Cần chú trọng giảm nghèo thực chất, bền vững

17/10/2024

Những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm và được xác định mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu. Nhân Ngày Quốc tế Xóa nghèo (17/10), Cổng TTĐT Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Phạm Văn Hòa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp về những kết quả và thách thức trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở nước ta thời gian qua.

Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tiếp xúc cử tri huyện Lai Vung

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Hội nghị triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội - Gắn xây dựng với thực thi pháp luật

Có nhiều điểm sáng, song thách thức còn nhiều

Phóng viên: Đại biểu có đánh giá thế nào về những kết quả mà nước ta đã đạt được trong công tác xóa đói giảm nghèo những năm qua?

ĐBQH Phạm Văn Hòa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định công tác xóa đói, giảm nghèo, toàn diện, bền vững, nâng cao đời sống nhân dân là một chủ trương, mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu. Tôi thấy rằng, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn nằm trong tốp 4 của ASEAN và trong tốp 40 của thế giới. Đặc biệt nước ta đã có nhiều điểm sáng nổi bật về công tác xóa đói giảm nghèo, được bạn bè quốc tế ghi nhận. 

Tôi đánh giá rất cao vai trò, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác an sinh xã hội, trong đó có công tác giảm nghèo cho người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, người dân ở đồng bằng có cuộc sống khó khăn. Theo đó, các biện pháp giảm nghèo ngày càng chú trọng mục tiêu không chỉ giúp hộ nghèo đủ cơm ăn, áo mặc mà còn bảo đảm để người dân có thể tiếp cận bình đẳng, đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản như: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin...

Thời gian qua, Việt Nam chúng ta đã xây dựng và thực hiện hàng loạt chính sách hướng đến mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững. Trong đó, trọng tâm là 03 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, các hộ nghèo được hỗ trợ vượt qua hoàn cảnh khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống theo chuẩn nghèo đa chiều mới.

Để trở thành điểm sáng về giảm nghèo so với quốc tế, Việt Nam đã xây dựng và thực hiện hàng loạt chính sách hướng đến mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững

Chúng ta cũng thấy, mặc dù bị ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và sự suy thoái chung của nền kinh tế toàn cầu, kết quả giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 ở nước ta vẫn đạt được những thành tích đáng khích lệ. Năm 2023, ước tính tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều tiếp tục giảm 1,1% so với năm 2022 đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã đề ra. Tại nhiều địa phương trong cả nước, đời sống các địa bàn lõi nghèo đã có sự cải thiện, chuyển biến đáng kể.

Trong quá trình thực hiện công cuộc giảm nghèo, nhờ có nhiều phong trào, mô hình, cách làm hay, hiệu quả đã giúp nhiều hoàn cảnh thoát khỏi nghịch cảnh, xây dựng, cải thiện cuộc sống. Theo Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tại nhiều địa phương, có đến hàng trăm hộ nghèo chủ động viết đơn xin thoát nghèo và chủ động nhường quyền hỗ trợ cho hộ khác. Rõ ràng, công cuộc giảm nghèo thời gian qua ở nước ta đã đạt được các kết quả khá tích cực. Mới đây, theo Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2023, ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,93% (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%).

Tôi thấy rằng, những thành công trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở nước ta thời gian qua là minh chứng rõ nét, cho thấy Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo cho người dân, nhất là những đối tượng yếu thế, người dân vùng khó khăn. Đó cũng là nỗ lực, quyết tâm của Việt Nam chúng ta trong việc bảo đảm quyền con người và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Phóng viên: Mặc dù là điểm sáng về giảm nghèo nhưng công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở nước ta vẫn còn nhiều thách thức. Xin đại biểu cho biết công tác này ở nước ta hiện nay đang gặp những khó khăn, hạn chế, vướng mắc như thế nào?

ĐBQH Phạm Văn Hòa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Đúng vậy, bên cạnh nhiều thành tựu, điểm sáng tích cực thì công tác giảm nghèo ở nước ta hiện cũng còn không ít những thách thức. Trong điều kiện tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam còn khó khăn, đặc biệt là thiên tai, bão lũ, nên công tác an sinh xã hội chưa thực sự đáp ứng đủ các nhu cầu của người dân. Giảm nghèo chưa bền vững, người dân ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, phân hóa giàu nghèo, phân hóa giữa các vùng miền vẫn có xu hướng mở rộng. Các chính sách cho người cao tuổi, hay chính sách cho các đối tượng yếu thế của chúng ta còn chưa theo kịp so với các phát triển khác.

Tình trạng thiếu việc làm và thất nghiệp ở còn nhiều. Nguồn lực để thực hiện an sinh xã hội cũng còn hạn chế và chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Chất lượng cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội, đặc biệt là dịch vụ y tế còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sự gia tăng mức sống của dân cư….

Một bất cập đáng chú ý là, do chính sách hỗ trợ giảm nghèo của nước ta được thiết kế theo hướng nhân văn, ai nghèo cũng được hỗ trợ và có quá nhiều chính sách ưu đãi với hộ nghèo, người nghèo nên một bộ phận người nghèo có tư tưởng ỷ lại, không muốn thoát nghèo để tiếp tục thụ hưởng sự hỗ trợ đó. Nhiều hộ tự bằng lòng với cuộc sống hiện tại, thiếu ý thức vươn lên thoát nghèo, một số ít còn lười lao động.

Cần chú trọng giảm nghèo thực chất, bền vững

Phóng viên: Có nhiều người đặt câu hỏi: "Cho cần câu hay cho con cá" trong xóa đói giảm nghèo, quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào? Để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, thời gian tới, theo đại biểu, cần những giải pháp như thế nào?

ĐBQH Phạm Văn Hòa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Lâu nay, khi nói về cách hỗ trợ cho người nghèo, mọi người vẫn thường dùng hình ảnh “con cá và cần câu” để ví von. Cũng đã có rất hộ nghèo ở các địa phương được hỗ trợ cây, con giống để tạo sinh kế, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống từ những “con cá và cần câu” ấy.  

Ở giai đoạn hiện nay, tôi thấy cách tiếp cận chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo cũng đã có sự thay đổi, từ chỗ hỗ trợ cho người dân "con cá" chuyển sang hỗ trợ "cần câu".

Song trên thực tế cho thấy, đâu phải ai được hỗ trợ cần câu cũng đều câu được cá. Tôi cho rằng, muốn xóa đói, giảm nghèo bền vững, việc cho con cá hay cho cần câu cần phải được cân nhắc và áp dụng phù hợp với từng hoàn cảnh, thời điểm. Bởi đã có không ít các trường hợp được trao “cần câu”- vốn đầu tư vào dự án, xây dựng mô hình... nhưng do trình độ lạc hậu, cách làm chưa đến nơi, đến chốn nên thất bại, “không câu được cá”, không thu hồi được vốn, gây lãng phí.

Tôi cho rằng, ngoài việc phải đầu tư vốn, xây dựng các mô hình xóa đói, giảm nghèo, muốn công cuộc này có tính bền vững, giúp người nghèo vươn lên làm giàu được, chúng ta cần phải có các giải pháp thực sự hiệu quả, đột phá để nâng cao dân trí, trình độ văn hóa của người dân. Bởi nếu cần cù, chịu khó làm ăn, chỉ có thể thoát nghèo, còn muốn làm giàu thì tôi cho rằng phải có kiến thức.

Do vậy, việc cho “cần câu”, không chỉ đơn giản là đầu tư vốn, mà lâu dài là sự hỗ trợ về giáo dục, dạy nghề, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao dân trí, trình độ cho người dân, giúp người dân có ý thức mạnh mẽ vươn lên thoát nghèo và làm giàu, để giảm nghèo là thực chất chứ không phải là chỉ tiêu.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Thu Phương

Các bài viết khác