Kết nối không gian AIPA, không gian ASEAN trái tim và sự từng trải của QH Việt Nam

27/09/2010

Có lẽ ít kỳ Đại hội đồng AIPA nào, nghị sỹ các nước Đông Nam Á tham dự đông hơn AIPA – 31 tại Hà Nội. Và chắc chắn, chưa bao giờ Đoàn ĐBQH Việt Nam dự AIPA vượt quá con số 40 ĐBQH như tại AIPA – 31.

Nếu theo cách nói của Chủ tịch AIPA – 31 Nguyễn Phú Trọng, một trong những cái được của năm QH Việt Nam làm Chủ tịch AIPA là “có thêm những người thầy” thì các Nghị viện và lực lượng đông đảo nghị sỹ các nước đến Hà Nội dự AIPA – 31 đã mang đến cho Việt Nam, cho QH Việt Nam những tấm lòng bạn bè và sự trải nghiệm của những người thầy của QH chúng ta.

 

 

 Nếu nói khiêm tốn là vậy, nói chân thành cũng là vậy và nói thật thân thiện thì cũng là như vậy. QH Việt Nam đã hội nhập hài hòa, nhịp nhàng với nghị viện các nước trong khu vực khi chủ động đề xuất hướng hợp tác những vấn đề chung của AIPA, của ASEAN mà ở đó có lồng ghép những nội dung ta có lợi ích trực tiếp. Không chỉ chủ động về nội dung chương trình nghị sự của AIPA – 31, QH Việt Nam được bạn bè mệnh danh là QH của những sáng kiến. Trong quá trình chuẩn bị AIPA, phương châm của QH ta là đưa ra sáng kiến, dự thảo nghị quyết nhưng phải thiết thực, tránh tình trạng đưa ra quá nhiều nghị quyết mà mang tính hình thức. Đó là những sáng kiến về tiếp tục thúc đẩy quan hệ AIPA – ASEAN bằng việc đổi mới nội dung đối thoại cụ thể giữa hai bên, nghị viện thành viên AIPA xác định rõ định hướng về phạm vi và lĩnh vực kết nối ASEAN để bảo đảm tính thực tiễn và khả thi của Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN. Đó là sáng kiến về vấn đề thời sự hàng đầu của quốc tế và khu vực hiện nay liên quan đến các giải pháp phục hồi sớm, phục hồi vững chắc nền kinh tế sau khủng khoảng; trong đó nâng cao vai trò của các nghị viện và các nghị sỹ đối với lĩnh vực này bằng việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phát triển bền vững, AIPA ủng hộ và tạo điều kiện để ASEAN thực hiện có hiệu quả và đúng hạn các thỏa thuận đã có về kinh tế… Hầu như các sáng kiến và rất nhiều dự thảo nghị quyết của AIPA – 31 xuất phát từ Đoàn ĐBQH Việt Nam với phương châm những vấn đề chung – riêng gắn chặt, với tinh thần tuân thủ các thông lệ của AIPA và quan điểm hài hòa về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội. Những sáng kiến mang đậm tính thời sự, là nhu cầu thực tại của Việt Nam, của mỗi quốc gia và cũng là vấn đề thời sự, là nhu cầu thực tại ở các nước trong khu vực nên đã được Nghị viện các nước ASEAN đồng thuận cao.

 

Sự từng trải của QH Việt Nam (theo cách nói của thành viên Đoàn ĐBQH Việt Nam tại AIPA – 31, Hòa thượng Thích Chơn Thiện) về cách đặt vấn đề, cách gợi mở và dẫn dắt nội dung nghị sự của AIPA đã kết nối và hướng các nghị sỹ và các nghị viện AIPA đến mục tiêu chung, hài hòa và thiết thực.

 

Nếu như công xưởng của QH Việt Nam là ở các Ủy ban thì tại AIPA cũng thế. Công xưởng của AIPA cũng tại các Ủy ban Nữ nghị sỹ, Ủy ban Về các vấn đề chính trị, Ủy ban Về các vấn đề Kinh tế, Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Ủy ban Về các vấn đề tổ chức. Là nước chủ nhà, các ĐBQH Việt Nam ngồi ở vị trí nóng - chủ tọa điều hành phiên họp các Ủy ban. Ở nội bộ QH ta, vị trí chủ tọa không phải là công việc dễ dàng thì ở AIPA – nơi hội tụ nghị sỹ của nhiều dân tộc, chế độ chính trị, tôn giáo, văn hóa, tính cách, mục đích khác nhau - lại càng không đơn giản. AIPA là diễn đàn của các nghị sỹ khu vực. Thuộc tính của các nghị sỹ là đối thoại và tranh luận. Thế nhưng do chuẩn bị tốt các nội dung và dự thảo văn kiện nên, ở các Ủy ban chỉ còn có các ý kiến nhỏ, ít bất đồng. Ở AIPA, phiên làm việc thường là nóng bỏng nhất thuộc Ủy ban Về các vấn đề chính trị. Bởi nội dung làm việc của Ủy ban này thường liên quan đến vấn đề nhạy cảm, chủ quyền quốc gia và an ninh biên giới. Tại AIPA – 31, ở Ủy ban này không có nội dung phát sinh như dự kiến, chỉ có một nghị sỹ nêu vấn đề “khuyến khích giải quyết các bất đồng trong ASEAN về lãnh thổ thông qua đối thoại, thương lượng, trao đổi ý kiến…”. Từng trải, Chủ tọa Ủy ban Về các vấn đề chính trị Ngô Quang Xuân hài hòa và nêu rõ quan điểm của nước chủ nhà là khuyến khích giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại, trao đổi ý kiến một cách hòa bình…

 

Hòa bình, nêu cao hòa bình thì mới bảo đảm ổn định ở mỗi quốc gia và của cả khu vực - QH Việt Nam từng trải trong AIPA, trong ASEAN.

 

Diễn đàn AIPA là diễn đàn khu vực có sự đối thoại đa chiều, đa không gian. Trong đối ngoại và nhất là trong đối thoại tại AIPA, nước chủ nhà – QH Việt Nam dẫn dắt và điều hành nhưng QH ta tôn trọng bạn và không áp đặt. Nước chủ nhà Việt Nam đã chuẩn bị tốt, làm việc tốt, đối thoại tốt nên phiên họp toàn thể Đại hội đồng thông qua các Nghị quyết của AIPA trở nên nhẹ nhõm. Điều hành đúng thủ tục, đúng quy trình, đúng thông lệ, trước khi gõ búa thông qua mỗi nghị quyết, Chủ tịch AIPA – 31 đều yêu cầu các Đoàn đại biểu nghị viện AIPA nêu chính kiến. Và ý kiến mà Chủ tọa nhận được thường là: Đoàn Malaysia hoàn toàn đồng ý…; Đoàn Singapore nhất trí…; Đoàn Lào không có ý kiến gì… Nhẹ nhõm và thảnh thơi bằng sự từng trải của chính khách Việt Nam, của cơ quan quyền lực Nhà nước Việt Nam.

 

Trái tim và sự từng trải của QH Việt Nam đã làm cho không gian AIPA trở nên gần gũi hơn, gắn kết hơn, thân thiện hơn vì Cộng đồng ASEAN bền vững. Gắn kết bằng kênh của nghị viện và nghị sỹ: quyết đáp, ban hành chính sách pháp luật và giám sát các Chính phủ thực hiện trách nhiệm của mỗi quốc gia, trách nhiệm của cả khu vực ASEAN. Không gian ASEAN, thương hiệu được kết nối chặt chẽ bằng pháp luật và hài hòa hóa pháp luật - sản phẩm lập pháp của QH mỗi nước.

 

Như lời một nghị sỹ: AIPA – 31, AIPA Hà Nội là động lực cho các cơ quan lập pháp của mỗi nước ASEAN.

Yên Khánh

(http://nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác