Nhà máy điện hạt nhân: Cân nhắc trước khi có quyết định cuối cùng

01/04/2011

Nếu như hệ thống cảnh báo động đất và sóng thần Nhật Bản có đến 1.000 trạm thì Việt Nam mới chỉ có 24 trạm. Nguy cơ xảy ra động đất và sóng thần của Việt Nam cũng khá lớn. Vì thế, nhiều nhà khoa học đề xuất nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định phương án xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Miền trung có nguy cơ hứng chịu sóng thần nhiều nhất

Tại Hội thảo về “Động đất sóng thần ngày 11-3 tại Nhật Bản và những kinh nghiệm rút ra đối với Việt Nam” do Hội Kiến tạo địa chất và Hội Khoa học - Kỹ thuật Địa lý Việt Nam tổ chức ngày 29-3, GS, TS Bùi Công Quế cho biết, các vùng nguồn gây ra động đất và sóng thần trên biển Đông gồm: đới hút chìm Manila, đới đứt gãy Bắc Luzon – nam Đài Loan, vùng đứt gãy Bắc biển Đông, vùng đứt gãy Tây biển Đông, đới đứt gãy Palawan – Borneo.

Ông Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm cảnh báo động đất và sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu Việt Nam cho biết, trong đó, đới hút chìm Manila (máng nước sâu Manila) được cho là có nguy cơ cao nhất. Trong khu vực này đã xảy ra một trận động đất cường độ 8,2 độ richter ngày 26-5, may thay trận động đất này đã không gây nên sóng thần.

GS, TS Phan Trọng Trịnh, Phòng Địa động lực, Viện Địa chất cũng cho biết, các nhà khoa học Mỹ, Singapore, Đài Loan cũng dự báo có năng động đất gây sóng thần xảy ra ở đới hút chìm Manila. Độ lớn động đất được đánh giá khác nhau từ 8.4 tới 9.0 độ richte. Tốc độ tại đới hút chìm Malina cũng được đánh giá từ 78 tới 80 mm/năm, xấp xỉ với tốc độ cuốn chìm của mảng Thái Bình Dương xuống dưới mảng Bắc Mỹ.

Rút kinh nghiệm từ trận động đất Nhật Bản, cần phải xem xét đánh giá lại độ lớn của trận động đất có thể xảy ra ở Malina. Khoảng thời gian lan truyền tới bờ biển Việt Nam là hai giờ đồng hồ. Vùng chịu tác động mạnh nhất sóng thần là Đà Nẵng kéo tới Ninh Thuận, đáng chú ý những vùng thấp thuộc Quảng Ngãi, Đà Nẵng…, ông Thịnh nói

Theo các kịch bản đã tính toán bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu một trận động đất cường độ 8,3 độ richter xảy ra ở khu vực rãnh nước sâu Manila thì có thể tạo nên sóng thần cao 5,2m ở Quảng Ngãi và 2,1m ở Nha Trang. Một trận động đất có cường độ 9,2 độ richter ở cùng khu vực có thể tạo ra sóng thần cao 10,6m ở Quảng Ngãi và 5m ở Nha Trang, và thời gian sóng thần đi từ vùng rãnh nước sâu Manila tới vùng bờ biển Việt Nam sau khoảng hai tiếng đồng hồ. Về mặt khoa học các trận động đất có cường độ lớn hơn 6,5 độ richter ở các vùng biển có khả năng gây ra sóng thần, như vậy nguy cơ sóng thần ở vùng bờ biển Việt Nam là hiện hữu và cần phải được quan tâm. “Và nơi có nguy cơ hứng chịu sóng thần lớn nhất chính là miền trung và nam Trung Bộ”, ông Phương nói.

Nghiên cứu mới do GS, TS Bùi Công Quế làm chủ nhiệm nhằm đánh giá độ nguy hiểm của động đất và sóng thần ở vùng ven biển thêm lục địa Việt Nam cũng đã đưa ra 20 kịch bản khác nhau về sóng thần. Theo đó, trong chu kỳ 2.500 năm, sóng thần ở khu vực Trung Bộ có thể đạt đến 15m, chu kỳ 500 năm thì có thể cao 5-6m.

Không chỉ có nguy cơ sóng thần từ các vùng biển khác, theo một số nhà khoa học, rất có thể nguy cơ sóng thần đến ngay từ Biển Đông, nơi có đới đứt gãy kinh tuyến 109-110. Nếu GS, TS Phan Trọng Trịnh cho rằng tất cả những đới đứt gãy trên Biển Đông đều là đứt gãy trượt bằng, nên không có khả năng gây ra sóng thần, thì nhiều nhà khoa học lại cho rằng đới đứt gãy 109 có thể tạo ra sóng thần.

TSKH Trương Minh, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ KHKT Tổng Cục dầu khí, Phó Viện trưởng Viện Vật lý dầu khí, nay là Phó Chủ tịch Hội Địa vật lý nói, đới đứt gãy theo kinh tuyến 109 rất sâu, rất dài, chạy suốt từ vịnh Bắc Bộ trong đất liền qua rất gần miền trung, xuống miền nam. Đới đứt gãy này có thể liên quan đến việc xảy ra động đất ở miền trung như ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận...

Theo tài liệu trong ngành dầu khí mà TS Trương Minh được tiếp cận, có một vùng sụt lún ở phía đông thuộc đới đứt gãy này, tạo nên một vùng biển xanh nước rất sâu ở miền trung, chỉ cách Ninh Thuận mấy chục kilômét.

GS, TSKH Đặng Văn Bát, nguyên chủ nhiệm Khoa Địa chất Trường ĐH Mỏ Địa chất tiếp lời, độ cao địa của Bình Thuận, Ninh Thuận là 300m so với mực nước biển, sau đó dốc theo sườn ra biển đến độ sâu 2.000-3.000m nước, trong một khoảng cách rất hẹp. “Tại đới đứt gãy này, GS Phan Trọng Thịnh đã xác định là nó trượt bằng với biên độ không lớn, nhưng hiện nay chuyển động đứng của nó chưa ai xác định được”, ông nói. Điều này gây khó khăn khi tính toán tốc độ chuyển động của khối, di chuyển của đới đứt gãy. Ở đây, xói lở ngầm dưới đáy biển xảy ra tương đối mạnh.

Cân nhắc để không phải chịu “thảm họa kép”

Từ những lý giải này, nhiều nhà khoa học kiến nghị nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.

“Việc đặt các nhà máy điện nguyên tử trong vùng có nguy cơ động đất sóng thần cao như Nhật Bản là một việc làm đáng rút kinh nghiệm”, GS, TS Phan Trọng Thịnh nói. “Chúng tôi kiến nghị khi xây dựng nhà máy điện nguyên tử phải hết sức chú ý khả năng tác động của sóng thần vì công trình cũng dự kiến xây dựng gần bờ”.

Tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản, ngày 11-3, động đất làm rung chuyển nhà máy và hư hỏng hệ thống làm mát, tiếp theo sóng thần ập vào làm hỏng hệ thống điện nên nhà máy không có điện bơm nước để làm mát máy, vì thế xảy ra nguy cơ nổ và phát tán phóng xạ. Nếu làm nhà máy ven biển thì dễ xảy ra hai hiệu ứng kép ấy, TS Trương Minh giải thích.

Ông Minh nói, theo bản thiết kế, 1/3 diện tích nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ nằm ngoài biển. Nếu ảnh hưởng động đất của đới đứt gãy Manila tại Philippines có thể lan truyền đến và gây sóng thần cao 10m. Trong trường hợp ấy, xây dựng nhà máy điện hạt nhân ven biển có thể sẽ phải hứng chịu hậu quả nặng nề như nhà máy của Nhật Bản. Trong trường hợp này, nhà máy điện hạt nhân gần biển có thể gây ô nhiễm rất rộng do lan truyền phóng xạ trong nước biển, mà biển có dòng đối lưu có thể chuyển ô nhiễm đó đi nhiều nơi.

Ông Minh đặt vấn đề có nên xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở ven biển không, hay nên đưa vào vùng núi, thậm chí có thể đưa vào hang động, trong trường hợp có sóng thần có thể tránh được, hoặc nếu có sự cố thì sẽ dễ xử lý bằng cách lấp miệng hang.

Ông Minh cũng không đồng ý với một số nhà khoa học đề xuất nâng cao nền nhà máy điện hạt nhân lên để chống sóng thần. “Nếu sóng thần cao đến 10m thì sẽ nâng lên bao nhiêu? Vấn đề nâng lên không đơn giản bởi vì tất cả nhà máy nằm trên vị trí đó thì thông thường xây dựng phải có nền móng chắc chắn, nếu kết cấu không tốt dễ gây ra hiện tượng sụt lún làm nổ nhà máy”.

Không như TS Trương Minh, GS Đặng Văn Bát cho rằng không cần thiết phải chuyển địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. “Về nguyên tắc thì dù động đất cấp mấy, chỗ nào cũng có thể xây dựng được, chỉ trừ trường hợp trên những đới đứt gãy đang hoạt động mạnh”. Xây dựng nhà máy điện hạt nhân là chủ trương của nhà nước ta. Theo GS Bát, việc cần làm là điều tra cụ thể, đánh giá thật chính xác để có kháng chấn thật an toàn. Nếu nhà máy được thiết kế để chịu được kháng chấn ở mức 9 độ richte thì có nghĩa là về lý thuyết, khi xảy ra động đất ở mức đó vẫn có thể an toàn.

TS Lê Chí Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn phóng xạ hạt nhân, cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định an toàn dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cho rằng, những ý kiến của các nhà khoa học tại hội thảo rất bổ ích. Nhưng việc quyết định địa điểm thi công chỉ còn vài ba năm nữa, liệu thời gian đó có đủ để nghiên cứu, đánh giá lại các đứt gãy đang hoạt động ở đây?

Quy định của các nước có nhiều tiêu chí loại trừ, nhưng có hai tiêu chí loại trừ quyết định đó là: nếu địa điểm nhà máy điện hạt nhân nằm trên điểm đứt gãy đang hoạt động; và nếu xảy ra động đất cường độ cực đại trong 1.000 năm. Khái niệm động đất cường độ cực đại theo Nga quy định là 9 độ MSK. Còn trong bản dự thảo của mình, Việt Nam quy định là 8 độ MSK. (Thang MSK-64 gồm 12 cấp, được Hội đồng địa chấn châu Âu thông qua năm 1964. 8 độ MSK tương đương khoảng từ 6 đến 6,8 độ richte).

Vì an toàn là trên hết, mà Cục An toàn phóng xạ hạt nhân giám sát sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân, nên ông Dũng kêu gọi các nhà khoa học cho ý kiến về vấn đề này.

 

 

HỒNG VÂN

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác