Đẩy mạnh hợp tác G20 - ASEAN

11/11/2010

Tại Hội nghị G20 lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Lee Myung Pak sẽ dự cuộc tọa đàm bàn tròn cấp cao về kinh doanh Việt Nam – Hàn Quốc cùng khoảng 40 doanh nghiệp hàng đầu của hai nước.

Nhận lời mời của ngài Lee Myung Pak, Tổng thống Hàn Quốc, đồng Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh G20, sáng nay (10/11), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đầu đoàn Việt Nam rời Hà Nội sang  Seoul tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 từ 11- 12/11.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này, Việt Nam với tư cách là khách mời của chủ nhà Hàn Quốc và Chủ tịch đương nhiệm của ASEAN năm 2010.

Đẩy mạnh hợp tác G20 - ASEAN

Việt Nam sẽ cùng tham gia tích cực với các nước thành viên G20 đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề kinh tế và phát triển toàn cầu, quá trình xây dựng thể chế G20 và xây dựng cơ chế quản trị toàn cầu phù hợp với lợi ích của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Qua đó khẳng định vai trò, vị thế và uy tín của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trong cộng đồng quốc tế; thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên G20, đặc biệt là các nước đối tác ưu tiên của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham gia tất cả các phiên thảo luận tại hội nghị với lãnh đạo các nước G20 và khách mời.

Cụ thể, Đoàn Việt Nam sẽ tập trung tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến về các chủ đề: Các vấn đề liên quan đến phát triển, đặc biệt là bảo đảm phát triển bền vững, phát triển nguồn nhân lực; an ninh năng lượng, thu hẹp khoảng cách phát triển; Vai trò mới của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu; Cải cách các tổ chức tiền tệ và tài chính khu vực quốc tế; Thúc đẩy Vòng đàm phán Doha; Các biện pháp tăng cường phối hợp và hợp tác quốc tế; Củng cố tài khóa; Thể chế hóa sự tham gia của đại diện một số tổ chức và khu vực quan trọng như ASEAN tại G20.

Để chuẩn bị cho Hội nghị, Việt Nam đã phối hợp với các nước ASEAN xây dựng Tài liệu quan điểm chung của ASEAN và phối hợp với Hà Lan xây dựng Tài liệu quan điểm chung Việt Nam – Hà Lan về các nội dung của HNCC G20.

Nhân sự kiện này, trả lời phóng viên VOVNEWS, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Suk Hwan nói: “Trước hết, chúng tôi chúc mừng thành công mà Việt Nam đã giành được trong vai trò chủ tịch qua các hội nghị ASEAN và đối tác quan trọng vừa qua tại Hà Nội. Khi tham gia G20, Việt Nam sẽ mang những ý kiến đóng góp đại diện của ASEAN cũng như các đối tác. Những ý kiến này cũng đã được thảo luận tại Hội nghị Cấp cao ASEAN và ASEAN + hồi tháng trước và ý kiến này sẽ thể hiện quan điểm và ý chí của Việt Nam cũng như ASEAN tại G20. Tôi nghĩ rằng điều này sẽ thêm tiếng nói có trọng lượng làm nên thành công của G20 sắp tới”.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi nhưng còn chưa đồng đều và đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ mới, Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Seoul lần này được kỳ vọng sẽ đưa ra những đường hướng chính sách lớn nhằm đảm bảo kinh tế toàn cầu phát triển bền vững thời hậu khủng hoảng đúng như chủ đề bao trùm Hội nghị là "Cùng tăng trưởng vượt khủng hoảng."

Các quốc gia ASEAN tin tưởng rằng G20 ở Seoul lần này sẽ đạt được những kết quả cụ thể trên bốn khía cạnh: chính sách tỷ giá Hối đoái; Cải tổ y tiền tệ quốc tế (IMF); Mở rộng mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu và Các vấn đề Quỹ phát triển…. Triển khai hiệu quả "Khuôn khổ tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng" với trọng tâm là thúc đẩy phục hồi đều khắp, đặc biệt ở các nền kinh tế mới nổi và tạo dụng hệ thống tài chính lành mạnh sẽ góp phần hiện thực hóa định hướng chiến lược quan trọng nhất của G20.

Về khả năng hợp tác giữa ASEAN và G20 nói chung và với Hàn Quốc nói riêng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch ASEAN 2010 đã đề xuất việc thiết lập một cơ chế phối hợp chính sách chặt chẽ hơn giữa G20 và ASEAN, bắt đầu từ sự tham gia chủ động và tích cực của ASEAN vào quá trình hoạch định chính sách của G20, Chủ tịch G20 dự Cấp cao ASEAN hàng năm, tiếp theo là quá trình tiếp nhận thích ứng hóa và hài hòa hóa các lựa chọn chính sách này với chính sách của ASEAN và cuối cùng là cơ chế phản hồi có thể trở thành một hình mẫu thử nghiệm để các nhóm nước ngoài G20 xây dựng cơ chế tương tác phối hợp chính sách với G20.

Quá trình tham vấn chặt chẽ và xây dựng giữa ASEAN với Hàn Quốc thời gian qua đã chứng tỏ rõ ràng tính hiệu quả của cơ chế hợp tác này. Đặc biệt, việc nâng cấp quan hệ ASEAN-Hàn Quốc lên "Đối tác chiến lược" tại Hội nghị cấp cao ASEAN-17 diễn ra tại Hà Nội vừa qua đã củng cố hơn nữa khuôn khổ pháp lý cho sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa Hàn Quốc với Hiệp hội ASEAN trong các diễn đàn đa phương, trong đó có G20.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc

Bên lề Hội nghị, dự kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có các hoạt động tiếp xúc song phương với lãnh đạo một số nước tham dự Hội nghị và gặp gỡ một số Tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự kiến cũng sẽ tham dự phiên làm việc với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cũng lãnh đạo một số nước để thảo luận về việc biện pháp hữu hiệu thúc đẩy việc triển khai các Mục tiêu Thiên Niên kỷ, sau đó tham dự buổi trao đổi về các Mục tiêu Thiên Niên kỷ tại Quốc hội Hàn Quốc do Diễn đàn Liên Hợp Quốc – MDGs của Hàn Quốc tổ chức.

Tại Hội nghị G20 lần này, có một sự kiện đáng chú ý trong quan hệ song phương Hàn Quốc và Việt Nam. Đó là cuộc tọa đàm bàn tròn cấp cao về kinh doanh Việt Nam – Hàn Quốc với sự tham dự của khoảng 40 doanh nghiệp hàng đầu của hai nước.

Theo Đại sứ Park Suk Hwan, sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giữa hai nước. “Với sự tham gia của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Lee Myung Pak, các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc sẽ có dịp được bày tỏ quan điểm và những kiến nghị đối với lãnh đạo 2 bên để cùng tạo điều kiện để hai nước thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư lẫn nhau trong thời gian tới”- Đại sứ nói.

Trong nhiều năm qua, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ tư, thị trường xuất khẩu lớn thứ bảy và thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.

Việt Nam – Hàn Quốc quyết tâm nâng thương mại song phương lên 20 tỷ USD vào năm 2015, đồng thời cải thiện và lành mạnh hóa cán cân thương mại. Để có thể đạt mục tiêu đó, tăng trưởng thương mại trung bình hàng năm phải đạt được bình quân 15% trong giai đoạn 2010-2014.

Đại sứ Park Sukhwan bày tỏ tin tưởng vào quan hệ hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Ngài Đại sứ cho rằng với môi trường đầu tư thông thoáng của Việt Nam sẽ ngày càng hấp dẫn các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam.

Quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đã được Chính phủ hai nước nhất trí xây dựng thành quan hệ “Đối tác chiến lược.”

Hiện tại các nhà đầu tư Hàn Quốc đã tham gia hầu hết vào các lĩnh vực của Việt Nam như xây dựng cơ sở hạ tầng, viễn thông, cơ khí công nghiệp nặng, bất động sản, sản xuất ôtô, đóng tàu, khách sạn nhà hàng.

Phó Vụ trưởng Vụ chính sách FTA, Bộ Ngoại giao & Thương mại Hàn Quốc cho biết: “Các doanh nghiệp Hàn Quốc hiện muốn đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn là vào một số nước châu Á khác”.

Tính đến hết tháng 8/2010, Hàn Quốc có tổng số 2.605 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 23 tỷ USD, đứng thứ nhất cả về số dự án và vốn đăng ký trong tổng số 88 các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

Hàn Quốc cũng là nước có lượng du khách lớn thứ hai đến Việt Nam, với tổng cộng 368.000 người, tính đến tháng 7/2010./.

Đặng Khanh

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác