Đẩy mạnh hợp tác kinh tế Việt Nam-Campuchia

25/04/2011

Kim ngạch thương mại song phương từ 950 triệu USD năm 2006 lên trên 1,8 tỷ USD trong năm 2010.

Chiều 24/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam rời Thủ đô Phnom Penh về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm làm việc tại Vương quốc Campuchia.

Trước khi rời Thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen đồng chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam-Campuchia lần thứ hai. Đây là kênh thông tin quan trọng giữa Chính phủ hai nước với với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cùng nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Trên 300 doanh nghiệp, trong đó phần lớn là các nhà đầu tư Việt Nam có mặt tại hội nghị cũng đã cho thấy tiềm năng hợp tác đầu tư vào Campuchia đang thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp trong nước. Thuận lợi trước hết là cơ sở pháp lý, Việt Nam và Campuchia đã ký hơn 60 văn kiện hợp tác song phương trong hầu hết các lĩnh vực, đồng thời hình thành các cơ chế hợp tác cần thiết, phù hợp với tình hình và yêu cầu phát triển của hai nước. Việt Nam và Campuchia cũng chủ động tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, thống nhất nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và phối hợp mở rộng, nâng cấp một số khu kinh tế cửa khẩu, chợ đường biên…

Nỗ lực từ cả hai phía đã góp phần tích cực đưa kim ngạch thương mại song phương từ 950 triệu USD năm 2006 lên trên 1,8 tỷ USD trong năm 2010. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng xúc tiến gần 90 dự án đã và đang chuẩn bị đầu tư vào Campuchia với tổng số vốn trên 2 tỷ USD, đưa Việt Nam là một trong ba nước có số vốn đầu tư lớn nhất vào tại Campuchia. Các dự án đầu tư của Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực trọng điểm như viễn thông, hàng không, nông nghiệp, trồng cao su, năng lượng, thủy điện, khai khoáng, ngân hàng…

Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam-Campuchia lần thứ hai là dịp để các bộ ngành và doanh nghiệp hai nước đánh giá lại tình hình đầu tư, cập nhật chiến lược phát triển kinh tế, các chính sách ưu đãi và cơ hội đầu tư vào Campuchia. Đây cũng là diễn đàn đối thoại giữa doanh nghiệp với Chính phủ, kênh thông tin quan trọng để Chính phủ hai nước kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là sớm ký kết Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần, Hiệp định kết nối hai nền kinh tế và có chính sách cụ thể hỗ trợ thuận lợi cho nhà đầu tư như mặt bằng sạch, cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao kinh nghiệm cho doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, hình thành kênh phân phối đồng bộ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch gắn kết giữa hai nước…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa hai nước, đồng thời khẳng định quyết tâm thúc đẩy, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia, nhất là các lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam và là tiềm năng của Campuchia như: viễn thông, hàng không, năng lượng, phát triển hạ tầng, du lịch và thương mại, nông sản, lâm nghiệp, trồng và chế biến cao su, khai thác và chế biến khoáng sản…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Chính phủ hai nước tiếp tục thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, duy trì thường xuyên cơ chế đối thoại giữa các cơ quan của Chính phủ hai nước nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động kinh doanh đầu tư ngày càng có hiệu quả. Thủ tướng khẳng định: Chính phủ và các bộ, ngành địa phương Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Campuchia đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cũng như đặc biệt quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp Việt nam đẩy mạnh đầu tư vào Campuchia.

Đánh giá cao kết quả kinh doanh và công tác an sinh xã hội của các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Campuchia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam khi kinh doanh đầu tư tại Campuchia cần tuân thủ luật pháp, phong tục truyền thống của nước sở tại, quan tâm tới giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội ở Campuchia...

Nêu bật môi trường đầu tư thuận lợi với nhiều lợi ích thiết thực đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư vào Campuchia, Thủ tướng Samdech Hun Sen khẳng định Chính phủ Campuchia tiếp tục tiến hành cải tổ mạnh mẽ trên một số lĩnh vực như thủ tục hành chính, chống tham nhũng… nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư tại quốc gia này… Thủ tướng Hun Sen kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng hợp tác đầu tư kinh doanh tại Campuchia và cam kết các nhà đầu tư Việt Nam sẽ được đối xử công bằng như các doanh nghiệp Campuchia trên tất cả các lĩnh vực đầu tư…

Ngay tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam-Campuchia lần thứ hai, hai Thủ tướng đã chứng kiến các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước ký kết các biên bản ghi nhớ xúc tiến và quản lý đầu tư, cấp giấy phép đầu tư dự án Hạ thủy điện Se San 2, các dự án liên quan đến sản xuất và kinh doanh sắn, mía đường, trồng cây cao su. Đại diện Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng đã trao giấy phép mở chi nhánh Ngân hàng đầu tư và phát triển Campuchia tại Hà Nội. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam cũng đã trao cho phía Campuchia hàng trăm nghìn USD để sử dụng vào lĩnh vực phát triển giáo dục vùng sâu, vùng xa, an sinh xã hội, đào tạo cán bộ chứng khoán, thể dục thể thao của Campuchia…

Cũng trong sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen đã cắt băng khai trương Công ty chứng khoán Việt Nam-Campuchia. Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam rời Thủ đô Phnom Penh về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm làm việc tại Vương quốc Campuchia./.

 

 

Thành Chung

(http://vov.vn/)

Các bài viết khác