Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN; Các hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác

24/07/2010

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Lễ khai mạc; tiếp các Trưởng đoàn AMEM 28 n Hội nghị Bộ trưởng các nước hạ nguồn Mê Công - Mỹ * Các cuộc tiếp xúc song phương bên lề hội nghị

Sáng 22-7, tại TP Ðà Lạt (Lâm Ðồng), Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 28 (AMEM 28) đã khai mạc, dưới sự chủ trì của  Bộ trưởng Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng. Tham gia hội nghị có: Tổng Thư ký ASEAN; Bộ trưởng Năng lượng 10 nước ASEAN và các nước đối tác: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Niu Di-lân, Ô-xtrây-li-a; đại diện lãnh đạo ngành năng lượng các nước: Nga, Mỹ và các tổ chức năng lượng khu vực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu ý kiến tại phiên khai mạc.

Với chủ đề "Năng lượng và biến đổi khí hậu", Hội nghị AMEM 28 thảo luận Chương trình hợp tác năng lượng ASEAN 2010-2015; Chương trình hành động  ASEAN  về  hợp tác năng lượng (APAEC) giai đoạn 2010 - 2015. Một trong những vấn đề an ninh năng lượng được ASEAN đặc biệt quan tâm tại hội nghị là khả năng kết nối lưới điện các nước ASEAN, lưới điện Tiểu vùng sông Mê Công, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế lớn, tạo cơ hội mở rộng thị trường bán điện, kích thích đầu tư... Cùng với AMEM 28, cũng diễn ra hàng loạt hội nghị liên quan và các sự kiện bên lề, trong đó có nhiều nội dung quan trọng như hợp tác năng lượng ASEAN với các đối tác...

Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, hợp tác năng lượng trong ASEAN đã đạt được những tiến triển quan trọng, mục tiêu và lộ trình hợp tác ASEAN đã được các Bộ trưởng Năng lượng thống nhất trong Kế hoạch hợp tác năng lượng ASEAN giai đoạn 2010-2015. Với chủ đề "Năng lượng và biến đổi khí hậu", hội nghị lần này thể hiện rõ trọng tâm hợp tác và tinh thần hành động của các nước ASEAN trong năm nay và những năm tiếp theo. Thủ tướng nhấn mạnh, Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 28 có nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục đề ra các sáng kiến để thúc đẩy hợp tác năng lượng trong ASEAN, xác định các ưu tiên và nỗ lực triển khai các hoạt động cụ thể về hợp tác năng lượng một cách hiệu quả, thiết thực; cũng như bàn bạc, trao đổi với các nước đối tác về những khía cạnh liên quan đến năng lượng.

Thủ tướng đề nghị Hội nghị tập trung xem xét tăng cường hợp tác để bảo đảm an ninh năng lượng cho ASEAN trong bối cảnh tiêu thụ năng lượng của ASEAN tiếp tục tăng cao, đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển cũng như yêu cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong bối cảnh giá các loại nhiên liệu biến động khó lường và các nguồn cung cấp ngày càng thu hẹp. Việc ứng phó với biến đổi khí hậu, đi đôi với việc sử dụng năng lượng có hiệu quả, phải là một trong các ưu tiên hàng đầu của chúng ta trong thời gian tới. Biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những thách thức lớn của thế giới và ASEAN. Việc hợp tác nghiên cứu phát triển nguồn năng lượng, các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính cần được kết hợp chặt chẽ, lồng ghép nhuần nhuyễn với các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển thương mại, đầu tư và hợp tác của ASEAN, cả trong nội khối cũng như với các nước đối tác.

Cùng ngày, tại TP Ðà Lạt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp các Trưởng đoàn tham dự Hội nghị AMEM 28. Thủ tướng nhiệt liệt chào mừng các vị Trưởng đoàn đến Ðà Lạt tham dự Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 28 và các hội nghị liên quan. Thủ tướng đánh giá cao chủ đề của Hội nghị lần này là "Năng lượng và biến đổi khí hậu", thể hiện rõ trọng tâm hợp tác và tinh thần hành động của các nước ASEAN trong năm nay và những năm tiếp theo và là vấn đề cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm. Thủ tướng nhấn mạnh, hợp tác năng lượng trong ASEAN đã đạt được những tiến triển quan trọng, mục tiêu và lộ trình hợp tác ASEAN đã được các Bộ trưởng Năng lượng thống nhất trong Kế hoạch hợp tác năng lượng ASEAN giai đoạn 2010-2015. Thủ tướng tin tưởng tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng ASEAN và các đối tác cùng nhau thảo luận nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các quốc gia trên lĩnh vực này, nhất là xác định các ưu tiên và nỗ lực triển khai các hoạt động cụ thể về hợp tác năng lượng một cách hiệu quả, thiết thực, góp phần tích cực vào xây dựng Cộng đồng ASEAN...

