Phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL phải gắn chặt với thế mạnh kinh tế đặc thù

08/12/2010

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ngày 4-12 yêu cầu, các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL khi quy hoạch phát triển nguồn nhân lực phải gắn chặt với tiềm năng thế mạnh kinh tế đặc thù của địa phương mình và của khu vực.

Tại Hội nghị Quy hoạch phát triển nhân lực khu vực ĐBSCL giai đoạn 2011-2020 ngày 4-12, tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý các tỉnh, thành trong khu vực, cần rà soát lại các số liệu cho thật chính xác và cụ thể. Nhất là các con số về nhu cầu lao động phải hết sức rõ ràng cụ thể cho từng lĩnh vực: nông – lâm – ngư nghiệp, công nghiệp- xây dựng và dịch vụ; phải chỉ rõ nhu cầu lao động cần được đạo tạo theo từng ngành, nghề; nhu cầu đạo tạo trong tỉnh, ngoài tỉnh… để từ đó có các chính sách đi kèm phù hợp.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ĐBSCL có dân số gần 18 triệu người, chiếm 20,5% dân số cả nước. Lực lượng lao động toàn vùng khoảng 10 triệu người. Từ năm 2000 đến nay, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên khá nhanh, tuy nhiên tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của vùng vẫn thấp so với cả nước và có chênh lệch khá lớn giữa các tỉnh, thành trong khu vực. Hiện có đến 93,4% lao động chưa có chứng chỉ nghề, lao động có trình độ sơ cấp chỉ chiếm 1,4%, trung cấp là 2,2%, cao đẳng là 0,9% và đại học là 2,1%. Tỷ lệ lao động trong nông-lâm-ngư nghiệp có giảm, nhưng vẫn chậm hơn so cả nước.

Toàn vùng hiện có 11 trường đại học và một phân hiệu đại học, có 27 trường cao đẳng, mạng lưới cơ sở dạy nghề có hơn 300 cơ sở. Hạn chế lớn nhất là chất lượng nguồn nhân lực, các chỉ số về giáo dục, đào tạo, dạy nghề còn thấp xa so với bình quân chung cả nước. Tỷ lệ học sinh THPT đi học đúng độ tuổi mới đạt 43%, tỷ lệ sinh viên bình quân mới đạt 85/10.000 dân, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 26%, trong đó qua đào tạo nghề là 20,6%. Chính vì vậy, kinh tế trong vùng tăng trưởng không ổn định và chưa đi vào chiều sâu, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đưa tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất còn chậm, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp.

Định hướng và giải pháp về phát triển nguồn nhân lực cho ĐBSCL là phấn đấu đến 2015 đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn vùng lên 45% và năm 2020 là 60%. Để đạt được mục tiêu này, các tỉnh, thành trong khu vực cần nắm chắc cung cầu lao động làm căn cứ để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, gắn cung cầu lao động của vùng với vùng kinh tế trọng diểm và xuất khẩu lao động. Chú trọng tạo việc làm, nâng cao chất lượng việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Tăng đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm. Để tạo thêm việc làm cần chú trọng việc đầu tư phát triển các vùng chuyên canh, thực hiện tốt công tác khuyến công, phát triển nghề truyền thống…

Tại hội nghị, các tỉnh thành phố đã xây dựng Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của đơn vị mình khá công phu. Tuy nhiên, cần có sự thống nhất về các chỉ tiêu giữa các tỉnh, thành phố để việc tổng hợp nhu cầu đào tạo nghề, xây dựng mạng lưới trường lớp… được chính xác.

Phó Thủ tướng giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối kết hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động Thương binh và Xã hội cùng 13 tỉnh, thành phố trong khu vực vận hành quy hoạch này, với quyết tâm sang năm 2011 đưa ra được quy hoạch danh mục các trường đại học, cao đẳng, trường nghề cần phát triển trên địa bàn; các tỉnh, thành phố trong khu vực triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực của đơn vị mình.

 

Đặng Văn Bường

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác