Ông Phạm Minh Tuyên, Tổng Thư ký Hội đồng Bầu cử: Đã thành lập xong Ủy ban Bầu cử các cấp

18/02/2011

Những văn bản cần thiết để hướng dẫn cuộc bầu cử cũng đã hoàn tất và được ban hành.

Cùng với Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 vào tháng 5 tới là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của đất nước trong năm 2011. Sự vào cuộc của các cấp, ngành và nhân dân trong công tác chuẩn bị sẽ là nhân tố quan trong cho sự thành công của Đại hội. Và đến 16/2, theo như quy định, các tỉnh, thành, huyện, xã trên cả nước đã thành lập xong Ủy ban Bầu cử.

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Phạm Minh Tuyên, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu, Tổng Thư ký Hội đồng Bầu cử.

** Xin ông cho biết, công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đến thời điểm này (thời hạn các địa phương hoàn tất việc lập Ủy ban Bầu cử) đã được triển khai đến đâu?

Ông Phạm Minh Tuyên: Công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đã được Bộ Chính trị chỉ đạo rất sớm. Ngay từ tháng 3/2010, Bộ Chính trị đã giao cho Đảng đoàn Quốc hội xây dựng một Đề án tổng thể và những vấn đề cụ thể về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Đến ngày 16/2, các tỉnh đã thành lập xong Ủy ban Bầu cử. Đối với các cơ quan Trung ương, trong phạm vi, trách nhiệm và quyền hạn của mình, những văn bản cần thiết để hướng dẫn cuộc bầu cử cũng đã hoàn tất và được ban hành.

** Trong Hội nghị toàn quốc về triển khai công tác bầu cử vừa rồi, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác hiệp thương cũng như việc tổ chức để các đại biểu giao lưu với cử tri. Ông đánh giá như thế nào về công tác này trong cuộc bầu cử lần này?

Ông Phạm Minh Tuyên: Những năm trước đây cũng như những kỳ bầu cử trước đây, việc hiệp thương lựa chọn đại biểu ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân đã được quy định rất rõ. Thứ nhất,  phải đảm bảo tôn trọng quyền tự do ứng cử của mỗi công dân. Thứ hai, quyền này được thông qua sự giới thiệu, nhận xét, đánh giá của cử tri nơi cư trú.

Và một điều quan trọng nữa là quá trình phát biểu của người ứng cử trước nhân dân, trước cử tri về việc làm của mình, về trách nhiệm của mình khi được bầu làm đại biểu Quốc hội, khi được bầu làm đại biểu Hội đồng Nhân dân.

Đây có thể nói, chính là những lời hứa của các đại biểu trước khi ứng cử vào đại biểu Quốc hội, vào Hội đồng Nhân dân các cấp. Những phát biểu ấy sẽ được cử tri giám sát và hàng năm những đại biểu này, qua quá trình tiếp xúc phải báo cáo lại với cử tri nơi mình ứng cử về quá trình hoạt động của mình tại Quốc hội cũng như Hội đồng Nhân dân các cấp, xem các đại biểu có đáp ứng được những yêu cầu mà mình đã hứa với cử tri hay không?

** Thưa ông, từ kinh nghiệm của các cuộc bầu cử trước cũng như những điểm mới của cuộc bầu cử lần này, theo ông, đâu là những nhân tố quyết định để chúng ta thực hiện thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử Hội đồng Nhân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016?

Ông Phạm Minh Tuyên: Để đảm bảo cho thắng lợi của cuộc bầu cử, theo tôi có có hai nhân tố cực kỳ quan trọng. Thứ nhất, là các cấp ủy Đảng, các tổ chức chính trị xã hội phải thực sự vào cuộc, như lời Tổng Bí thư đã nói: “Đây là một nhiệm vụ trọng tâm”. Thứ hai, mọi cử tri nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy đầy đủ nhất quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc lựa chọn đại biểu xứng đáng nhất để bầu vào Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

Nếu hai yếu tố này chúng ta làm tốt, phối hợp đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ của các cơ quan trong hệ thống chính trị và phát huy cao độ vai trò của các cử tri và các cử tri cũng tự giác, trách nhiệm trong việc lựa chọn đại biểu, chắc chắn cuộc bầu cử sẽ thành công tốt đẹp./.

** Xin cảm ơn ông./.

 

 

Nguyễn Huy Nam (thực hiện)

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác