Hội nghị Cấp cao Ðông Á lần thứ hai: Thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực

19/01/2007

Tại Hội nghị Cấp cao Ðông Á (EAS) lần thứ 2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam sẽ cùng tất cả các nước thành viên ASEAN tích cực góp phần làm cho hoạt động của EAS trở thành nhân tố thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ðông Á.

Theo đặc phái viên TTXVN, tiếp theo Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 12 và các Hội nghị liên quan, ngày 15-1, tại Cebu (Philippines), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dự Hội nghị Cấp cao Ðông Á (EAS) lần thứ 2 với sự tham dự của lãnh đạo mười nước ASEAN và sáu nước đối tác, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ, Australia và New Zealand.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, EAS đang ở trong giai đoạn đầu và các nước cần tích cực tìm kiếm các phương cách thích hợp để phát triển và hoàn thiện cơ chế hợp tác này, hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng Ðông Á. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ cùng tất cả các nước thành viên ASEAN tích cực góp phần làm cho hoạt động của EAS trở thành nhân tố thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ðông Á.

Tại hội nghị EAS lần này, an ninh năng lượng - vấn đề có tính thời sự cao, thu hút sự quan tâm của cả thế giới, đã trở thành nội dung chính được lãnh đạo các nước tham gia EAS tập trung thảo luận. Ðể tăng cường hơn nữa sự hợp tác khu vực trong lĩnh vực này, lãnh đạo các nước Ðông Á đã ký ‘‘Tuyên bố Cebu về An ninh năng lượng Ðông Á’‘, cam kết đẩy mạnh hợp tác tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế, sử dụng hiệu quả và bảo tồn các nguồn năng lượng hiện có, bảo đảm cung cấp nguồn năng lượng ổn định cho sự phát triển của các nước trong khu vực.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố sáng kiến của Chính phủ Nhật Bản về tăng cường hợp tác Ðông Á, trong đó có sáng kiến an ninh năng lượng nhằm bảo đảm nguồn năng lượng sạch và sự tăng trưởng bền vững trong khu vực.

Ông Shinzo Abe cam kết Nhật Bản sẽ cung cấp cho các nước thành viên EAS khoản viện trợ phát triển chính thức (ODA) trị giá hai tỷ USD nhằm thực hiện các dự án liên quan năng lượng trong ba năm tới. Ngoài ra, trong 5 năm tới, Nhật Bản sẽ giúp các nước thành viên đào tạo 1.500 cán bộ trong lĩnh vực năng lượng và thành lập một trung tâm tiết kiệm năng lượng của châu Á.

Các nhà lãnh đạo EAS đã dành thời gian trao đổi ý kiến về hướng phát triển tương lai của Cấp cao Ðông Á; nhất trí thúc đẩy hợp tác trên năm lĩnh vực ưu tiên gồm năng lượng, tài chính, giáo dục, phòng chống cúm gia cầm và giảm nhẹ thiên tai. Các nhà lãnh đạo khẳng định lại tầm quan trọng của Hội nghị Cấp cao Ðông Á như một diễn đàn đối thoại về các vấn đề chiến lược ở khu vực và là bộ phận không thể tách rời của các cấu trúc khu vực, trong đó có ASEAN+3, đồng thời nhấn mạnh vai trò chủ đạo của ASEAN trong tiến trình này.

* Ngày 14-1, các nước Ðông-Nam Á đã thúc giục CHDCND Triều Tiên hủy bỏ bất cứ kế hoạch nào liên quan việc thử hạt nhân lần thứ hai và giải quyết mối lo ngại của thế giới về tình hình nhân đạo ở nước này.

Trong Tuyên bố chung đưa ra sau Hội nghị cấp cao hằng năm Hiệp hội các quốc gia Ðông-Nam Á (ASEAN) tổ chức tại Cebu (Philippines), các nước ASEAN đã thúc giục Triều Tiên từ bỏ ý định tiến hành thêm các cuộc thử hạt nhân, thực hiện thỏa thuận về phi hạt nhân hóa mà nước này đã ký năm 2005 và tham gia trở lại Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Các nhà lãnh đạo ASEAN ủng hộ tiến trình đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và tuyên bố cộng đồng quốc tế ‘‘phải truyền đạt một cách rõ ràng với Triều Tiên rằng nước này phải phi hạt nhân hóa một cách có thể kiểm chứng’‘.

ASEAN cũng tái khẳng định ủng hộ các biện pháp trừng phạt mà Hội đồng Bảo an LHQ đã áp đặt chống Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành các cuộc thử tên lửa hồi tháng 7-2006 và vụ thử hạt nhân ngày 9-10-2006.

Cùng ngày, bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN, lãnh đạo ba nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng bày tỏ lo ngại về những ảnh hưởng của các vụ thử tên lửa và hạt nhân mới đây của Triều Tiên. Lãnh đạo ba nước cũng bảy tỏ lo ngại của cộng đồng quốc tế liên quan các vấn đề nhân đạo ở Triều Tiên. Tuyên bố của hội nghị nhấn mạnh là ba quốc gia lớn của khu vực Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc có trách nhiệm gánh vác trách nhiệm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển cho khu vực.

* Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 15-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ðoàn Chính phủ Việt Nam đã rời TP Cebu (Philippines) về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 12 và các hội nghị liên quan từ 12 đến 15-1. Kết quả của các hội nghị lần này đã tạo động lực mới cho tiến trình hình thành một Cộng đồng ASEAN liên kết chặt chẽ, năng động, hiệu quả và mở rộng.

(Nhân dân điện tử)