Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang lấy ý kiến góp ý vào các dự án Luật

16/09/2024

Sáng 16/9, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Bà Lê Thị Thanh Lam, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh, chủ trì hội nghị.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH HẬU GIANG GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ TẠI UBND TỈNH

Đại biểu góp ý kiến dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 9 chương, 102 điều, tăng 2 chương, 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành. Sau hơn 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, luật dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể.

Tham gia góp ý dự thảo luật, các đại biểu cơ bản đồng tình với dự thảo, tuy nhiên cũng cho rằng, đối với phạm vi điều chỉnh, cần bổ sung thêm trách nhiệm của cộng đồng trong bảo tồn di sản. Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm điều khoản quy định về đầu tư, khai thác, phát huy giá trị của di tích. Ngoài ra, ở các Điều 25, 26, 27,.. nêu rất đầy đủ về việc quản lý, bảo vệ khu vực I và II của di tích, tuy nhiên thực tế cho thấy nhiều di tích có giáp ranh giữa 2 tỉnh nên đề nghị bổ sung nội dung quản lý đối với trường hợp di tích nằm giáp ranh giữa 2 tỉnh trở lên.

Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã sửa đổi, bổ sung 43 điều của 8 chương, trong tổng số 116 điều của Luật Dược năm 2016. Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến giải thích từ ngữ, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực dược, quy định về hành nghề dược, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thông tin, quảng cáo thuốc, thử thuốc trên lâm sàng, quản lý chất lượng thuốc và quản lý giá thuốc.

Góp ý, các đại biểu đề nghị cần có chính sách tăng cường hơn nữa việc bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của người dân; việc quản lý giá thuốc cần có quy định cụ thể trong việc kê khai, kê khai lại giá bao gồm giá bán buôn và giá bán lẻ,… Liên quan đến loại hình kinh chuỗi nhà thuốc, đại biểu đề xuất cần phân cấp quản lý, để đảm bảo công tác thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định, phòng, tránh việc độc quyền, nâng giá thuốc…

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương, 36 điều, quy định về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động; quyền gia nhập công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm của công đoàn; quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn;… Về dự thảo này, đại biểu đồng tình cao với các nội dung.

Phát biểu kết luận hội nghị, bà Lê Thị Thanh Lam ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu và cho rằng, qua các ý kiến cho thấy đại biểu nghiên cứu rất kỹ 3 dự án luật. Dự kiến tại kỳ họp sắp tới Quốc hội sẽ thảo luật và cho ý kiến đối với các dự thảo luật trên, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang mong muốn các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, tham gia đóng góp hoàn thiện để các dự thảo luật phù hợp thực tế, dễ dàng đi vào cuộc sống.

(Theo báo Hậu Giang)

Các bài viết khác