Quảng Ngãi chú trọng công tác quy hoạch cán bộ

08/05/2012

* Quảng Nam thực hiện nhiều giải pháp phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai

Thực hiện kế hoạch số 26 của Tỉnh ủy về công tác quy hoạch cấp ủy và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, Tỉnh ủy Quảng Ngãi yêu cầu các cấp ủy tập trung triển khai công tác quy hoạch cán bộ bảo đảm đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HÐH đất nước và của tỉnh.

Công tác quy hoạch cán bộ được thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ, dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy đảng. Việc thực hiện quy hoạch phải bảo đảm theo phương châm "động" và "mở", gắn với nhận xét đánh giá cán bộ theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay". Thực hiện công tác  quy hoạch cán bộ, các  huyện  ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các sở, ban, ngành, MTTQ và đoàn thể tiến hành quy hoạch cán bộ lãnh đạo chủ chốt để làm cơ sở, tạo nguồn giới thiệu quy hoạch cấp ủy tỉnh; bảo đảm cơ cấu ba độ tuổi, thực hiện trẻ hóa đội ngũ cán bộ với yêu cầu về độ tuổi trung bình cấp ủy khóa sau thấp hơn khóa trước. Tỷ lệ cán bộ nữ, người thiểu số phải cao hơn hoặc bằng khóa trước. Ðối với quy hoạch Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải bảo đảm nguồn quy hoạch có số lượng từ 1,5 đến 2 lần so dự kiến số lượng Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ðối với các chức danh Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND và UBND tỉnh, Phó Chủ tịch HÐND tỉnh phải quy hoạch từ hai đến ba người cho một chức danh và một người có thể quy hoạch từ hai đến ba chức danh. Những người được quy hoạch vào các chức danh nêu trên, tuổi dưới 45 phải có bằng tốt nghiệp đại học chính quy hoặc sau đại học, tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị, trình độ ngoại ngữ B, sử dụng thành thạo vi tính. Tỉnh ủy Quảng Ngãi yêu cầu các cấp ủy cần khẩn trương thực hiện các bước quy hoạch cán bộ lãnh đạo cấp ủy và lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, hoàn thành vào cuối tháng 6-2012.

Tỉnh ủy Quảng Nam vừa tổ chức hội nghị đánh giá tình hình phát triển công nghiệp giai đoạn 2006-2011 và kết quả tám năm xây dựng Khu Kinh tế mở (KTM) Chu Lai. Khu KTM Chu Lai được thành lập từ năm 2003, đây là khu kinh tế ven biển đầu tiên của Việt Nam, với tổng diện tích hơn 42 nghìn ha. Ðến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu đã từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào hoạt động. Hiện, có 72 dự án được cấp phép, với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD; trong đó, có 48 dự án đã đi vào hoạt động, với số vốn đầu tư hơn 700 triệu USD. Bước đầu đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hơn 11 nghìn lao động; góp phần tạo nguồn thu và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương... Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa đáp ứng sự mong đợi và mục tiêu đề ra.

Tỉnh ủy Quảng Nam đề ra các nhóm giải pháp chủ yếu để tiếp tục thúc đẩy Khu KTM Chu Lai phát triển. Ðó là thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về kinh tế và đẩy mạnh phân cấp cho Ban Quản lý Khu KTM Chu Lai (gọi tắt là Ban Quản lý); tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp; thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết thủ tục đầu tư tại Khu KTM Chu Lai theo hướng giao cho Ban Quản lý là cơ quan đầu mối trong việc giải quyết mọi thủ tục cho nhà đầu tư. Ðẩy mạnh phân cấp, tạo sự chủ động cho Ban Quản lý trong tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động của Khu KTM Chu Lai, từ cơ chế tài chính đến việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư cũng như sử dụng lao động và cơ chế tiền lương phù hợp. Tỉnh sẽ chú trọng công tác quy hoạch, xây dựng cơ bản theo hướng phát triển mới; tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội; tập trung phát triển và đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp đào tạo lại đội ngũ công nhân, tiếp tục tuyển dụng thêm cán bộ có trình độ, năng lực và kinh nghiệm về làm việc tại Ban Quản lý để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác mới...

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác