Thảo luận Tổ 5: Đảm bảo ngân sách bền vững từ thu thuế và các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội

26/10/2024

Đóng góp ý kiến đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, các ĐBQH tại Tổ 5 cho rằng, cần chú trọng đảm bảo ngân sách bền vững từ thu thuế và phí của các địa phương và doanh nghiệp; Đưa thị trường vàng ổn định, khắc phục tình trạng thiếu vaccine; Lựa chọn các trường có đủ năng lực để đào tạo nguồn nhân lực liên vùng...

Thảo luận Tổ 5: Đề xuất các giải pháp về thu, phân bổ ngân sách và phát triển kinh tế - xã hội

Thảo luận Tổ 5: Bảo đảm chất lượng dữ liệu nhằm tạo thuận lợi cho việc quản lý, điều hành

Chiều 26/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 5

Tại Tổ 5 gồm các Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của các tỉnh: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Quảng Nam, Kiên Giang. Trong phiên thảo luận, các ĐBQH tập trung đóng góp ý kiến về tiến độ thực thi các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giải pháp ổn định thị trường vàng; khắc phục tình trạng thiếu vaccine; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

Đưa thị trường vàng ổn định, khắc phục tình trạng thiếu vaccine

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang: Năm 2024, Chính phủ đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua còn chậm. Đơn cử như Luật Đất đai (sửa đổi), mặc dù Quốc hội đã cố gắng thông qua sớm nhưng đến nay Chính phủ chưa ban hành đủ các văn bản hướng dẫn về việc xác định giá đất khiến các địa phương chưa triển khai định giá được. Vì vậy, việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật có bảo đảm thống nhất giữa các văn bản hướng dẫn không là điều cần lưu ý. Đặc biệt là cần có giải pháp hạn chế luật ống, luật khung...

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Ghi nhận những kết quả kinh tế-xã hội đã đạt được trong 9 tháng đầu năm 2024 nhưng đại biểu Nguyễn Danh Tú – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang lại bày tỏ về sự biến động của thị trường vàng tác động lớn đến tâm lý của người dân và ổn định nền kinh tế.

Năm 2024, giá vàng trong nước và thế giới có sự chênh lệch lớn. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có giải pháp cho phép 4 ngân hàng được bán vàng cho người dân với giá sát với giá trên thế giới để giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Thế nhưng, trong thời gian gần đây, việc mua bán vàng trên thị trường vàng có bật cập như người dân có dịp cưới hỏi muốn mua từ 1-2 chỉ vàng rất khó khăn.

Với thực tế trên, đại biểu Nguyễn Danh Tú đề nghị làm rõ về thị trường vàng chính thức và không chính thức và đề nghị Chính phủ cần có giải pháp kịp thời để chống vàng hóa góp phần đưa thị trường vàng ổn định, vận hành bình thường, tạo thuận lợi cho người dân trong giao dịch vàng cũng như ổn định kinh tế vĩ mô.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Liên quan đến việc mở rộng tiêm chủng vaccine, đại biểu Nguyễn Danh Tú bày tỏ lo ngại khi việc thiếu vaccine tại các bệnh viện có thể ảnh hưởng đến việc tiêm chủng mở rộng. Ngoài ra, một số bệnh như sởi, bạch hầu lại quay trở lại ở một số nơi. Chính vì vậy, Chính phủ cần có giải pháp, chính sách căn cơ đối với việc tiêm chủng mở rộng, tiến độ tiêm chủng, giải quyết việc thiếu thuốc, vaccine nhằm đảm bảo quyền lợi tiêm chủng cho các cháu nhỏ.

Lựa chọn các trường có đủ năng lực để đào tạo nguồn nhân lực liên vùng

Đóng góp ý kiến về chất lượng nguồn nhân lực, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực chưa thực sự là động lực, là đột phá để phát triển kinh tế-xã hội, chưa đáp ứng yêu cầu dẫn dắt, phát triển nền kinh tế, đặc biệt cho các ngành kinh tế mũi nhọn, chip bán dẫn, kinh tế xanh, kinh tế số….

Theo báo cáo của Ủy ban Xã hội, tỷ lệ có việc làm phi chính thức vẫn chiểm tỉ trọng lớn 64,6%, công việc không ổn định, quyền lợi người lao động về an sinh xã hội chưa được đảm bảo so với khu vực phi chính thức. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15-24 tuổi là 7,92%, gấp 3,53 lần tỉ lệ thất nghiệp chung của lao động trong độ tuổi (2,26%). Nhóm thất nghiệp này tập trung chủ yếu ở nông thôn và vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ 28% lực lượng lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ về chuyên môn kỹ thuật trong hệ thống giáo dục quốc dân việc này tạo ra thách thức lớn trong việc tăng năng suất lao động, phát triển các ngành nghề, công việc có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao sau khi hội nhập quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng, phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; lựa chọn các trường có đủ năng lực để góp phần vào sự đào tạo nguồn nhân lực của vùng, liên vùng. Qua đó đầu tư thật đồng bộ cả về lực lượng giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho những cơ sở đào tạo này. 

Chính phủ cần đánh giá sâu hơn nữa về kết quả thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, chất lượng giáo dục đại trà, đặc biệt là chất lượng giáo dục vùng cao, vùng dân tộc thiểu số và kết quả phân luồng, hướng nghiệp, phân luồng học sinh, công tác xóa mù chữ... để có đánh giá kỹ, từ đó có giải pháp tổng thể nâng cao chất lượng giáo dục.

Đảm bảo ngân sách bền vững từ thu thuế và phí của doanh nghiệp, địa phương

Đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những ý kiến, đề xuất của các ĐBQH đối với kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Theo đó, những nội dung, vấn đề nào có thể sửa đổi ngay được thì Chính phủ, Quốc hội có thể sửa đổi ngay và đưa ra các giải pháp kịp thời.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Về vấn đề tài chính, ngân sách, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhận định, trong báo cáo của Chính phủ đã thể hiện quyết tâm bố trí các nguồn lực để giải quyết các nhiệm vụ về kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động thì tình hình sản xuất, kinh doanh hoạt động của các doanh nghiệp, việc xuất nhập khẩu hàng hóa còn nhiều khó khăn, thách thức.

Mặc dù ngân sách có thể đạt hoặc vượt chỉ tiêu đề ra nhưng đảm bảo ngân sách bền vững từ thu thuế và phí ở phía các địa phương và doanh nghiệp đòi hỏi cần phải chú trọng hơn nữa. Theo đó, các địa phương có được nguồn thu thì cần tích cực đóng góp vào ngân sách Nhà nước để phục vụ, giải quyết các chính sách xã hội, mục tiêu lớn hơn. Ngoài ra, Chính phủ, Quốc hội cần tiếp tục thực hiện các giải pháp về thuế như đối với thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp... để làm sao ngày càng huy động được các nguồn lực cũng như chống thất thu về thuế, phù hợp với các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay...

Trong phiên thảo luận, các ĐBQH tại Tổ 5 còn cho ý kiến đối với dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Theo đó, các đại biểu đều thống nhất về sự việc sửa đổi Luật này để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay cũng như cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về cách tính giá điện theo phương thức mới, phát triển các loại năng lượng mới song song, đảm bảo an ninh, an toàn năng lượng...

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận:

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 5

Các ĐBQH tham dự Phiên thảo luận

Đại biểu Dương Văn An - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc 

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam./.

Bích Lan - Minh Thành

Các bài viết khác