Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số: Xác định rõ phạm vi điều chỉnh, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật

23/11/2024

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 23/11, thảo luận tại Tổ 3 về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, các ĐBQH cho rằng, cần xác định rõ phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, đồng thời rà soát các quy định có liên quan để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo, trùng lắp giữa các luật với nhau.

Cần quy định chế tài với cơ quan, cá nhân chậm hoặc không giải quyết các kiến nghị sau giám sát

Cân nhắc lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia, thuốc lá

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 3

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 gồm 08 Chương, 73 Điều.

Thảo luận tại Tổ 3 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Giang, Nghệ An và Quảng Ngãi) về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật này nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, đặc biệt là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; khắc phục các hạn chế, bất cập hiện nay trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng thực thi các quy định pháp luật về công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) và dịch vụ CNTT theo pháp luật hiện hành.

Rà soát, tránh chồng chéo giữa các luật

Quan tâm đến dự thảo Luật này, đại biểu Trần Đức Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho biết, thời gian qua, Đảng ta đã có chủ trương về phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và nhiều vấn đề liên quan đến cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Luật Công nghệ thông tin cũng là cơ sở để chúng ta phát triển công nghiệp công nghệ số. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, đại biểu đồng tình với quan điểm của Chính phủ là cần thiết xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số với đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, đặc biệt nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Công nghệ thông tin.

Đại biểu Trần Đức Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Liên quan đến quy định về dữ liệu số, đại biểu Trần Đức Thuận cho rằng, Quốc hội đang thảo luận về Luật Dữ liệu và sắp tới Quốc hội bấm nút thông qua Luật Dữ liệu. Luật này có phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội hàm rất cụ thể. Và Luật Công nghiệp công nghệ số cũng quy định các nội dung có liên quan đến dữ liệu. Do đó, đại biểu đề nghị rà soát để tránh chồng chéo, “những gì thuộc về công nghiệp công nghệ số, những gì thuộc về vấn đề dữ liệu thì cần phân định cho rõ. Cần phân định rạch rời giữa hai luật này để tránh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện”.

Dữ liệu hiện nay là tài nguyên, là tài sản, liên quan đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân, do đó, đại biểu Trần Đức Thuận cho rằng, Luật cần quy định rõ hơn về quyền sở hữu và quản lý đối với công nghiệp công nghệ số và dữ liệu số. Bên cạnh đó, có những dữ liệu đặc thù phục vụ quốc phòng - an ninh và trở thành tài sản đặc biệt, vì vậy, Luật cần phải hướng đến quy định nội dung này.

Về phát triển doanh nghiệp công nghệ số, hiện nay nhiều doanh nghiệp về CNTT dù nhỏ nhưng sức sáng tạo rất cao. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào quá trình phát triển công nghiệp công nghệ số, như các gói vay ưu đãi, hỗ trợ thuế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp khi tham gia vào lĩnh vực này, thành lập các Trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tại các tỉnh, đặc biệt là khu vực nông thôn… Đồng thời cần xây dựng cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp.

Các đại biểu dự Phiên thảo luận

Đáng chú ý, đại biểu Trần Đức Thuận cũng cho rằng, dự thảo Luật cần quan tâm đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực trẻ để phát triển công nghệ số, có thể đưa công nghệ số vào giáo dục từ cấp trung học, tiếp cận càng sớm càng tốt. Liên quan đến hạ tầng công nghệ, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu hạ tầng công nghệ dùng chung cho cả quốc gia, Chính phủ cần quy định cơ chế quản lý hạ tầng công nghệ để tránh trường hợp độc quyền, đảm bảo quá trình vận hành hạ tầng công nghiệp công nghệ số phục vụ đắc lực cho việc chia sẻ, ứng dụng dữ liệu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Đại biểu Trần Đức Thuận tin tưởng rằng, Luật Công nghiệp công nghệ số ra đời sẽ tạo hành lang pháp lý, đẩy mạnh phát triển cả phần cứng và phần mềm trong công nghệ số, phục vụ đắc lực trong việc truyền, xử lý dữ liệu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Xác định rõ phạm vi điều chỉnh

Nhấn mạnh đây là luật chuyên ngành, lĩnh vực chuyên sâu về công nghệ số, nội hàm mang tính chuyên môn, đặc thù và hội nhập quốc tế cao, đại biểu Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi nhận thấy, dự án Luật Công nghiệp công nghệ số quy định nhiều chính sách, cơ chế đột phá, phạm vi của Luật có thể trùng lắp, giao thoa với một số luật liên quan như: Luật Công nghệ thông tin, Luật Công nghệ cao, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Giao dịch điện tử,…Vì vậy, quy định về giải thích thuật ngữ trong dự án Luật đóng vai trò quan trọng trong việc xác định đúng đối tượng áp dụng và hạn chế tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật liên quan.

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Về giải thích từ ngữ (Điều 3), đại biểu cho rằng, Luật này sẽ điều chỉnh các lĩnh vực thuộc ngành CNTT, công nghệ cao và các ngành khoa học công nghệ có hàm lượng đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng số (các CNS thế hệ mới). Theo đó, cần quy định rõ nội hàm của khái niệm “công nghệ số”, phân định rõ mối quan hệ giữa CNS với CNTT và công nghệ cao, trên cơ sở đó xác định rõ phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, đảm bảo không có sự trùng lắp với phạm vi điều chỉnh của các Luật liên quan.

Khoản 7 quy định “Nội dung số bao gồm văn bản, dữ liệu, hình ảnh, âm thanh được thể hiện dưới dạng số, được lưu giữ, truyền đưa trên môi trường điện tử”. Tại điểm c khoản 1 Điều 8 quy định hoạt động sản xuất công nghệ số bao gồm loại hình “hoạt động sản xuất sản phẩm nội dung số” và tại điểm c khoản 1 Điều 10 quy định sản phẩm công nghệ số gồm “sản phẩm nội dung số”. Đại biểu bày tỏ băn khoăn như vậy có chồng lấn với phạm vi điều chỉnh của Luật Báo chí, Luật Quảng cáo hay không?

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy điều hành Phiên thảo luận

Khoản 12 quy định “Dữ liệu số trong công nghiệp công nghệ số là dữ liệu số phục vụ hoạt động công nghiệp công nghệ số”. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy chưa rõ nội hàm, những dữ liệu số nào sẽ phục vụ cho công nghiệp công nghệ số; trong khi Luật Giao dịch điện tử có khái niệm “dữ liệu số”, do đó dễ gây sự nhầm lẫn.

Vì vậy, đại biểu Vũ Thị Liên Hương đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện thêm các thuật ngữ để các quy định quản lý được chặt chẽ và cần rà soát các quy định để đảm bảo sự thống nhất, không chồng chéo, tránh trùng lắp giữa các luật với nhau.

Ngoài ra, đại biểu tỉnh Quảng Ngãi cũng đề nghị cần cụ thể hóa hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động công nghiệp công nghệ số (Điều 7) thay vì quy định chung chung. Đồng thời, đề nghị bổ sung các hành vi nghiêm cấm mang tính đặc thù về sở hữu trí tuệ trong phát triển, cung cấp và sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) theo hướng: cần quy định cấm việc sử dụng các sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà không xin phép, cấm sử dụng hình ảnh nhận dạng (sinh trắc học), giọng nói cá nhân mà không xin phép.

Cũng tại Phiên họp, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận ở Tổ 3:

Quang cảnh Phiên thảo luận

Các đại biểu tại Tổ 3

Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Đại biểu Trần Đức Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Đại biểu Nguyễn Vân Chi - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tham gia đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận ở Tổ 3./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức