Một thoáng Tây Nguyên...

16/01/2007

Trong chuyến kiểm tra tình hình thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác của QH đã có buổi làm việc với lãnh đạo 3 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk… Mỗi tỉnh có đặc thù riêng, nhưng vẫn đậm đặc chất Tây Nguyên, chỉ có thể cảm nhận mà khó thể định tính, định lượng… Dẫu vậy, Tây Nguyên vẫn còn là những điều kỳ bí mà để thức tỉnh, không đơn thuần bằng những chính sách khô cứng mà phải bằng những chính sách đậm chất Tây nguyên, mang đặc thù và bản sắc Tây Nguyên…

Từ Thừa Thiên Huế, theo đường Hồ Chí Minh vượt qua những đèo, những dốc qua huyện A Lưới mà theo anh công an giao thông người của tỉnh giới thiệu rằng người ta thường gắn thêm từ A Sầu vào để chỉ

nghe là biết cái buồn, cái vắng ở đây, qua địa danh đầy tính tượng hình như đèo Lò Xo… để đến với Kon Tum. Chặng đường mà người đi trong đoàn thường đùa rằng để rèn luyện, để thử thách tiền đình của những người yếu đuối. Đi mãi rồi cũng đến địa danh của Kon Tum. Cảm nhận đầu tiên là đất rộng, người thưa, và cơ sở hạ tầng mới ở thời điểm sơ khai. Cửa khẩu Bờ Y mới được cắt băng khánh thành chỉ vài ngày trước khi Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác đến thăm có dáng vẻ của một cửa khẩu quốc tế nhưng tất cả mới chỉ là bắt đầu bởi còn thiếu sự náo nhiệt, thông thương thường thấy ở các cửa khẩu khác. Kon Tum cũng có 2 khu công nghiệp (Hòa Bình và Sao Mai) nhưng mới chỉ nằm trong danh mục quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2015. Trong điều kiện Kon Tum còn rất khóa khăn, lợi thế của hai khu công nghiệp này không được như các khu công nghiệp khác trong khu vực vì vậy cần phải có cơ chế chính sách ưu  đãi từ Trung ương- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trâçn Quang Vinh đã trình bày với Chủ tịch QH và đoàn công tác thực trạng của Kon Tum như vậy. Quả thật, Kon Tum còn nhiều khó khăn. Thu ngân sách trong tỉnh chỉ đạt 335,93 tỷ đồng, chỉ đáp ứng được hơn 1/4 tổng chi ngân sách địa phương. Có tới 48/96 xã tiếp tục đầu tư chương trình 135 giai đoạn II, có tới 88% hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số.

Chỉ cách thị xã Kon Tum hơn 50 km, thành phố Pleiku, Gia Lai lại có sự khác biệt hơn. Nhiều nhà đầu tư đã chọn Gia Lai và đến nay đã có 54 dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng và 26 dự án đang thực hiện đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 4.000 tỷ đồng và 26 dự án đang lập thủ tục chuẩn bị đầu tư với vốn đăng ký là 5.000 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2006 đã đạt xấp xỉ con số 1000 tỷ. Với đặc thù của Gia Lai, xa trung tâm kinh tế lớn, hạn chế về giao thông và là vùng biên giới thì kết quả thu hút đầu tư như ở Gia Lai là rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cũng đã thú thật rằng có bị Chính phủ thổi còi vì xé rào và tỉnh phải bãi bỏ 2 quy định về thu hút đầu tư. Mong muốn của tỉnh là cần có cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù, thu hút đầu tư cho khu vực này, đặc biệt là chính sách đầu tư vốn ODA vì từ trước đến nay Gia Lai chưa được thụ hưởng nguồn vốn của chương trình này.

Được coi là trung tâm của Tây Nguyên, Đăk Lăk là tỉnh có tốc độ phát triển mạnh mẽ hơn cả, bộ mặt đô thị khang trang hơn. Là nơi tập trung trường đại học, cao đẳng, dạy nghề của khu vực. Theo như Chủ nhiệm UB Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên thì Đăk Lăk có tốc độ phát triển rất ấn tượng và lần đầu tiên trong năm 2006 tỉnh đã gia nhập Câu lạc bộ các tỉnh có thu ngân sách trên 1000 tỷ đồng. Phát huy thế mạnh của cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu…tỉnh đã tăng cường đầu tư chiều sâu năng lực chế biến. Chú trọng phát triển thủy điện bằng nhiều nguồn vốn khác nhau trở thành ngành công nghiệp của tỉnh trong thời gian tới. Đăk Lăk là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công tác của Chủ tịch QH và đoàn. Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của thành phố cao nguyên nhưng cũng không khỏi tiếc nuối bởi thành phố cao nguyên vẫn chỉ đẹp trong các bài hát, câu ca mà chưa đủ sức lan tỏa, hấp dẫn, chưa đủ sức để phát triển, thu hút khách du lịch bốn phương.

Chỉ biết đến ly cà phê Ban Mê, đến rừng cao su ngút ngàn, đến hồ tiêu, đến những chú voi buôn Đôn và cả không gian cồng chiêng qua sách vở, qua các thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai, hay cà phê Trung Nguyên…qua lời gọi mời của những con người Tây nguyên- đến với Tây Nguyên đi…Nhưng thật khó bởi dường như Ngành Du lịch Tây Nguyên vẫn chưa sẵn sàng… Lại là một điều khó cho những người yêu mến Tây Nguyên.  

Theo Phó Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khanh thì nếu xét về địa chính trị, địa kinh tế, địa quân sự, thì Tây Nguyên có rất nhiều tiềm năng nhưng câu hỏi tại sao nhiều tiềm năng như vậy mà chỉ có mỗi Đắk Lắk gia nhập CLB 1000 tỷ. Phải tìm cho ra lý do cản trở sự phát triển của Tây Nguyên để có hướng khắc phục. Chủ tịch HĐDT Tráng A Pao thì bức xúc với tỷ lệ hộ nghèo của các tỉnh Tây Nguyên khi phần lớn đều tập trung vào đồng bào dân tộc thiểu số, khi có tỉnh lên tới hơn 88% hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Đó cũng đang là thách thức đối với các tỉnh Tây Nguyên. Rồi vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số cũng là một khó khăn của các tỉnh Tây Nguyên. Bởi cán bộ có trình độ ở Tây Nguyên đã thiếu, cán bộ người dân tộc còn thiếu hơn.  Mặc dù các tỉnh Tây Nguyên cũng đã rất chú ý đến đào tạo nguồn nhân lực của đồng bào dân tộc thiểu số, song đây vẫn là vấn đề đau đầu của lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên. Chủ nhiệm UB Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên quan tâm nhiều hơn đến kiến nghị của các tỉnh Tây Nguyên về chính sách hỗ trợ NSNN và cơ chế thu hút đầu tư đặc thù của Tây Nguyên về phân bổ nguồn thu, định mức chi của các tỉnh đặc thù, về việc thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước… thực hiện theo thẩm quyền của QH sẽ kiến nghị, đôn đốc Chính phủ giải quyết.

Khó khăn, kiến nghị là nhiều, và kiến nghị nào của các tỉnh Tây Nguyên cũng là chính đáng cả vì đều xuất phát từ bức xúc của thực tế địa phương. Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng vẫn cho rằng trước mắt địa phương phải phát huy tính chủ động đề ra các giải pháp để cùng Trung ương giải quyết khó khăn vướng mắc đó, chứ không nên thụ động trông chờ. Nhấn mạnh đến vị trí nhạy cảm của Tây Nguyên đối với cả nước, qua thăm và làm việc 3 tỉnh Tây Nguyên, Chủ tịch vui mừng khi thấy bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội thì lãnh đạo các tỉnh Tây nguyên cũng luôn đặt nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị lên hàng đầu và coi đó là nhiệm vụ trọng yếu. Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã thực hiện tốt công tác xây dựng bộ máy chính quyền, đặc biệt cấp cơ sở để gần gũi với người dân hơn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân và điều quan trọng như Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đó là đảm bảo yên dân, người dân tin tưởng vào bộ máy chính quyền. Chia sẻ với những khó khăn của các tỉnh Tây nguyên cũng là trăn trở của người đứng đầu QH với mong mỏi Tây Nguyên phát triển hơn nữa đúng với tiềm năng sẵn có của mình. Nhà nước đã có Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, sắp tới Bộ Chính trị cũng sẽ có nghị quyết riêng về Tây Nguyên, và QH sẽ thực hiện theo đúng chức năng của mình để phát triển Tây Nguyên, để đất và người Tây Nguyên… đẹp như một tiếng chiêng…

Ghi chép của Hồng Anh

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)