Hội thảo khoa học "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hành trình tìm đường cứu nước"

02/06/2011

* Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và trình bày tham luận

Kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2011), ngày 31-5, tại thành phố Hồ Chí Minh, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo T.Ư, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo: "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hành trình tìm đường cứu nước".

Dự Hội thảo, có đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư BCH T.Ư Ðảng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ; Ðinh Thế Huynh, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; Trung tướng Trần Ðại Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh; Phan Ðình Trạc, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; Hà Ngọc Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; các đồng chí lão thành cách mạng; chức sắc tôn giáo; các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học xã hội, ngành sử học; giảng viên, giáo viên các học viện, trung tâm khoa học, trường đại học, trung học phổ thông và đại diện học sinh, sinh viên tại TP Hồ Chí Minh.

Các đồng chí: Nguyễn Văn Ðua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Ðăng Thành, Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh chủ trì Hội thảo.

Ðồng chí Ðinh Thế Huynh phát biểu ý kiến khai mạc Hội thảo, nêu rõ: Cách đây 100 năm, ngày 5-6-1911, từ Bến cảng Sài Gòn, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã ra đi tìm đường cứu nước. Ðó là thời điểm sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta bế tắc về đường lối, 'như trong đêm tối không đường ra'. Biết bao cuộc khởi nghĩa và phong trào yêu nước bị thực dân đàn áp, bị dìm trong bể máu và đều thất bại. Khi ấy, anh Ba (tên gọi của Bác Hồ lúc đó) ra đi với một lòng yêu nước cháy bỏng và một mẫn cảm, một sự nhạy bén chính trị tuyệt vời ẩn sau một thân phận rất đỗi bình thường, người phụ bếp trên chiếc tàu của Pháp. Nhưng, theo thời gian, thực tiễn lịch sử đã khẳng định, đó là sự mở đầu cho một cuộc hành trình vĩ đại, vô cùng gian lao, quả cảm và sáng tạo suốt 30 năm đi tìm chân lý, tìm con đường giải phóng cho cả dân tộc Việt Nam của Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh. Và thật là kỳ diệu, sự khởi đầu đó đã đi vào lịch sử dân tộc như một sự kiện lớn lao, một mốc son đánh dấu giai đoạn lịch sử vẻ vang, mở ra Cuộc hành trình của toàn dân tộc Việt Nam đoàn kết một lòng, kiên cường đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc; thống nhất non sông, vững bước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Vùng đất Sài Gòn - Gia Ðịnh năm xưa, TP Hồ Chí Minh ngày nay, trở thành điểm hẹn lịch sử trong cuộc hành trình vĩ đại của Bác; vừa là điểm đến của cuộc hành trình từ tuổi ấu thơ đến tuổi thành niên và vừa là điểm xuất phát, điểm khởi đầu của cuộc hành trình vĩ đại đi tìm chân lý, tìm con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam. Trong mọi giai đoạn cách mạng, TP Hồ Chí Minh đã xứng đáng với vị trí lịch sử đó của mình, cùng cả nước kiên cường chiến đấu, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đã trụ vững, chiến thắng và góp phần xứng đáng vào công cuộc đổi mới, đang nỗ lực phấn đấu để về đích trước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Với tất cả những cống hiến và thành tựu to lớn đó, vùng đất Sài Gòn - Gia Ðịnh - điểm hẹn lịch sử trong cuộc hành trình vĩ đại của Bác - thật xứng đáng, thật tự hào về vinh dự được mang tên Người -  thành phố Hồ Chí Minh.

Ðồng chí Ðinh Thế Huynh nhấn mạnh, trong những năm qua, đã có nhiều công trình khoa học đi sâu nghiên cứu về cuộc hành trình cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do ý nghĩa lịch sử sâu xa và giá trị lớn lao của cuộc hành trình đó đối với cách mạng Việt Nam, với dân tộc Việt Nam, chúng ta còn phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn. Cuộc Hội thảo hôm nay nhằm thực hiện công việc nhiều ý nghĩa nêu trên, không chỉ góp phần khẳng định sâu sắc hơn ý nghĩa và giá trị lịch sử lớn lao của cuộc hành trình vĩ đại đó, mà còn góp phần tìm ra những bài học lớn cho hiện tại và tương lai của dân tộc.

Ðọc Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Ðua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh nêu rõ: Mục đích của cuộc Hội thảo là nhằm nâng cao nhận thức và tôn vinh công ơn trời biển của Bác Hồ, khẳng định ý nghĩa lịch sử và thời đại của sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ngày 5-6-1911 như một mốc son trong lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam anh hùng; khẳng định sự lựa chọn sáng suốt của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tìm ra con đường đúng đắn cho cách mạng Việt Nam; từ đó tin tưởng sâu sắc, vững bước trên con đường Bác Hồ đã chọn, đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện thành công ước mơ của Người, xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, độc lập, thống nhất, dân chủ, văn minh.

Hội thảo cần tập trung vào các mảng nội dung cơ bản: Trong bối cảnh lịch sử của nước ta cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 - Nguyễn Tất Thành quyết chí tìm đường cứu nước; từ thành phố Sài Gòn, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và nội dung chính của Hội thảo là cuộc hành trình vĩ đại trong mấy thập kỷ, qua hàng chục nước của các châu lục Á - Âu - Phi - Mỹ, lao động, học tập, nghiên cứu, hoạt động cách mạng để tìm ra con đường cho cách mạng Việt Nam.

Hội thảo đã nghe 16 trong tổng số 137 tham luận của các đại biểu gửi đến, đặc biệt là các tham luận của các đồng chí lãnh đạo Ðảng và Nhà nước. Ðồng chí Lê Khả Phiêu trình bày tham luận về 'Hồ Chí Minh với giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân' (xem Báo Nhân Dân số ra các ngày 28 và 29-5). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham luận về 'Vững bước trên con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước' (Toàn văn tham luận đăng trên báo ra hôm nay). Các tham luận đã nêu rõ những nhận thức sâu sắc, tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao của toàn Ðảng, toàn dân ta 'Vững bước theo con đường Bác Hồ đã chọn'. Từ góc nhìn, cách tiếp cận với những kết quả nghiên cứu mới, những nhận thức quá khứ với những liên hệ hiện tại và tương lai, các đại biểu mang đến Hội thảo những báo cáo khoa học sinh động, súc tích; từ đó góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức, truyền thống yêu nước, bồi dưỡng tình cảm cách mạng, tích cực học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân. (Báo Nhân Dân sẽ tổng thuật cuộc Hội thảo trên số báo ra ngày 2-6).

Phát biểu ý kiến bế mạc Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ðăng Thành nhấn mạnh: Dân tộc Việt Nam, các thế hệ lãnh đạo, người dân Việt Nam đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta, Người đã có công tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Con người, cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tài sản tinh thần vô giá của các thế hệ người Việt Nam. Tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người luôn tỏa sáng, soi đường cho cách mạng Việt Nam, cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân vững bước trên con đường đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác