Đường Hồ Chí Minh phải là con đường văn hóa

16/01/2007

Đường mòn Hồ Chí Minh đã đi vào huyền thoại qua cuộc kháng chiến chống Mỹ. Và nay, đường Hồ Chí Minh- nội dung đã được QH phê chuẩn qua Nghị quyết số 38/2004/QH11 sẽ trở thành một con đường huyết mạch, phá thế độc đạo của quốc lộ 1A, hình thành trục dọc xuyên Việt góp phần phát triển phía Tây đất nước…

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác của QH đã đi thị sát suốt dọc chiều dài của đoạn đường Hồ Chí Minh giai đoạn I từ điểm khởi đầu Hòa Lạc, Hà Tây đến Tân Cảnh, Kon Tum dài 1.350km.

Giai đoạn I dự kiến kết thúc vào cuối năm 2006, nhưng rồi, do nhiều phát sinh nên các hạng mục công trình phải lùi sang năm 2007 và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2007. Ngoài một số điểm đen, chủ yếu do gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng thì tuyến đường Hồ Chí Minh giai đoạn I cơ bản đã hoàn thành, đã thông thoáng, cơ bản đạt yêu cầu về kỹ thuật và chất lượng. Tuy nhiên, đường vẫn chưa có nhiều phương tiện tham gia giao thông, nếu không muốn nói là quá ít. Theo như Chủ nhiệm UB Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên thì con đường làm ra không chỉ đơn thuần là con đường mà còn phải gắn với việc phân bổ dân cư, gắn với phát triển dịch vụ…có như vậy mới đảm đương được nhiệm vụ phân luồng giao thông, giảm tải lưu lượng xe trên quốc lộ 1A. Hiện tại, dọc đường Hồ Chí Minh (đang ở giai đoạn I) hầu như không thể tìm được các dịch vụ cần có của con đường cao tốc như điểm dừng, điểm sửa chữa, cung cấp xăng dầu, bưu điện…ngoại trừ những đoạn đường đi qua các thị trấn, thị xã. Nhưng những điểm này cũng rất là hãn hữu.

Đường làm ra để đi, nhưng rất ít phương tiện đi. Đó là cảm nhận chung của các ĐBQH thành viên trong đoàn công tác. Nói như Phó chủ nhiệm VPQH Trần Ngọc Đường thì nếu nhận xét là lãng phí thì cũng chưa hẳn bởi thực tế con đường chưa đưa vào sử dụng, nhưng rõ ràng cần phải có các biện pháp đồng bộ kèm theo để phát huy hiệu quả kinh tế và ý nghĩa xã hội của con đường này.

Trước thực tế này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã đặc biệt lưu ý với lãnh đạo các tỉnh Thừa Thiên Huế, Kon Tum... về việc cần xây dựng kế hoạch tổng thể để sớm đưa vào khai thác những tuyến đường đã hoàn thành. Để làm được điều này cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành và các địa phương nơi có đường Hồ Chí Minh đi qua. Được biết, Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục du lịch cũng đã có dự kiến phối hợp để xây dựng các trạm nghỉ, khu dịch vụ dọc hai bên đường Hồ Chí Minh... Quy hoạch về xây dựng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh của Bộ Xây dựng, Chương trình trồng rừng góp phần làm đẹp thêm cảnh quan môi trường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Dự án tuyến cáp quang của Bộ Bưu chính viễn thông; Quy hoạch các điểm cung cấp xăng dầu của Bộ Thương mại... Nhưng cho đến nay cũng chỉ mới là dự kiến và mới chỉ là nghe nói thế thôi... Ngay cả Bộ Giao thông vận tải cũng đã rất sốt ruột khi thấy tiến độ triển khai các dự án trên chậm làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút phương tiện tham gia giao thông trên đường Hồ Chí Minh. Cùng với biện pháp đó, các đại biểu trong đoàn cũng đề cập đến giải pháp cần xây dựng các hệ thống đường ngang nối đường Hồ Chí Minh với các quốc lộ khác để tạo điều kiện cho các con đường này có thể hỗ trợ lẫn nhau vào thời kỳ cao điểm và nhất là khi xảy ra sự cố bão lũ... 

Qua kiểm tra tình hình thực tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đường Hồ Chí Minh có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng cả về quân sự và phát triển kinh tế; có ý nghĩa chính trị to lớn cả trong lịch sử cũng như trong hiện tại và tương lai. Thế nhưng để phát huy được hiệu quả thì các đơn vị liên quan cần tập trung triển khai và thực hiện các dự án đang còn trên giấy... Cần, rất cần... bởi nếu càng chậm trễ sẽ lại càng kéo dài hơn thời gian lãng phí của con đường...

Đường làm xong, ít người đi.

Không những thế, việc vi phạm hành lang an toàn của tuyến đường Hồ Chí Minh cũng xảy ra ở nhiều nơi, chủ yếu là việc lấn chiếm và xây dựng công trình trái phép trong hành lang an toàn của tuyến đường. Nếu không xử lý và giải quyết dứt điểm thì đây sẽ là nguy cơ cho việc giải phóng mặt bằng cho giai đoạn II với việc mở rộng từ 2 làn xe lên 8 làn xe dự kiến vào năm 2020. Giải quyết vấn đề này chỉ trông chờ chủ yếu vào sự sâu sát, cương quyết của chính quyền địa phương nơi có đường đi qua. Đây cũng là vấn đề mà Chủ tịch HĐDT Tráng A Pao đặc biệt quan tâm khi đi kiểm tra, thị sát tuyến đường này. Cần giao nhiệm vụ, phân công  và quy trách nhiệm cụ thể rõ ràng cho chính quyền địa phương nơi có tuyến đường đi qua để bảo vệ và quản lý hành lang an toàn của con đường... Nhưng vẫn chỉ là kiến nghị, bởi hiện tại vẫn không ít những trường hợp vi phạm, bởi tính đến tháng 8.2006 đã có khoảng 1.930 trường hợp vi phạm, trong đó mới xử lý được 230 trường hợp.

Việc vi phạm hành lang an toàn tuyến đường không chỉ là nguy cơ tiềm ẩn cho giai đoạn II trong công tác giải phóng mặt bằng mà ngay trong giai đoạn I, công tác giải phóng mặt bằng cũng đã là một trở ngại ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công của dự án. Mặc dù tuyến đường giai đoạn I đã cơ bản hoàn thành nhưng cục bộ trên một số đoạn tuyến vẫn chưa được bàn giao mặt bằng như đoạn Hà Tây, Hòa Bình, Thanh Hóa, Kon Tum... Theo ý kiến của UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các địa phương áp dụng chính sách đêçn bù không thống nhất, không hợp lý, tổ chức tái định cư không tốt, thiếu sự hợp tác chặt chẽ trong việc thực hiện chính sách giải phóng mặt bằng, thiếu chính xác, thiếu sự hợp tác chặt chẽ giữa các địa phương và Ban quản lý. Phần lớn vẫn lại là trách nhiệm của địa phương...

Giai đoạn I cơ bản hoàn thành nhưng vấn đề vốn vẫn làm đau đầu các nhà đầu tư và với cả các ĐBQH. Bởi tiền ngân sách bỏ ra là tiền đóng thuế của người dân và QH, các ĐBQH cần phải biết được những đồng tiền bỏ ra được tiêu đúng chỗ. Thực hiện giai đoạn I của dự án, nguồn vốn đội lên khá lớn. Theo giải trình của Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh Phạm Hồng Sơn thì một phần là do trượt giá, một phần do nhiều hạng mục phát sinh... Cuối năm 2006, Thanh tra Chính phủ cũng đã có kết luận chưa có tham nhũng nhưng khâu nghiệm thu, thanh toán dự án đường Hồ Chí Minh (giai đoạn I) cũng còn thiếu sót, sai phạm trong việc gây thất thoát, lãng phí và sử dụng sai mục đích... Thủ tướng Chính phủ cũng đã có kết luận xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể để xảy ra thiếu sót, sai phạm... Quốc hội, các ĐBQH chờ đợi việc xử lý nghiêm minh của Chính phủ để báo cáo với cử tri cả nước.

Đi kiểm tra, không phải chỉ là đi để biết. Với QH, với các ĐBQH đi kiểm tra để xác minh lại những điều mình đã biết, để chấn chỉnh, để đôn đốc, và ghi nhận kiến nghị của địa phương để làm cơ sở cho chất vấn, cho giám sát tối cao, để nâng cao trách nhiệm của QH với những vấn đề QH quyết định. Và Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác của QH đi kiểm tra tình hình thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh cũng không nằm ngoài mục đích ấy... Kiểm tra, giám sát để thúc đẩy, để Quốc hội mạnh lên, Chính phủ mạnh lên, các bộ ngành mạnh lên...

Nên nhớ, đường Hồ Chí Minh là con đường xẻ dọc Trường Sơn- Con đường của kinh tế, an ninh - quốc phòng và phải là con đường văn hóa.

Con đường của tương lai.

Ghi chép của Hồng Anh

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)