Các Trưởng đoàn cảm ơn Thủ tướng dành thời gian tiếp, cho rằng việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng tại Ðà Lạt, một thành phố xanh, thể hiện sự quan tâm trong việc tăng cường hợp tác chặt chẽ trên lĩnh vực này trước biến đổi khí hậu. Các Bộ trưởng khẳng định sẽ cùng thảo luận đưa ra những giải pháp thiết thực, khắc phục những hạn chế nội tại góp phần hiện thực hóa mục tiêu hình thành và phát triển Cộng đồng ASEAN.

Chiều 22-7, bên lề hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Bộ trưởng Dầu khí Ấn Ðộ Mơ-li Ðê-ô-ra. Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Ðộ phát triển tốt đẹp cả về chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục, cũng như hai nước đã và đang hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương. Thủ tướng hoan nghênh các doanh nghiệp Ấn Ðộ mở rộng đầu tư, kinh doanh với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực phát triển năng lượng. Thủ tướng khẳng định: Chính phủ Việt Nam làm hết sức thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Thủ tướng trân trọng chuyển lời mời Thủ tướng Ấn Ðộ thăm chính thức Việt Nam và tham dự các Hội nghị cấp cao ASEAN trong tháng 10 tới.

Bộ trưởng Dầu khí Ấn Ðộ M.Ðê-ô-ra đánh giá cao công tác tổ chức và kết quả mà Hội nghị AMEM 28 đạt được; đồng thời bày tỏ mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng nói chung và dầu khí nói riêng. Bộ trưởng cho biết, các doanh nghiệp Ấn Ðộ đánh giá cao môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi ở Việt Nam, mong muốn mở rộng hợp tác đầu tư các dự án phát triển điện năng và luyện thép tại Việt Nam.

Tối cùng ngày, tại TP Ðà Lạt đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia. Hội nghị đánh giá tình hình hợp tác năng lượng giữa ba nước, thống nhất chương trình hợp tác về năng lượng thời gian tới. Bộ trưởng Năng lượng ba nước đã ký biên bản thỏa thuận về hợp tác năng lượng giữa Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia. Theo đó ba bên nhất trí đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kết nối lưới điện ba nước; hỗ trợ khai thác khả năng phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Công trên cơ sở bảo đảm môi trường, hệ thống sinh thái và xã hội; hỗ trợ các dự án nguồn điện mang lại lợi ích cho từng nước cũng như chung cả ba nước; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng...

Ngày 22-7, tại Hà Nội đã diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các bên đối tác, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Nga, Liên hiệp châu Âu (EU), Mỹ và Ca-na-đa. Các Hội nghị lần này là bước chuẩn bị quan trọng cho các Hội nghị cấp cao (HNCC) liên quan giữa ASEAN với các đối tác trong nửa cuối năm 2010. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các bên đối tác đã kiểm điểm những tiến triển trong quan hệ hợp tác trong năm qua, đồng thời đề ra phương hướng và biện pháp thúc đẩy hợp tác cho thời gian tới. Các nước đối tác khẳng định ủng hộ ASEAN tiếp tục đóng vai trò trung tâm ở khu vực, và chia sẻ tầm nhìn của ASEAN về một cấu trúc khu vực tương lai bao gồm nhiều tầng nấc, đan xen và bổ trợ cho nhau dựa trên cơ sở của các cơ chế hiện có.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc, hai bên nhất trí: khẩn trương hoàn tất dự thảo Chương trình hành động mới triển khai Tuyên bố chung về Quan hệ Ðối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc vì hòa bình và thịnh vượng giai đoạn 2011-2015, trình Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc vào cuối năm nay xem xét thông qua; đẩy mạnh triển khai các sáng kiến hợp tác giữa hai bên, trong đó có cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghệ thông tin... cũng như sử dụng các quỹ do Trung Quốc hỗ trợ, như Quỹ Hợp tác đầu tư ASEAN - Trung Quốc trị giá 10 tỷ USD và Quỹ hỗ trợ tăng cường trao đổi thương mại trị giá 15 tỷ USD; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác hai bên vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực, hợp tác trong các tiến trình như ASEAN+3, EAS, ARF và trong việc tiếp tục các nỗ lực triển khai hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên liên quan ở Biển Ðông (DOC); nhất trí tổ chức các hoạt động kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc vào năm 2011.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Nga, các Bộ trưởng hoan nghênh những kết quả tích cực trong triển khai Chương trình hành động toàn diện ASEAN - Nga giai đoạn 2005-2015; sớm hoàn tất chuẩn bị cho HNCC hai bên vào cuối năm như dự thảo Tuyên bố chung; Hiệp định Hợp tác văn hóa ASEAN - Nga; tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Nga - ASEAN; bàn và thống nhất một số hoạt động cụ thể chuẩn bị kỷ niệm 15 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Nga, trong đó có việc tổ chức Ngày văn hóa Nga tại các nước ASEAN.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Mỹ, hai bên nhất trí sớm hoàn tất xây dựng Kế hoạch hành động triển khai Ðối tác tăng cường ASEAN - Mỹ giai đoạn mới 2011-2015; tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học - công nghệ, cũng như ứng phó với các thách thức toàn cầu. ASEAN hoan nghênh việc Mỹ mở Phái đoàn đại diện thường trực tại ASEAN. Hai bên cũng bàn cụ thể về các nội dung chuẩn bị cho HNCC ASEAN - Mỹ lần thứ hai sẽ được tổ chức vào cuối năm nay.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Nhật Bản, ASEAN hoan nghênh đề xuất của Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác hướng tới tăng trưởng kinh tế với việc phối hợp triển khai kết nối ASEAN theo khuôn khổ "Ðối tác ASEAN - Nhật Bản vì Tăng trưởng mới ở châu Á". Nhật Bản khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua việc tiếp tục đóng góp cho Quỹ Hội nhập ASEAN - Nhật Bản; thông báo sẽ dành một khoản trợ giúp trị giá 800 tỷ yên hỗ trợ ASEAN triển khai Kế hoạch tổng thể về kết nối. ASEAN và Nhật Bản khẳng định cam kết sớm đưa vào hiệu lực và triển khai hiệu quả Thỏa thuận đối tác kinh tế toàn diện (AJCEP).

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Hàn Quốc, các Bộ trưởng nhất trí đẩy mạnh triển khai hiệu quả thỏa thuận Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Hàn Quốc, với mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 150 tỷ USD vào năm 2015; nhất trí kiến nghị nâng cấp quan hệ ASEAN - Hàn Quốc lên tầm đối tác chiến lược và sẽ trình lãnh đạo thông qua tuyên bố về vấn đề này tại HNCC ASEAN - Hàn Quốc cuối năm nay. ASEAN hoan nghênh Hàn Quốc đã mời Việt Nam, với tư cách Chủ tịch ASEAN dự HNCC G20 tại Hàn Quốc tháng 11 tới. ASEAN nhân dịp này cũng chia sẻ những tổn thất của Chính phủ và người dân Hàn Quốc do vụ chìm tàu Chơ-nan, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và nỗ lực giải quyết hòa bình vấn đề.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Ấn Ðộ, hai bên thông qua kế hoạch hành động triển khai Ðối tác ASEAN - Ấn Ðộ vì hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng chung, giai đoạn 2010-2015; khẳng định tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, môi trường, cũng như hợp tác ứng phó với các thách thức như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia...; giao các quan chức đề xuất các dự án cụ thể có thể sử dụng nguồn lực từ Quỹ xanh ASEAN - Ấn Ðộ và Quỹ phát triển Khoa học công nghệ ASEAN - Ấn Ðộ. Hai bên cũng bàn việc chuẩn bị kỷ niệm 20 năm quan hệ ASEAN - Ấn Ðộ vào 2012.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Ô-xtrây-li-a, hai bên đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa và việc triển khai hiệu quả Hiệp định FTA ASEAN - Ô-xtrây-li-a - Niu Di-lân (AANZFTA) có hiệu lực từ đầu năm nay; nhất trí đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động triển khai đối tác tăng cường ASEAN - Ô-xtrây-li-a, tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, thương mại và đầu tư, giao thông vận tải, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, văn hóa, giao lưu nhân dân... ASEAN và Ô-xtrây-li-a nhất trí tổ chức HNCC ASEAN - Ô-xtrây-li-a bên lề HNCC ASEAN 17 vào cuối năm 2010.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Niu Di-lân, các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung ASEAN - Niu Di-lân về đối tác tăng cường giai đoạn 2010-2015, với trọng tâm thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực giáo dục, văn hóa và giao lưu nhân dân. Hai bên đánh giá cao ý nghĩa và nhất trí triển khai hiệu quả Hiệp định AANZFTA có hiệu lực từ đầu năm nay. ASEAN hoan nghênh các đề xuất hợp tác mới của Niu Di-lân, trong đó có Khoản trợ giúp trị giá 54 triệu USD hỗ trợ sinh viên các nước ASEAN tham gia các khóa đào tạo tại Niu Di-lân trong ba năm tới. ASEAN và Niu Di-lân nhất trí tổ chức HNCC kỷ niệm ASEAN - Niu Di-lân bên lề HNCC ASEAN 17 tại Hà Nội.  

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Ca-na-đa, hai bên thông qua kế hoạch hành động triển khai Tuyên bố chung ASEAN - Ca-na-đa về đối tác tăng cường giai đoạn 2011-2015; nhất trí hợp tác xây dựng Hiệp định khung về thương mại và đầu tư ASEAN - Ca-na-đa (TIFA). ASEAN hoan nghênh Ca-na-đa ký văn kiện gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), coi đó là một tiến triển quan trọng ý nghĩa trong quan hệ đối thoại ASEAN - Ca-na-đa, cũng như cam kết của Ca-na-đa đối với hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.   

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU, hai bên nhất trí đẩy mạnh các chương trình và kế hoạch hợp tác triển khai quan hệ Ðối tác tăng cường ASEAN - EU; nhất là trên lĩnh vực kinh tế. ASEAN hoan nghênh mong muốn của EU gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) và thông báo việc ASEAN dự kiến cùng các nước tham gia TAC sẽ ký Nghị định thư thứ ba sửa đổi Hiệp ước này để tạo điều kiện cho EU có thể sớm tham gia. 

Cùng ngày, Hội nghị Bộ trưởng các nước hạ nguồn Mê Công - Mỹ lần thứ hai đã được tổ chức bên lề AMM- 43. Hội nghị có sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao và đại diện bốn nước hạ nguồn Mê Công, gồm Cam-pu-chia, Lào, Thái-lan, Việt Nam và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H.Clin-tơn đồng chủ trì hội nghị. Hội nghị lần này tập trung chủ yếu vào việc rà soát các hoạt động hợp tác được triển khai kể từ sau Hội nghị Bộ trưởng lần thứ nhất, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa các nước hạ nguồn Mê Công với Mỹ tập trung vào bốn lĩnh vực chính là bảo vệ môi trường, y tế, giáo dục và phát triển hạ tầng cơ sở.

Các bộ trưởng đánh giá cao kết quả của "Hội nghị sáng kiến hạ nguồn Mê Công, Hợp tác xuyên quốc gia ứng phó các mối đe dọa từ bệnh truyền nhiễm" tổ chức tại Hà Nội và việc triển khai bước đầu chương trình "Dự báo Mê Công". Tại Hội nghị lần này, Bộ  trưởng Ngoại giao Mỹ  H.Clin-tơn đã công bố về chương trình hợp tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm và chương trình phát triển kế hoạch hợp tác nhằm ứng phó với các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Các bộ trưởng cũng nhất trí việc xây dựng cơ chế phối hợp, tổ chức các cuộc họp quan chức cấp cao (SOM) theo cơ chế thường xuyên và đồng ý tổ chức Hội nghị Bộ trưởng hạ nguồn Mê Công - Mỹ lần thứ ba vào năm 2011. Kết thúc Hội nghị, các bộ trưởng đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác, hướng tới phát triển bền vững.

Nhân dịp này, các bộ trưởng đã chứng kiến lễ ký chính thức Biên bản ghi nhớ về Hợp tác giữa hai Ủy hội sông Mê Công - Mi-xi-xi-pi, khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác giữa hai Ủy hội.

Chiều 22-7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã lần lượt tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao LB Nga và Bộ trưởng Ngoại giao Ca-na-đa. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ A-mét Ða-vu-tóc-lu đánh giá cao việc Việt Nam đã đảm đương xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN và tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các hội nghị liên quan. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm chúc mừng Thổ Nhĩ Kỳ chính thức tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) với ASEAN, coi đây là bước phát triển quan trọng trong quan hệ giữa ASEAN với Thổ Nhĩ Kỳ. Hai Bộ trưởng hài lòng nhận thấy quan hệ hai nước trong thời gian qua phát triển tốt đẹp. Kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng, đạt 500 triệu USD năm 2009. Hai bên đã bàn các biện pháp để thúc đẩy hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, nhất là trao đổi đoàn các cấp và doanh nghiệp hai nước, phấn đấu sớm đạt mục tiêu một tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều thời gian tới.

Tại buổi tiếp Bộ trưởng Ngoại giao LB Nga Xéc-gây La-vrốp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đánh giá cao sự tham gia tích cực của LB Nga vào các hoạt động của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và tăng cường quan hệ đối tác đối thoại Nga - ASEAN. Hai bên đã thảo luận các vấn đề thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện Việt Nam - LB Nga, phối hợp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Hai bên đánh giá cao kết quả chuyến thăm chính thức LB Nga vừa qua của Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh. Việt Nam và Nga nhất trí sẽ tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Ð.Mét-vê-đép, phối hợp chặt chẽ để tổ chức tốt Hội nghị cấp cao ASEAN - Nga lần thứ hai sắp tới. Nhân dịp này, hai bên đã ký Kế hoạch hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao LB Nga giai đoạn 2011 - 2012.

Tại buổi tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Ca-na-đa Lo-ren Ca-non, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm hoan nghênh và đánh giá cao Bộ trưởng Ngoại giao Ca-na-đa thăm Việt Nam, dự Hội nghị ARF lần thứ 17 và Hội nghị Bộ trưởng ASEAN mở rộng. Bộ trưởng Can-non đánh giá cao và chúc Việt Nam hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Gia Khiêm hoan nghênh và đánh giá cao Ca-na-đa gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN (TAC) và cam kết mạnh mẽ hơn trong việc đóng góp xây dựng hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển tại khu vực. Hai bên hài lòng về sự phối hợp tốt trên các diễn đàn hợp tác đa phương như LHQ, ASEAN, APEC... và mới đây là tại Hội nghị cấp cao G20 ở Tô-rôn-tô, Ca-na-đa. Hai bên vui mừng trước những phát triển tích cực trong quan hệ hai nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và nhất trí về các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường quan hệ hai nước, thúc đẩy đàm phán để sớm ký kết Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Ca-na-đa (FIPA).

Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Ðào Việt Trung đã tiếp Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Xri Lan-ca Gi-tan-gian-na Gu-na-oa-đe-na. Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Xri Lan-ca cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ Xri Lan-ca trong những giai đoạn khó khăn suốt 30 năm qua. Thứ trưởng Ngoại giao Ðào Việt Trung chúc mừng thành tựu mà Xri Lan-ca đạt được trong chiến dịch chống khủng bố và trong công cuộc xây dựng đất nước, khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong công cuộc tái thiết Xri Lan-ca. Hai bên nhất trí tích cực triển khai kết quả tốt đẹp của Kỳ họp thứ 2 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Xri Lan-ca tháng 8-2009 và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Xri Lan-ca (tháng 10-2009) trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, dầu khí và nông nghiệp.

Sáng 22-7, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị Ðối thoại quan chức Quốc phòng ARF (DoD). Hội nghị DoD (cấp Cục/Viện) là hoạt động trong khuôn khổ các Hội nghị giữa kỳ hoặc Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao các nước thuộc Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) được tổ chức hằng năm. Năm 2010, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam tổ chức các hội nghị trong khuôn khổ ARF, trong đó Bộ Quốc phòng tổ chức bốn cuộc họp DoD và một Hội nghị ASPC.

Niên khóa 2009-2010, Việt Nam và Ấn Ðộ đã đồng chủ trì các cuộc họp nhóm hỗ trợ giữa kỳ ARF về Xây dựng lòng tin và Ngoại giao phòng ngừa (ARF ISG-CBM/PD). Trong khuôn khổ các cuộc họp ASG, dưới sự đồng chủ trì của Việt Nam và Ấn Ðộ, DoD đầu tiên được tổ chức tại Niu Ðê-li (Ấn Ðộ) từ ngày 8 đến 10-11-2009. DoD lần thứ hai được tổ chức tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) từ ngày 17 đến 20-3-2010. DoD lần thứ ba và ASPC được tổ chức từ ngày 17 đến 20-5-2010 tại TP Ðà Nẵng. DoD lần thứ tư được tổ chức trong hai ngày 21 và 22-7-2010 tại Thủ đô Hà Nội, do Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế (Bộ Quốc phòng) chủ trì, với hai chủ đề đối thoại chính: Vai trò của các tổ chức Quốc phòng ARF trong cấu trúc an ninh khu vực và Tăng cường ARF: Xem xét đánh giá và định hướng tương lai về hợp tác phối hợp Quốc phòng ARF.

Tham dự DoD lần thứ tư có khoảng 120 đại biểu đại diện của 27 nước thành viên ARF, các thành viên tổ ARF thuộc Ban Thư ký ASEAN, các cơ quan chuyên môn của ARF. Ðoàn Việt Nam có khoảng mười đại biểu, gồm đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác