đại hiện nay. Ðồng chí đề nghị các nhà khoa học trong và ngoài nước, bằng các luận cứ khoa học, làm rõ, phát hiện thêm những nhận thức mới trong Di sản Hồ Chí Minh đối với thời đại ngày nay theo các nhóm vấn đề cơ bản: Di sản Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, về hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc. Các vấn đề văn hóa, đạo đức, nhân cách trong Di sản Hồ Chí Minh. Ðã có 171 tham luận, báo cáo khoa học được gửi đến Ban tổ chức Hội thảo. Hôm nay, 13-5, các đại biểu trong nước và quốc tế tiếp tục tham luận và kết thúc hội thảo

* Trước đó, các đại biểu quốc tế dự hội thảo đã về thăm quê hương Bác Hồ, xã Kim Liên, huyện Nam Ðàn, tỉnh Nghệ An và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

(http://www.nhandan.com.vn)

Các bài viết khác